Hôm qua 7/7, Bộ GD-ĐT công bố phổ điểm 9 môn thi và phổ điểm một số tổ hợp thi xét tuyển ĐH truyền thống. Với phổ điểm được coi là “đẹp” như năm nay, theo nhận định sẽ khó có biến động về điểm chuẩn so với năm ngoái.
Nhận định về phổ điểm, Bộ GD-ĐT cho rằng dạng phổ điểm của tất cả các bài thi, môn thi gần với phân phối chuẩn. Hầu hết các bài thi, môn thi đều có điểm trung bình từ khoảng 4,5 – 6,5 điểm, giá trị của điểm trung bình gần sát với điểm trung vị, điều đó chứng minh tính chuẩn hóa của các đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.
Thí sinh trường THPT Marie Curie (Hà Nội) trao đổi bài thi sau giờ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2017. Ảnh: Như Ý. |
Ở một số bài thi, môn thi, có nhiều thí sinh đạt điểm 10 tuyệt đối nhưng chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn và các tỉnh có truyền thống hiếu học. Tuy nhiên, số lượng thí sinh đạt điểm 0 và điểm nhỏ hơn hoặc bằng 1 (điểm liệt) cũng tương đối lớn và có hầu hết ở các bài thi, môn thi. Điểm trung bình dưới 5 của hầu hết các bài thi, môn thi đều chiếm tỉ lệ khoảng từ 40 – 60%.
Nhận định về phổ điểm năm nay, PGS.TS. Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho biết với phổ điểm thi vừa được công bố, kỳ thi cơ bản đạt được 2 mục tiêu. Điểm thi có sự phân hóa khá rõ giữa hai nhóm thí sinh có và không có nguyện vọng xét tuyển ĐH. Sự tách tốp phản ánh đúng mục đích, mục tiêu của kỳ thi.
Điểm chuẩn đại học khó biến động nhiều
Thống kê cho thấy, mức điểm phổ biến nhất tính theo các tổ hợp xét tuyển đại học mà thí sinh đạt được trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 là 15-16 điểm.
Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên hệ thống trung tâm Học mãi cho rằng phổ điểm mới chỉ nói lên được tương đối để thí sinh tham khảo. Điểm trung bình các môn thi năm nay thấp hơn năm 2016, nhưng điều đó không có nghĩa đề năm nay khó hơn. Bởi năm ngoái thí sinh được “chọn môn thi”.
Nghĩa là thí sinh nào đã chọn môn Hóa thì phần lớn là đã có dự tính xét tuyển khối A, B, D07 (các khối thi có tính môn Hóa trong xét tuyển ĐH). Nói cách khác, Hóa là môn thế mạnh của thí sinh đó. Còn năm nay do có bài thi khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, tất cả thí sinh thi khối nào không có nhu cầu xét tuyển môn Hóa vẫn phải thi Hóa. Thế nên dù đề dễ hơn rất nhiều thì “điểm trung bình” vẫn sẽ thấp hơn 2016.
Theo tìm hiểu của PV, đối với điểm ba môn bắt buộc là Toán, Văn và Ngoại ngữ cho thấy: Năm 2016, điểm môn toán từ 7 điểm trở lên có 86.259 thí sinh, con số này năm nay là 431.578. Điểm môn Ngữ văn từ 7 trở lên năm 2016 có 144.528 thí sinh, năm nay giảm một chút còn 138.911. Với môn Ngoại ngữ, từ điểm 7 trở lên năm nay có 70.677 thí sinh, trong khi năm 2016 chỉ có 23.597 thí sinh.
Chênh 0.5 điểm: Không cần điều chỉnh nguyện vọng
Theo PGS.TS. Bùi Đức Triệu, phổ điểm năm nay tạo điều kiện thuận lợi cho các trường xét tuyển. Phổ điểm có dâng lên, nhỉnh hơn một chút, biên độ cộng từ 0.5 điểm so với năm 2016 là một thuận lợi cho thí sinh và các trường.
Thí sinh trao đổi bài sau khi dự thi môn Toán tại trường THPT Chu Văn An - TP Thái Nguyên, kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2017. Ảnh: Ngọc Châu. |
Tuy nhiên, PGS.Triệu cho rằng năm nay tuyển sinh có nhiều điểm mới nên không thể dựa vào kinh nghiệm từ những năm trước để làm tuyển sinh. Tính chất xét tuyển sinh ĐH năm nay khác mọi năm. Thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng chỉ đỗ 1 nguyện vọng duy nhất. Đây là chính là điều thí sinh lưu ý.
“Có một rủi ro đối với thí sinh là thông tin không hoàn hảo. Nếu thấy trường này, ngành này điểm năm trước thấp, với điểm đạt được, có thể đăng ký vào đó thì chưa chắc ngành đó điểm chuẩn năm nay sẽ thấp. Vì điểm có thể dâng lên. Vì vậy, thí sinh cứ bình tĩnh. Nếu điểm thấp hơn hoặc cao hơn 0.5 điểm so với năm trước thì cứ yên tâm không cần điều chỉnh nguyện vọng. Vì năm nay xét tuyển theo nguyên tắc ruộng bậc thang” - PGS. Bùi Đức Triệu chia sẻ.
PGS.Triệu cũng nhận định, năm nay điểm chuẩn vẫn theo quy luật không có gì đột biến. Nhưng đó là tình hình chung, còn riêng từng ngành thì rất khó đoán. Vì một số ngành đang hot như marketing của Trường ĐH Kinh tế quốc dân hay Y đa khoa của Trường ĐH Y Hà Nội, thí sinh điểm cao có xu hướng tập trung vào ngành đó. Nên điểm có thể cao lên. Theo dự đoán của PGS. Bùi Đức Triệu thì ngưỡng chất lượng đầu vào của Trường ĐH Kinh tế quốc dân năm nay không thấp hơn năm trước. Thực tế, thí sinh nộp hồ sơ vào trường đều từ 20 điểm trở lên.
TS.Nguyễn Hoàng Long cũng nhận định, năm nay biến động điểm chuẩn không nhiều so với năm ngoái. Vì phổ điểm của thí sinh các khối tập trung chủ yếu 16 - 17 nên sẽ không có biến động. TS. Long chỉ có một lưu ý với thí sinh khi điều chỉnh nguyện vọng đó là cần có trách nhiệm tìm hiểu thông tin, nắm bắt thông tin để lựa chọn ngành nghề phù hợp với sở thích, cơ hội việc làm sau này.
Trường top giữa khó tăng điểm chuẩn
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp (TP.HCM) cho rằng: Với phổ điểm này, việc tăng điểm với những trường tốp giữa sẽ không nhiều, nguyên do là điểm trung bình năm trước là từ 3 - 5 điểm còn năm nay là từ 4 - 6 điểm, mức điểm tăng không nhiều.
“Đối với các trường tốp trên, độ phân hóa điểm không cao nên chỉ cần lệch nhau 0,25 điểm là đã làm nên chuyện. Do đó, các trường tốp trên cũng sẽ không tăng điểm nhiều, song thí sinh sẽ có phần rủi ro bởi chỉ cần 0,25 là có thể rớt đại học vào ngành và trường yêu thích”, ông Sơn nói.
Về điểm sàn, ông Sơn cho rằng năm nay có khả năng cũng sẽ chỉ bằng điểm năm trước hoặc sẽ không tăng nhiều. “Mặc dù thấy phổ điểm đẹp và khá cao nhưng rõ ràng số thí sinh đi thi để dùng kết quả xét đại học cao đẳng chỉ 600 ngàn, trong khi chỉ tiêu xét tuyển vào khối này là đã 400 ngàn rồi. Ngoài ra, đây cũng là ngưỡng điểm trung bình phần lớn các em đạt được”, ông Sơn lý giải.
Tương tự, PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Mở TP.HCM cũng cho rằng, điểm sàn và chuẩn dự kiến sẽ không có nhiều thay đổi hoặc nhích nhẹ hơn so với năm trước do số lượng thí sinh dưới điểm trung bình cũng khá nhiều. “Điểm các trường tốp giữa có thể không tăng nhiều nhưng với các trường tốp trên có thể sẽ biến động, đặc biệt là đối với các trường khối y dược, bách khoa…”, ông Hà nói.