Nam bệnh nhân ngoài 40 tuổi, có chiều cao khoảng 1m62 nhưng chỉ nặng 42kg. Cơ thể suy dinh dưỡng sau nhiều năm uống rượu. Bia, rượu tàn phá sức khỏe, làm suy kiệt cơ thể đến mức anh không thể đi nổi. Vì vậy, người nhà phải đẩy xe lăn đưa anh vào viện.

Một người đàn ông (ngoài 50 tuổi) đến viện cai nghiện sau nhiều năm uống rượu. Người này có những hành vi không kiểm soát như cởi quần áo, lên cơn hoang tưởng. Anh cho rằng có người đang tấn công mình nên liên tục dùng tay giả vờ bắn súng chống trả.

Bệnh nhân khác sống ở khu vực miền núi, có thói quen uống từ 1,5 đến 2 lít rượu trắng/ngày. Một lần uống rượu say, đến ngày thứ 2, người này lên cơn “sảng rượu”. Người bệnh vào viện trong tình trạng vật vã, kích thích, hò hét khiến các bác sĩ rất vất vả để hỗ trợ.

Ths.BS Thủy điều trị tình trạng nghiện rượu cho một bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Môi trường công việc thường xuyên có các buổi liên hoan, tiệc tùng, anh N.T.T (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) khó từ chối những lời mời uống rượu, bia. Uống trong thời gian dài đến khi cơ thể suy nhược, đầu óc lơ mơ, anh phải nhập viện điều trị. 

Đó là những bệnh nhân mà Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Thủy, Giám đốc Trung tâm cai nghiện và điều trị rối loạn giấc ngủ, Bệnh viện Châm cứu Trung ương cùng đồng nghiệp tiếp nhận điều trị thời gian gần đây. 

Rượu, bia tàn phá toàn bộ cơ thể

Theo Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Thủy, nghiện rượu, bia là nhu cầu thèm muốn, đòi hỏi thường xuyên những đồ uống có cồn và hình thành thói quen. 

Nghiện rượu, bia gây rối loạn nhân cách, giảm khả năng lao động và gây ra tác hại khó lường đến toàn bộ các hệ cơ quan trong cơ thể như gan, dạ dày, thần kinh trung ương, não, tim mạch, huyết áp…

Chuyên gia này phân tích khi uống rượu bia chỉ có khoảng 10% lượng cồn được đào thải qua đường mồ hôi, hơi thở, nước tiểu, 90% còn lại đi thẳng qua gan. Nếu tần suất uống rượu bia nhiều, dần dần gan sẽ bị tổn thương do phải làm việc liên tục để đào thải độc tố ra ngoài. 

Hơn nữa, hành động uống nhiều rượu, bia hoặc uống trong thời gian dài liên tục có thể dẫn đến các bệnh như rối loạn nhịp tim, rung nhĩ, thiếu máu cơ tim, suy tim, bệnh huyết áp…

Nam giới uống rượu, bia nhiều gây cản trở quá trình quan hệ và ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng. Phụ nữ nghiện rượu có thể làm suy yếu vùng hạ đồi - tuyến yên và buồng trứng dẫn đến trứng không rụng, gây rối loạn kinh nguyệt.

“Rượu, bia gây ảnh hưởng nhiều cơ quan, trong đó các biểu hiện tác động vào hệ thần kinh nhanh chóng và dễ thấy như thay đổi hành vi, đại tiểu tiện không tự chủ...”, bác sĩ Thủy cho biết.

Điều trị thế nào?

Đối với trường hợp bệnh nhân phải đi xe lăn khi nhập viện, các bác sĩ đã kết hợp nhiều phương pháp Đông y và Tây y để điều trị. Cụ thể bệnh nhân được điện châm, thủy châm, truyền dịch kết hợp dùng thuốc y học cổ truyền giúp bồi bổ nguyên khí, điều hòa ngũ tạng, thông khí huyết để người bệnh phục hồi sức khỏe. Sau một tháng, bệnh nhân này có thể đi lại tốt, sức khỏe cải thiện, được chuyển điều trị ngoại trú.

Ths.BSCKII Nguyễn Văn Thủy - Giám đốc Trung tâm cai nghiện và điều trị rối loạn giấc ngủ, Bệnh viện Châm cứu Trung ương. Ảnh: Ngọc Trang

Tuy nhiên, khó khăn mà các bác sĩ gặp phải trong quá trình điều trị là bệnh nhân không hợp tác vì “không nhận mình mắc chứng nghiện bia rượu”. Theo đánh giá của các chuyên gia, ý chí, quyết tâm của người bệnh có vai trò rất lớn trong việc cai nghiện. Để thuyết phục bệnh nhân điều trị, các bác sĩ đã phải sử dụng “chiêu” đặc biệt. 

Cụ thể, thay vì thuyết phục bệnh nhân nhập viện cai nghiện, bác sĩ phải khuyên: “Các chỉ số men gan cao hơn bình thường, anh ở lại điều trị, bồi bổ chức năng gan, thận”. Cách này giúp bệnh nhân hợp tác, tinh thần vui vẻ khi tiếp nhận phác đồ điều trị của bác sĩ.

Trước thực trạng lạm dụng rượu bia có xu hướng tăng trong dịp lễ, Tết, chuyên gia này bày tỏ sự lo ngại: “Tác hại nhãn tiền nhưng bia rượu vẫn tồn tại nhiều trên các bàn ăn, bàn tiệc của người Việt đặc biệt vào dịp Tết. Không ít người bệnh phải cấp cứu ngay những ngày đầu năm mới, thậm chí đe dọa đến tính mạng”.

Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo với những người sử dụng nhiều rượu, bia khi thấy họ có biểu hiện như nói không rõ, ú ớ, gọi không phản ứng, thở yếu, tím tái, bất tỉnh, chân tay lạnh, cần đưa ngày đến cơ sở y tế để xử trí kịp thời.