- Theo quan niệm xưa, ông bà ta thường cho rằng em bé nào bàn chân bẹt, gan chân phẳng lì là có số phú quý, giàu sang và sung sướng. Song, ít ai biết rằng, đó là một dạng dị tật phổ biến trên thế giới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thần kinh cột sống và sự phát triển sau này của trẻ.

Coi chừng bàn chân trẻ mang tật

Tại hội thảo Sớm phát hiện bàn chân bẹt ở trẻ - Ngăn ngừa các bệnh về cột sống, bác sĩ Wade Brackenbry Hoa Kỳ (ACC) khuyến cáo: “Tật bàn chân bẹt rất phổ biến ở các nước Châu Á và phương Tây. Có khoảng hơn 30% trẻ em Châu Á bị dị tật bàn chân bẹt., chứng bàn chân bẹt khiến các xương ở cẳng chân xoay khi đi lại, chạy nhảy, khiến các khớp đầu gối cũng xoay lệch, từ đó dẫn đến đau, viêm hoặc thậm chí thoái hóa khớp gối. Sự lệch trục cũng có thể ảnh hưởng lên tới lưng, cổ, gây ra các rắc rối ở đó. Vấn đề bàn chân bẹt không được can thiệp có thể dẫn đến cấu trúc bất thường ở ngón chân cái (ngón cái bị đẩy về phía ngón sát bên), gai gót chân, viêm cân gan chân...”.

Clip mô phỏng dị tật bàn chân bẹt

Bác sĩ Wade Brackenbry  cho biết, cha mẹ có thể nhận biết con của mình bị chứng bàn chân bẹt khi bàn chân của trẻ có khuynh hướng áp cạnh trong của bàn chân xuống đất. Điều này khiến bàn chân của trẻ biến dạng và ảnh hưởng đến việc đi lại hay chạy nhảy. Thông thường trẻ dưới 2 tuổi đều có bàn chân bẹt. Từ 3 tuổi trở lên, các vòm bàn chân bắt đầu được hình thành. Nếu các vòm bàn chân không phát triển thì có thể gây ra các chứng đâu đầu gối, lưng và cả ở bàn chân.

Theo chuyên gia tác động cột sống Đỗ Đình Thi, công tác tại Hội y khoa Việt Nam cho biết thêm, bàn chân bẹt có thể gây nên những cấu trúc bất thường ở ngón chân cái, tạo nên một cái bướu khiến cho ngón chân cái bị đẩy về phía ngón chân thứ 2. Việc ngón chân cái bị đi lệch dần và sự hình thành của cái bướu có thể gây đau đớn. Nếu không chữa trị kịp thời, có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn cho bàn chân và đầu gối.

{keywords}

Bàn chân bẹt có xu hướng áp sát vào bên trong hoặc bên ngoài

Bàn chân bẹt cũng có thể dẫn đến chứng gai gót chân và viêm cân gan chân. Đau gót chân xuất hiện khi hai gót xoay xuống và làm rách cân gan chân gây nên tình trạng viêm. Thông thường mảnh xương nhọn nhô ra ở gót chân gây ra triệu chứng đau. Chứng chân bẹt còn khiến cho các xương ở cẳng chân bị xoay trong lúc đi lại hoặc chạy. Điều này khiến cho các khớp đầu gối cũng bị xoay lệch và bị viêm, cuối cùng dẫn đến sự thoái hóa và viêm mãn tính. Hơn 80% các chứng đau nhức đầu gối có nguyên nhân do bàn chân bẹt hoặc bàn chân bị quay sấp. Cũng như chứng đau đầu gối, tình trạng cẳng chân bị lệch do bàn chân bẹt và những vấn đề về bàn chân khác có thể ảnh hưởng tới lưng và thắt lưng. Ảnh hưởng tới vận động của trẻ như chơi thể thao, chạy, nhảnh…

Mang tật vì phát hiện muộn

Khi con trai được hơn 1 tuổi và bắt đầu đi được những đoạn khá dài, chị N.T.M.A (ngụ huyện Nhà Bè, TP HCM) mới phát hiện dáng đi của cháu bé có gì đó là lạ. Cụ thể, bàn chân của cháu bé khi chạm đất thì không đặt thẳng như người bình thường mà hơi nghiêng về phía rìa; cổ chân cũng có vẻ cứng, không dẻo dai như các trẻ khác, từ đó tướng đi của cháu cũng bất thường.

{keywords}

Bác sĩ chẩn đoán tật bàn chân bẹt ở trẻ.

Đưa con đến một bệnh viện (BV) nhi, chị A. mới biết bé bị khoèo chân ở mức độ nhẹ nên trong quá trình siêu âm, sinh nở, khám bệnh ở những tháng đầu đời, bác sĩ (BS) lẫn cha mẹ đều không phát hiện. Tuy chỉ bị rất nhẹ nhưng các BS cũng khuyên chị đưa bé vào BV ngay bởi một chút không bình thường này có thể làm phát sinh nhiều vấn đề lớn hơn sau này.

Chị Ng.T.M (ngụ quận Thủ Đức,TP HCM) cũng mang con đi khám khi bé đang ở tuổi tập đi vì phát hiện lòng bàn chân bằng phẳng khác thường Cuối cùng, BS chẩn đoán con gái chị bị tật bàn chân bẹt bẩm sinh.
 
Điều trị tật bàn chân bẹt cho trẻ nhỏ

Bác sĩ Brackenbury khuyên, cha mẹ nên đưa con đi khám chuyên khoa nếu phát hiện triệu chứng của tật (trẻ có khuynh hướng áp cạnh trong của bàn chân xuống đất).

Việc chữa trị bàn chân bẹt tốt nhất ở trẻ có độ tuổi từ 2 – 7 tuổi, ở tuổi này nhiều gia đình thường ít chú ý tới quá trình phát triển của bàn chân vì cho rằng đây là giai đoạn trẻ tập đi. Đôi bàn chân bẹt sẽ dễ đi hơn các bàn chân khác, trên thực tế cho thấy nếu phát hiện muộn trẻ sẽ ít có cơ hội hồi phục hơn hoặc sẽ mất nhiều thời gian hơn.

{keywords}

Phương pháp trị liệu không mổ bằng đế giày chỉnh hình y khoa có thể hạn chế đau đớn cho trẻ.

Nếu được phát hiện sớm, phương pháp trị liệu không mổ với đế giày chỉnh hình y khoa là giải pháp đơn giản và hiệu quả để điều chỉnh tật bàn chân bẹt của trẻ. Dựa trên kết quả của máy quét kỹ thuật số, bác sĩ sẽ điều chỉnh nâng vòm bàn chân tới mức độ tối ưu và cắt khuôn đế chỉnh hình bằng máy CAD-CAM. Đi đế giày này thường xuyên, cấu trúc bàn chân của trẻ 2 - 8 tuổi có thể trở về vị trí cân bằng mong muốn.

Phẫu thuật chỉnh hình không cần thiết với trẻ dưới 8 tuổi và dị tật ít nghiêm trọng. Một số trường hợp hiếm cần phải can thiệp phẫu thuật với trẻ trên 8 tuổi, khi trẻ bước vào giai đoạn phát triển chiều cao nhanh và hình thành gân gót chân (gân Achille) ngắn hơn bình thường.

Còn theo BS Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, nhiều loại dị tật bàn chân ở trẻ có thể dễ dàng can thiệp trong giai đoạn nhũ nhi, ví dụ bàn chân khoèo. Ba tuần đầu đời là “thời gian vàng” bởi khi đó, cơ thể trẻ còn mang nhiều estrogen từ mẹ khiến dây chằng còn mềm mại, việc nắn chỉnh dễ dàng. Các BS chuyên khoa sẽ áp dụng phương pháp Ponseti, tức nắn và bó bột cho bàn chân trẻ trở về vị trí bình thường. Tỉ lệ thành công của phương pháp này rất cao và lớn lên, trẻ có thể đi lại hoàn toàn bình thường.

Phương pháp này ban đầu được áp dụng cho trẻ trên dưới 2 tuổi. Tuy nhiên, khi qua khỏi “thời gian vàng” 3 tuần đầu, tỉ lệ thành công sẽ giảm dần. Khi trẻ quá lớn và điều trị bảo tồn bằng Ponseti không đạt hiệu quả mong muốn, các BS sẽ dùng đến phẫu thuật.

Thu An (Tổng hợp)