Nắng nóng kéo dài, hồ Hòa Bình tiệm cận mực nước chết. Sông Đà đoạn phía dưới chân đập thủy điện Hòa Bình nước cạn trơ đáy, nhiều tàu bè nằm bất động.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết, đến nay, tổng lượng dòng chảy trên các sông khu vực miền Bắc thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 40 - 80%.
Nước nông khiến nhiều ghe xuồng phải nằm bờ, trụ cầu Hòa Bình 1 lộ trơ cọc móng.
Cách chân đập Thủy điện Hòa Bình hơn 5km về phía hạ nguồn, cuộc sống người dân xóm phao (tổ 14, phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình) bị ảnh hưởng nặng nề. Những ngôi nhà phao chạm đáy, dòng nước không lưu thông, môi trường sống càng thêm ô nhiễm.
Ngoài ra, đa phần nguồn nước sinh hoạt của người dân nơi đây đều lấy trực tiếp từ dòng sông Đà.
Ông Ngô Văn Thông cho biết, sống ở xóm phao đã hơn 40 năm bây giờ mới thấy sông Đà cạn trơ đáy kỷ lục như vậy.
Ông Nguyễn Xuân Hòa, đã hàng chục năm sống trên dòng sông Đà, làm nghề chài lưới. "Từ đầu mùa nắng đến nay tôi đã gãy mất 5 chiếc chân vịt động cơ xuồng vì bị va vào đáy sông. Mực nước quá cạn, tôm cá cũng ít đi hẳn, cuộc sống của tôi cũng vì thế mà trở nên khó khăn", ngư dân cao tuổi nói.
Những ngày này, dưới chân cầu Hòa Bình 2, người dân thoải mái tản bộ dưới lòng sông. Những bãi sỏi đá nhô lên trở thành địa điểm vui chơi của người dân.
Bình thường, ven bờ nơi đây vốn là địa điểm bơi lội quen thuộc của người dân thành phố Hòa Bình nhưng dịp này do nước cạn, nhiều vị trí dưới lòng sông đã trông như một bãi biển. Trẻ nhỏ tha hồ nghịch, đắp cát và chơi các trò chơi.
Dạo chơi cùng bạn, Nguyễn Huyền (20 tuổi) chia sẻ: "Đã từ rất lâu em mới thấy lòng sông Đà cạn như vậy, những bãi cát dài như bãi biển, nước nông và mát".
Trong khi đó, ngay phía dưới cửa đập, rất đông người tụ tập bơi lội và tắm mát dù bị cảnh báo cấm.
Dự báo sắp tới, miền Bắc chuẩn bị đón một đợt mưa lớn diện rộng. Nhờ đó, tình trạng hạn hán ở khu vực Bắc Bộ cũng như các hồ thủy điện ở miền Bắc sau ngày 15/6 có khả năng được cải thiện.