Lòng sông Đà phía hạ lưu thuộc tỉnh Phú Thọ ngày một cạn dần, trơ đáy ở nhiều đoạn.
Hạ lưu sông Đà vốn là nơi nuôi trồng thủy sản của nhiều hộ dân, quy mô lên đến hàng trăm lồng. Những ngày này, các hộ phải nới dây, thả bè ra xa bờ 3-4m để cứu cá.
Ông Trần Văn Hướng (người dân nuôi cá lồng) tỏ ra rất sốt ruột, điện thoại của ông reo liên tục khi người thân, thương lái... gọi điện để hỏi thăm tình hình mấy bè cá. "63 năm cuộc đời chưa từng thấy sông Đà trơ đáy như này. Cũng may trời thương, năm nay mùa khô luồng nước lại chạy về phía bờ bên này nên đến giờ chưa có thiệt hại gì. Nếu nước đổi luồng hoặc lòng sông tiếp tục rút thêm thì khả năng là mất, mất trắng cũng không chừng", ông lo lắng.
Ông Hướng làm bè cá cùng hai người em trai, chủ yếu là diêu hồng, rô phi, ngoài ra có ít chép giòn, cá tầm... Tổng giá trị cả bè lên tới hàng tỷ đồng. Những ngày trước, khi nước bắt đầu giảm mạnh, lòng sông Đà một vài khu vực quanh nhà ông Hướng bắt đầu trơ đáy, ông đã cùng người nhà hò gọi bà con trong xóm ra phụ chạy cá.
Những lồng cá diêu hồng của gia đình ông Hướng phải gộp đàn, nhấc nghiêng để dồn nước và dùng 6-7 máy bơm hút cát ra ngoài kèm sủi để cung cấp oxi. Buốt ruột, ngày nào ông Hướng cũng lên mạng xem thông báo xả nước của đập thủy điện Hòa Bình.
Ông Hướng đang phải gọi người tới mua cá để giảm bớt sức nuôi hoặc tránh thiệt hại nếu nước tiếp tục rút xuống.
"Nhiều người nghĩ rằng cứ trời mưa to nước sẽ dâng lên, cứu được "cơn khát" khiến sông Đà trơ ra trong những ngày tháng 6 nhưng thực chất không phải vậy. Mưa lớn thường chỉ kéo dài vài tiếng đồng hồ rồi lại theo dòng chảy đi thậm chí nếu mưa quá lâu hoặc nhiều ngày mà dòng chảy không đủ mạnh thì cá còn dễ chết hơn vì bị ngấm nước lạ. Biện pháp duy nhất cứu được người dân nuôi cá lúc này là chờ nước trên đập xả xuống", lão nông nói.
Số lượng cá tôm đánh bắt tự nhiên cũng giảm đi nhiều khi sông cạn nước. Việc di chuyển bằng đường thủy tại nhiều đoạn gặp khó khăn. Không hiếm cảnh thuyền bè mắc cạn, nằm im một chỗ.
Hai năm trở lại đây, sông Đà chuyển đổi dòng chảy, hình thành các bãi cát bồi cục bộ đoạn qua khu vực nuôi cá lồng. Khi nước từ thượng nguồn đổ về ít, dòng chảy trên sông kém, thêm phía ngoài khu vực nuôi cá đã bị cát bồi lấp kín khiến việc khơi thông dòng chảy gặp rất nhiều khó khăn. Khu vực nuôi cá vì thế mà dễ mắc cạn, người nông dân thấp thỏm chẳng dám nuôi lớn, nuôi nhiều. Đã vậy, họ còn phải đối mặt với cảnh gặp lũ chạy lũ, gặp hạn chạy hạn khiến cuộc sống thêm bấp bênh, vất vả.