Năm 1992, khu di tích danh lam thắng cảnh núi An Hoạch (núi Nhồi, xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa), nay là phường An Hưng, TP Thanh Hóa được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích cấp quốc gia.

Trong quần thể danh thắng này có chùa Quan Thánh. Ngôi chùa tọa lạc trên vách núi, còn lưu giữ nhiều bức phù điêu tạc hình tượng voi, ngựa, Quận Công Lê Trung Nghĩa, Quan Công và các tấm bia chữ Hán.

Mới đây, người dân đến chùa thắp hương đã phát hiện toàn bộ phù điêu, các tấm bia bị tô vẽ, sơn lại với nhiều màu sắc, không còn nguyên trạng.

Không những thế, chùa còn bị khoan vít đinh sắt vào bảng chữ Hán làm hư hỏng, rơi chữ…

Ông Nguyễn Đình Lợi, Phó Chủ tịch UBND phường An Hưng, Trưởng Ban quản lý di tích xác nhận, có việc tô màu sơn lên nền các bài thơ, chữ, và các hình tượng người, con vật.

Theo ông Lợi, việc tô trên là do người được giao trông coi đền làm. Tuy nhiên, ông Lợi không biết chính xác việc quét sơn như vậy được thực hiện từ khi nào.

Liên quan tới sự việc trên, ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa chỉ đạo các phòng ban làm rõ thông tin trên, đồng thời làm rõ trách nhiệm quản lý của người đứng đầu tổ chức, cá nhân có liên quan đến sai phạm tại di tích.

Trao đổi với VietNamNet, bà Phạm Thị Việt Nga, Phó Chủ tịch UBDN TP Thanh Hóa cho biết, thành phố và các phòng ban hôm nay đã đi kiểm tra thực trạng và thấy đúng như phản ánh.

“Việc tự viết lại các bia chữ Hán tại di tích, sơn vẽ lại các tượng khi không được các cơ quan chuyên môn cho phép là một việc xâm hại đến yếu tố gốc của di tích. Đây là một sự việc rất đáng tiếc.

Hiện chúng tôi đang yêu cầu phường An Hưng báo cáo, giải trình chi tiết về vụ việc. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng để tìm ra ai là người trực tiếp vẽ lên các tấm bia này”, bà Nga cho biết.

Một số hình ảnh sơn vẽ lại trên các bức tượng và văn bia chữ Hán ở chùa Quan Thánh:

Toàn cảnh ngôi chùa nằm cheo leo bên vách núi.
Các ngành chức năng đi kiểm tra di tích bị xâm hại. 
Các bảng chữ Hán, hình tượng bị tô, sơn vẽ lại không còn nguyên trạng.
Bảng chữ Hán bị khoan đinh làm mất chữ.