- Lãnh đạo nhiều trường đại học cho biết điểm chuẩn đại học sẽ tăng do điểm thi THPT quốc gia tăng.

Phải xét tới điểm lẻ 0,25

Tại "Ngày hội tư vấn tuyển sinh phía Nam" diễn ra sáng 9/7, ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho biết, điểm chuẩn một số ngành của trường như Công nghệ ô tô, các ngành kỹ thuật sẽ tăng nhẹ so với năm trước. 

Ông Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) thì nhận định, do điểm thi năm nay tăng, chỉ tiêu của các trường lại "đứng yên" nên không tránh khỏi khả năng điểm chuẩn tăng nhẹ. 

{keywords}
(Ảnh Lê Huyền)

Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm cho rằng, điểm chuẩn sẽ có "biến động", các khối B và khối D sẽ nhích lên, đặc biệt  thí sinh có điểm khối B. 

Ông Sơn phân tích, trong hơn 4.000 điểm 10 hiện đa số tập trung vào khối B do cả ba môn của khối này thi trắc nghiệm (Toán- Hoá- Sinh). 

Mặt khác, số điểm 10 môn Hoá nhiều nhất, có nghĩa với điểm chuẩn các trường tốp đầu tuyển khối B như ĐH Y - Dược TP.HCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Y Hà Nội khả năng phải tăng thêm 2 điểm so với năm ngoái, vì thí sinh điểm cao luôn hướng về các trường này. 

Tuy nhiên, điểm chuẩn của các trường này sẽ phải xét tới điểm lẻ 0,25 do số lượng thí sinh có chung một khoảng điểm này năm nay rất cao. Mặt khác, các trường cũng phải dùng hết tiêu chí phụ để xét tuyển.

Đối với các trường tốp giữa, điểm chuẩn không tăng và nằm ở mức từ 19 đến 21 do số trường đại học nằm ở tốp này quá nhiều. Đây cũng là khó khăn của các trường tốp giữa trong việc lọc ảo. 

Riêng các trường tốp dưới sẽ lấy ngang điểm sàn Bộ GD-ĐT quy định và chờ đợi thí sinh từ trường tốp giữa Điểm sàn năm nay sẽ bằng năm ngoái vì số thí sinh đạt điểm 3 môn bằng điểm sàn năm ngoái không nhiều.

Cũng theo ông Sơn, dù Bộ GD-ĐT cho phép các trường lấy dư không quá 5% để đủ chỉ tiêu tuyển sinh sau khi lọc ảo nhưng điều này không đưa lại rủi ro cho thí sinh và không tác động tới điểm chuẩn. Mặt khác, năm nay các trường đại học không được tăng chỉ tiêu, nhiều trường mở ngành mới cũng phải "chia sẻ" chỉ tiêu của các ngành trong trường.

PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho rằng, trường không phải thuộc tốp điểm cao mà chỉ ở mức từ 17-20 điểm nên dễ tuyển. Tuy nhiên trường cũng lo lắng do có nhiều ngành, một số ngành mới, có thể thí sinh không biết để xét tuyển.

Ông Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cho biết, căn cứ vào phổ điểm Bộ GD-ĐT công bố thấy rõ:

So với năm 2016, phổ điểm tổ hợp A không khác biệt rõ; nhưng phổ điểm năm nay về phía điểm cao thoải hơn năm ngoái rất nhiều, do đó thuận tiện cho các trường xây dựng điểm chuẩn vào các ngành khác nhau.

Phổ điểm tổ hợp A1, điểm trung bình năm 2017 cao hơn điểm trung bình năm 2016 khoảng 2 điểm, đường cong phân bố chuẩn, dốc đều, phân hóa tốt, như vậy các trường sẽ thuận lợi trong xác định điểm chuẩn.

Phổ điểm khối B, điểm trung bình không khác biệt nhiều so với năm 2016 (khoảng 17điểm). Phổ điểm phần nhỏ hơn 24 điểm hơi dốc nhưng phần cao hơn 24 điểm thoải nên các trường có điểm chuẩn cao không khó xác định điểm chuẩn.

Phổ điểm khối C, điểm trung bình cao hơn năm 2016 khoảng 1 điểm, đường cong phân bố chuẩn, dốc đều, thuận lợi trong xác định điểm trúng tuyển vào các trường đại học.

Phổ điểm khối D, điểm trung bình năm nay cao hơn năm ngoái khoảng 2 điểm,  phân bố phổ điểm về phía phải (điểm cao), dốc đều, thuận tiện trong việc xác định điểm chuẩn vào các trường.

Với các dữ liệu này, ông Lý dự tính, điểm chuẩn một số ngành ổn định như năm trước, nhưng các ngành tốp trên thu hút nhiều thí sinh điểm chuẩn sẽ bằng hoặc tăng nhẹ.

Mỗi thí sinh chỉ cần đăng ký 4 - 5 nguyện vọng

TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD- ĐT cho biết, có rất nhiều thí sinh đặt câu hỏi "Căn cứ vào đâu để thay đổi nguyện vọng"?

“Theo tôi, căn cứ chính là năng lực, sở trường, điểm thi tính trong tương quan những người thi chung, điểm đầu vào của những trường có ngành học mà mình thích" - bà Phụng cho biết. 

Bà Phụng gợi ý cụ thể như ngành Y thí sinh cần xem xét trường lấy điểm cao nhất như thế nào, điểm thi thực tế của mình được bao nhiêu để đăng ký xét tuyển.

{keywords}
Thí sinh nghe tư vấn xét tuyển đại học 2017 (Ảnh Lê Huyền)

Theo bà Phụng từ ngày 15 - 23/7 thí sinh có thể thay đổi nguyện vọng cho phù hợp với điểm thi của mình. 

Mỗi thí sinh nên đăng ký từ 5 đến 6 trường, đủ bao quát các nguyện vọng của thí sinh. Khi đã chọn được số trường rồi thì chọn ưu tiên theo thứ tự trên cơ sở mong muốn và điểm số trúng tuyển. 

Thí sinh nên  cân nhắc bởi chỉ được thay đổi 1 lần.

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết, thống kê trung bình cả nước một thí sinh chỉ đăng ký khoảng 4.8 nguyện vọng (trừ 1 thí sinh đăng ký 48 nguyện vọng).

Theo ông Nghĩa, năm nay các nguyện vọng đều được xét tuyển bình đẳng.

Do vậy nếu có ba thí sinh cùng xét tuyển vào một ngành, của một trường với thứ tự ưu tiên khác nhau, lần lượt từ 1-3 thì em nào cao điểm nhất sẽ được chọn, do đó ở trường hợp này thí sinh không cần lo lắng để thứ tự nguyện vọng trước hay sau. 

Nhưng nếu thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường “hot” và có rất nhiều người đăng ký, các trường phải dùng đến tiêu chí phụ hoặc làm hết các tiêu chí phụ vẫn thừa thí sinh thì sẽ xét đến thứ tự nguyện vọng, vì vậy thí sinh nên để nguyện vọng ngành đó đầu tiên.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, cho biết ngày 12/7 Bộ sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường làm căn cứ xét tuyển. Các thí sinh nên đối sánh kết quả thi của mình với kết quả thi trên toàn quốc để quyết định việc đăng ký xét tuyển vào các trường đại học.

Tuệ Minh