Nhắc đến chè của đất nước chùa tháp ở TP HCM, thực khách nhớ ngay đến Cô Huôi, gánh chè mấy chục năm ở chợ Lê Hồng Phong (quận 10), nơi có các món chè lạ như chè bí đỏ, hột me...
Từ lâu, chợ Lê Hồng Phong (cổng chợ nằm ở hẻm 374 Lê Hồng Phong, quận 10, TP HCM) được nhiều người gọi là chợ Campuchia. |
Tên gọi này xuất phát từ việc bạn có thể tìm thấy những món ngon của đất nước chùa tháp tại đây như bún num-bo-chok, bún mắm. Trong đó, được giới trẻ thích nhất là chè. |
Có khá nhiều hàng chè Campuchia trong chợ. Lâu đời nhất là chè cô Huôi. Theo lời kể, má cô Huôi bán chè ở Campuchia. Khi về Việt Nam (vào những năm 1970), bà tiếp tục bán chè tại đây. Hiện nay, một người bà con của cô Huôi là chị Hà đứng bán. |
Hàng chè này có 7 loại chè là chè hột me, bí đỏ, thốt nốt... Điểm chung là nguyên liệu được nhập hàng tuần từ Campuchia, nấu bằng đường thốt nốt và đều được ăn cùng sầu riêng, nước cốt dừa, sữa đặc, đá bào.. |
Trong các món chè, lạ nhất là chè bí chưng (tiếng Campuchia gọi là num-à-pơi). Trái bí đỏ được khoét ruột, thêm hỗn hợp gồm sữa bột, sữa đặc, nước cốt dừa, lòng đỏ trứng đã đánh đều, hấp cách thủy. |
"Quan trọng nhất là khâu chọn bí dẻo thơm và lúc hấp. Phải canh thời gian, lửa, sao cho hấp xong trái bí vẫn còn nguyên hình dáng, mềm mà không nhão", chị Hà chia sẻ. |
Bí đỏ chưng thường được ăn kèm nước cốt dừa, sữa tươi và đá bào. Người ăn thường xoắn cả bí và nhân để hai thành phần này hòa quyện vào nhau. |
Món thứ hai được yêu thích là chè hạt me. Nguyên liệu chính là loại hạt của loại trái chua này nên cách chế biến cũng cầu kỳ và mất thời gian: tách lấy hạt, rang lên, đập vỏ, phơi nắng rồi ngâm nước, tách vỏ. Có lẽ nhờ vậy mà hạt me mới có độ dẻo dẻo cùng sắc nâu nhẹ. Khi ăn, từng hạt me quyện với nước cốt dừa, đá bào mát lạnh, lạ miệng. |
Các món chè tại đây đồng giá 15.000 đồng. Nếu đi cả nhóm, bạn có thể gọi từng phần rồi ăn chung. Nếu chỉ đi một mình hoặc hai người, phần thập cẩm (giá 20.000 đồng) là lựa chọn tốt nhất. |
Ngoài chè, bạn có thể thử hai món chuối nướng của Campuchia. |
(Theo Zing)