- ĐHQG Hà Nội sử dụng nhiều tổ hợp bài thi và môn thi mới trong đợt xét tuyển đại học năm 2017, trong đó có tổ hợp sử dụng kết quả môn thi Giáo dục công dân.

{keywords}
Năm 2017, ĐHQG Hà Nội sẽ không thi đánh giá năng lực như các năm 2015-2016 mà sẽ xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia.

ĐHQG Hà Nội vừa công bố thông tin tuyển sinh đại học chính quy năm 2017. Theo đó, năm nay, ĐHQG Hà Nội sẽ xét tuyển theo kết quả thi THPT theo các tổ hợp bài thi/môn thi tương ứng.

Theo thông tin từ ĐHQG Hà Nội, năm nay, ĐHQG Hà Nội sẽ tuyển sinh 7.345 chỉ tiêu cho 97 ngành học của 9 trường và khoa trực thuộc.

Điểm mới nhất là nhiều đơn vị của ĐHQG Hà Nội sẽ sử dụng kết quả các bài thi tổ hợp gồm bài thi Khoa học tự nhiên (KHTN) và Khoa học xã hội (KHXH) để xét tuyển với nhiều tổ hợp mới bên cạnh các tổ hợp truyền thống.

Bên cạnh đó, một số ngành sử dụng kết quả môn thi Giáo dục công dân vào tổ hợp xét tuyển như ngành Sư phạm Ngữ Văn và Sư phạm Lịch sử của Trường ĐH Giáo dục với tổ hợp Toán – Ngữ Văn – GDCD (C14) và Ngữ văn – Lịch sử - GDCD (D61-D65).

Theo kế hoạch, ĐHQG Hà Nội sẽ xét tuyển 2 đợt: Đợt 1 và đợt bổ sung. ĐHQG Hà Nội cũng sẽ xây dựng các tiêu chí và ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của riêng ĐH này.

Căn cứ tiêu chí, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do ĐHQGHN quy định và chỉ tiêu tuyển sinh, các đơn vị đào tạo thuộc ĐHQGHN xây dựng điểm trúng tuyển theo phương án tuyển sinh của đơn vị.

Bên cạnh kết quả thi THPT quốc gia 2017, các thí sinh đã tham dự kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) do ĐHQG Hà Nội tổ chức vẫn còn thời hạn sử dụng vẫn được tiếp tục xét tuyển vào các trường của ĐHQH Hà Nội.

Ngoài ra, ĐHQG Hà Nội cũng chấp nhận chứng chỉ quốc tế của Trung tâm Khảo thí ĐH Cambridge, Vương Quốc Anh.

ĐHQG Hà Nội cũng xét tuyển thẳng những thí sinh là học sinh các trường THPT chuyên đã tốt nghiệp THPT và đạt giải chính thức trong kỳ thi chọn học sinh giỏi bậc THPT cấp ĐHQGHN; thí sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi, có hạnh kiểm tốt từng năm học trong cả 3 năm học THPT và có tổng điểm 4 môn thi tốt nghiệp THPT đạt tối thiểu 32 điểm trong đó không có điểm môn nào dưới 6 điểm.

Nhiều chương trình tài năng, chất lượng cao

Ngoài ra, ĐHQG Hà Nội cũng công bố nhiều chương trình đào tạo tài năng, đào tạo tiên tiến và chất lượng cao.

Cụ thể, chương trình đào tạo tài năng gồm các ngành Toán học, Vật lý học, Hóa học, Sinh học của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN) dành cho những sinh viên (SV) đặc biệt xuất sắc, có năng khiếu về một ngành khoa học cơ bản để đào tạo nguồn nhân tài cho đất nước.

SV học CTĐT tài năng được hỗ trợ kinh phí đào tạo 25 triệu đồng/năm, được cấp học bổng khuyến khích phát triển 1 triệu đồng/tháng, được bố trí phòng ở miễn phí trong Ký túc xá (KTX) của ĐHQGHN. SV tốt nghiệp được nhận bằng cử nhân khoa học tài năng.

Chương trình đào tạo tiên tiến tại Trường ĐHKHTN: ngành Hóa học hợp tác với Trường Đại học Illinois (Hoa Kỳ), ngành Khoa học Môi trường hợp tác với trường ĐH Indiana (Hoa Kỳ).

SV được hỗ trợ 20 triệu đồng học tiếng Anh để tối thiểu đạt trình độ Bậc 4 (B2) theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. SV tốt nghiệp được nhận bằng cử nhân chương trình tiên tiến.

Chương trình đào tạo chuẩn quốc tế gồm các ngành Vật lý học liên kết với Trường ĐH Brown (Hoa Kỳ), ngành Địa chất học liên kết với Trường ĐH Illinois (Hoa Kỳ), ngành Sinh học liên kết với Trường ĐH Tufts (Hoa Kỳ) của Trường ĐHKHTN.

SV được hỗ trợ kinh phí đào tạo 17 triệu đồng/năm, gồm cả kinh phí học tiếng Anh để tối thiểu đạt trình độ Bậc 5 (C1) theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. SV tốt nghiệp được nhận bằng cử nhân chương trình chuẩn quốc tế.

Chương trình đào tạo chất lượng cao gồm các ngành Địa lý tự nhiên, Khí tượng học, Thủy văn, Hải dương học, Khoa học Môi trường của Trường ĐHKHTN; Triết học, Khoa học quản lý, Văn học, Lịch sử, Tâm lý học, Ngôn ngữ học của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH&NV); Sư phạm tiếng Anh, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Pháp, Ngôn ngữ Nhật của Trường ĐH Ngoại ngữ; ngành Công nghệ thông tin của Trường ĐH Công nghệ; Luật học của Khoa Luật.

SV được hỗ trợ kinh phí 7,5 triệu đồng/năm, được hỗ trợ kinh phí học tiếng Anh để tối thiểu đạt trình độ Bậc 4 (B2) theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. SV tốt nghiệp được nhận bằng cử nhân chất lượng cao.

Chương trình đào tạo chất lượng cao (CTĐT CLC) đáp ứng Thông tư 23 của Bộ GD&ĐT: các ngành Khoa học máy tính và Công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông của Trường ĐH Công nghệ; ngành Kinh tế quốc tế, Quản trị kinh doanh và Tài chính Ngân hàng của Trường ĐH Kinh tế; Ngành Công nghệ sinh học, ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học của Trường ĐH KHTN.

Kinh phí đào tạo khoảng 30-36 triệu đồng/sinh viên/năm. SV tốt nghiệp được nhận bằng cử nhân chất lượng cao.

Đào tạo cùng lúc hai chương trình đào tạo (bằng kép): SV học hết năm học thứ nhất nếu có nguyện vọng và đủ điều kiện về học lực được đăng ký học thêm một CTĐT thứ hai ở các đơn vị đào tạo trong ĐHQGHN để nhận hai văn bằng tốt nghiệp đại học chính quy.

Ngoài ra, các đơn vị đào tạo thuộc ĐHQGHN còn tổ chức các chương trình liên kết đào tạo quốc tế hợp tác với các trường đại học uy tín trên thế giới, do trường đối tác nước ngoài cấp bằng.

Lê Văn