Đơn hàng “nhân duyên”

“Cái duyên” xuất khẩu băng cuốn màu đến với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên ProDeTech thật tình cờ.

Ngày đó, Tập đoàn SK của Hàn Quốc cần gấp mặt hàng băng cuốn cho dự án Nexilis Copper Foil Plant ở Kotakinabalu - một khu công nghiệp mới của Malaysia. Tìm kiếm thông tin trên mạng, nhà thầu phụ của SK tại Malaysia thấy sản phẩm băng cuốn màu (màng mỏng PVC) thương hiệu 3Wtape của ProDeTech phù hợp với yêu cầu của dự án, liền bay trực tiếp sang văn phòng công ty ở Hà Nội để thương thảo.

“Mua hàng trong khối ASEAN, họ được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, lại không phải xin visa. Lúc đấy, thời gian hoàn thiện dự án lại rất gấp, chỉ còn khoảng 5 ngày là phải bàn giao. Thế là một đoàn 6 người đã bay sang Việt Nam, tới văn phòng của chúng tôi, mua luôn 250 kg băng cuốn màu PVC (xanh, đỏ), chia vào ba lô để khoác vai, mang về theo đường hàng xách tay”, ông Nguyễn Xuân Tài, Chủ tịch Hội đồng thành viên ProDeTech hồi tưởng về mối “nhân duyên”.

“Sau khi bàn giao giai đoạn 1 xong, họ lại tiếp tục mua giai đoạn 2, cũng một lần vận chuyển hàng xách tay tương tự như thế. Và mới đây, họ đã chủ động gửi đơn hàng lớn theo đường biển vì thấy chất lượng đảm bảo yêu cầu của chủ đầu tư. Một container khoảng 16 tấn băng cuốn các màu của chúng tôi đã được xuất sang Malaysia để phục vụ dự án của chủ đầu tư Hàn Quốc”, ông Tài hào hứng tiếp tục câu chuyện.

Danh mục sản phẩm băng cuốn của ProDeTech hiện khá đa dạng bảng màu, từ xanh, đỏ, tím, vàng, đen, trắng, lục, lam, chàm, tím.., nói chung là đủ cả “bảy sắc cầu vồng”.

Các sản phẩm đều được nghiên cứu và sản xuất tại nhà máy của ProDeTech. Tiền thân nhà máy này vốn được chủ cũ dùng để chuyên sản xuất ủng, áo mưa. Sau khi mua lại, ông Tài thấy khả năng tiêu thụ áo mưa và ủng dần khó khăn, nên đã tìm kiếm hướng đi mới là sản xuất màng mỏng PVC nhiều màu.

sản phẩm việt.jpg

Nắm bắt cơ hội theo xu hướng thế giới

Trong một lần làm việc với đối tác Úc và Mỹ, vốn là kỹ sư được đào tạo từ Đại học Bách Khoa Hà Nội, ông Tài nhận thấy xu hướng thế giới đang cần sản phẩm bọc để phân tuyến cho các hệ thống đường ống công nghệ, đặc biệt cho các phòng kỹ thuật, phòng máy công nghệ, nhà máy sản xuất công nghiệp, các tòa nhà dân cư, văn phòng và khu trung tâm thương mại…

Thực tế trước kia, khi triển khai việc định tuyến, để phân biệt các hệ thống đường ống, nhiều nơi đánh dấu bằng mũi tên màu và viết thêm mấy chữ để chú thích. Nhưng trong quá trình làm việc, có nhân viên không thông thạo ngoại ngữ nên thao tác nhầm. 

Qua rất nhiều bài học kinh nghiệm từ việc vận hành các hệ thống kỹ thuật, ở nhiều nước tiên tiến, cơ quan quản lý nhà nước đã sử dụng việc định tuyến bằng băng cuốn màu, mỗi hệ thống được quy định một màu cụ thể.

Tại Úc và Mỹ đã có quy định chi tiết về cách dùng màu cho các hệ thống đường ống để dễ nhận diện, thao tác, vận hành, tránh trường hợp công nhân lúng túng, thao tác nhầm, đáng lẽ phải vặn van khí nén nhưng lại vặn nhầm sang van nước, hoặc vặn nhầm hệ thống nước cấp với nước hồi…, gây rối loạn cả hệ thống. Một số tiêu chuẩn tiêu biểu như AS 1345-1995 của Úc, hay ANSI/ASME A13.1 của Mỹ giúp người vận hành xác định được thành phần bên trong đường ống. 

Hệ thống đường ống nước lạnh có bảo ôn cấp và hồi bọc băng tách ẩm PVC màu theo tiêu chuẩn ANSI (American National Standards Institute) của Viện Tiêu chuẩn Quốc gia Hoa Kỳ.
Hệ thống đường ống cứu hỏa cấp nước và nước hồi theo tiêu chuẩn ANSI
Hệ thống đường ống nước lạnh có bảo ôn cấp và hồi bọc băng tách ẩm PVC màu theo tiêu chuẩn ANSI trong phòng máy.

Tại Hàn Quốc, các cơ quan quản lý cũng đã phân rõ các màu khác nhau ứng với hệ thống gas, hệ thống khí nén, hệ thống nước cấp, hệ thống nước hồi, hệ thống nước lạnh, hệ thống nước thoát… Khi thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh ở nước ngoài, các tổ chức, doanh nghiệp Hàn Quốc, như một thói quen, cũng đặt yêu cầu tương tự.

Xu hướng sử dụng băng cuốn màu để định tuyến hiện đã được cập nhật cả ở Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… 

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế của thế giới. Thị trường sản xuất, tiêu thụ sản phẩm băng cuốn màu PVC đang được mở rộng, phục vụ đa dạng nhu cầu của đời sống dân sinh. Riêng việc sử dụng băng cuốn màu cho các hệ thống định tuyến như các nước tiên tiến, hiện vẫn chưa phổ biến, song trong tương lai sẽ có nhiều dư địa phát triển.

Ở thời điểm hiện tại, công ty của ông Tài đã bắt đầu tạo lập được danh mục khách hàng sử dụng băng màu PVC cho hệ thống đường ống theo yêu cầu của các dự án lớn như Samsung (Thái Nguyên, Bắc Ninh), Foxconn (Bắc Giang), LG (Hải Phòng), JNTC (Phú Thọ)…, góp phần tích cực hình thành xu thế tiêu dùng sử dụng băng cuốn màu PVC cho lĩnh vực công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.

“Bí quyết hút khách” của doanh nghiệp nhỏ

Có thể nói nhà thầu phụ của SK ở Malaysia đã giúp cho ProDeTech có đơn hàng “trên trời rơi xuống”. Song cũng không phải tự nhiên mà ProDeTech gặp may. 

Đơn hàng sẽ không thể chốt nếu sản phẩm của ProDeTech không đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và mẫu mã. Sản phẩm băng cuốn đã chinh phục khách hàng Malaysia bởi có bề mặt sạch và trơn đạt tiêu chuẩn ISO 105 A02; lực kéo đứt đáp ứng tiêu chuẩn Mỹ ASTM D412, khả năng giãn dài theo ASTM D545…

Ông Tài cho biết, dù chỉ là một doanh nghiệp nhỏ nhưng hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ đã được ProDeTech nghiêm túc đầu tư từ nhiều năm nay.

“Với một doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi, sếp phải kiêm cả kỹ sư nghiên cứu, không có điều kiện để thành lập hẳn những phòng, ban lớn về nghiên cứu và phát triển công nghệ. Tuy nhiên, chúng tôi luôn xác định đầu tư nghiên cứu công nghệ có vai trò rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Chúng tôi tự đặt mục tiêu mỗi năm phải có tối thiểu 3 cải tiến, từ công nghệ tới nguồn nhân lực, cách kinh doanh, quản lý… để tạo ra sản phẩm tốt hơn”, ông Tài chia sẻ.

Cơ sở sản xuất ở Thường Tín (Hà Nội) có sản lượng trung bình khoảng 2,5 tấn sản phẩm/ngày, trung bình mỗi tháng 60 – 70 tấn, trong đó 10% dành cho xuất khẩu.

Không chỉ dừng ở việc đa dạng hóa bảng màu, các kỹ sư của ProDeTech còn sẵn sàng đáp ứng nhiều nhu cầu khác của khách hàng quốc tế, chẳng hạn, có thể làm mỏng hơn, dai hơn, chủ động biến tính cho sản phẩm…

sản phẩm việt.jpg
Sản phẩm băng cuốn xuất khẩu của ProDeTech sử dụng tới 80% nguyên liệu tái chế

Khá thú vị, sản phẩm băng cuốn xuất khẩu của ProDeTech sử dụng tới 80% nguyên liệu tái chế.

“ProDeTech có thể làm từ nguyên liệu gốc được, nhưng giá sẽ khó cạnh tranh. Sản phẩm băng cuốn dùng cho việc định tuyến các hệ thống không cần thiết phải sử dụng 100% nguyên liệu nguyên chất như ứng dụng trong các lĩnh vực liên quan tới thực phẩm, đồ uống. Các sản phẩm nilon PVC thải ra môi trường sẽ được chúng tôi gom về, xử lý thành băng cuốn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Hoạt động tái chế này góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa và nilon”, Chủ tịch ProDeTech nhấn mạnh.

Từng chủ yếu sử dụng sản phẩm của Hàn Quốc, sau thấy giá thành cao thì chuyển sang sử dụng băng cuốn màu của ProDeTech, ông Nguyễn Ngọc Quyền, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và Thương mại Global Th Vina cho hay: “Chúng tôi đã sử dụng sản phẩm của ProDeTech gần 5 năm nay. Trước kia bọc cách nhiệt chỉ có mỗi màu đen, rất khó phân biệt đường ống trong quá trình vận hành. Băng cuốn nhiều màu của ProDeTech vừa giúp cách ẩm vừa giúp công nhân phân biệt chính xác các loại đường ống trong nhà xưởng. Sản phẩm của ProDeTech có chất lượng tốt như sản phẩm của nước ngoài mà giá thành lại hợp lý hơn”. 

Chất lượng chính là yếu tố giúp sản phẩm của ProDeTech vượt qua nhiều đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc, Hàn Quốc, và khá nhiều công ty trong nước.

Tìm cách mở rộng thị trường quốc tế

Tiếp nối Malaysia, nhiều khách hàng bên Mỹ, Nhật cũng đang quan tâm tới sản phẩm băng cuốn của màu của ProDeTech.

Bên cạnh sản phẩm băng cuốn màu, doanh nghiệp Việt này còn một số dòng sản phẩm khác cũng đã có doanh thu xuất khẩu tới thị trường khó tính như: Gioăng cao su xốp (3Wtape), băng dính đen (3Wtape), cửa gió (ProDeTech)… Trong đó, sản phẩm cửa gió được khách hàng ở Mỹ rất tin dùng, sản lượng xuất khẩu khá đều đặn.

Công ty.jpg
Chủ tịch Nguyễn Xuân Tài, ProDeTech

Theo Chủ tịch Nguyễn Xuân Tài, ProDeTech là một trong những doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang được hưởng lợi từ trào lưu “Made in Vietnam”.

Các thương hiệu “Made in Vietnam” khởi đầu từ việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ngành hàng công nghệ (điện thoại, đồ điện tử của Samsung, LG, Foxconn…) tới Việt Nam, không chỉ giúp cho thương hiệu Việt, sản phẩm Việt dần được khách hàng quốc tế để ý tới nhiều hơn, mà còn đem lại nhiều lợi ích khác như tạo việc làm, tăng thu thuế… 

Đặc biệt, sự xuất hiện của các nhà đầu tư nước ngoài thúc đẩy tác phong công nghiệp, lối sống công nghiệp cho cộng đồng doanh nghiệp Việt. Nhiều tiêu chuẩn được nâng lên, nếu không đáp ứng, doanh nghiệp sẽ kém khả năng sinh tồn, thậm chí bị tiêu diệt.

“Thương hiệu Việt, sản phẩm “Made in Vietnam” ngày càng được tin tưởng ở thị trường thế giới. Nhờ đó, các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam có thêm niềm tin để đầu tư, lao động một cách nghiêm túc, tạo ra các sản phẩm phù hợp nhu cầu của quốc tế”, ông Tài nêu quan điểm cá nhân, đồng thời cũng thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động kinh doanh quốc tế của doanh nghiệp Việt còn không ít khó khăn.

“Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là dòng vốn. Các doanh nghiệp Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Malaysia, Singapore… đều có dòng vốn mạnh, có công nghệ tốt nên dễ dàng chiếm lĩnh được thị trường. Còn doanh nghiệp Việt chúng tôi không có dòng vốn, khó xoay sở ra tiền để mua nguyên vật liệu, đầu tư máy móc tốt, có thể giảm tính cạnh tranh về chất lượng sản phẩm”, ông Tài tâm tư.

Quay lại với ProDeTech, trong bối cảnh khó khăn bủa vây, chỉ dám đặt mục tiêu khiêm tốn: Trong 3 năm tới sẽ tăng sản lượng xuất khẩu sản phẩm băng cuốn màu từ 10% tổng sản lượng hiện nay lên 20%. 

Chủ tịch ProDeTech mong có thêm sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, hiệp hội, tổ chức Việt Nam ở nước ngoài, để doanh nghiệp không phải tự mày mò vất vả trên thị trường ngoại.

Chủ tịch ProDeTech có chung một mong muốn với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam khác: Có thêm sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, hiệp hội, tổ chức Việt Nam ở nước ngoài, để doanh nghiệp không phải tự mày mò vất vả trên thị trường ngoại.

“Các tổ chức xúc tiến thương mại của Việt Nam, đặc biệt là  tham tán thương mại ở các nước cần phải hoạt động mạnh mẽ hơn, gắn bó chặt chẽ hơn với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Nếu thấy có cơ hội quảng bá sản phẩm trong nước thì nhanh chóng kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp để có thể chớp thời cơ mở rộng doanh thu và tầm ảnh hưởng cho các sản phẩm “Made in Vietnam” trên thị trường quốc tế”, ông Tài khuyến nghị.

Phạm Minh