Ngày 26/4, Học viện Chính trị phối hợp với Tạp chí Giáo dục, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “Lý luận và thực tiễn Giáo dục quốc phòng, an ninh trong bối cảnh đổi mới giáo dục và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đưa ra xoay quanh việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy giáo dục quốc phòng, an ninh trong nhà trường.

Toàn cảnh hội thảo

Thiếu tướng Phạm Đức Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng cho hay, Luật Giáo dục quốc phòng đã quy định cụ thể điều kiện để trở thành giảng viên, giáo viên giáo dục quốc phòng, an ninh là phải có bằng cử nhân giáo dục quốc phòng và an ninh trở lên.

Trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và chứng chỉ đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh.

Tuy nhiên thực tế, Thiếu tướng Phạm Đức Lâm cho biết số lượng giáo viên, giảng viên giảng dạy đúng chuyên ngành rất ít, chủ yếu từ nhiều chuyên ngành khác nhau được tuyển chọn vào các trung tâm, cơ sở đào tạo của quân đội kiêm nhiệm.

Tại phần lớn các cơ sở, chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy giáo dục quốc phòng, an ninh chưa có sự phát triển và chuẩn hóa như mong muốn.

Điều này, theo Thiếu tướng Phạm Đức Lâm, xuất phát từ việc các cơ sở đào tạo giáo viên, giảng viên chuyên ngành Giáo dục Quốc phòng và An ninh rất khó tuyển sinh. Điển hình như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội những năm qua đều lấy điểm chuẩn khoảng 16,5 điểm. Dù điểm đầu vào thấp nhưng trường này vẫn không tuyển được đủ số lượng. 

Mặt khác, sự bất cập đến từ việc biên chế tổ chức của môn học ở một số cơ sở đào tạo chưa được thống nhất, đồng bộ. Một số trường ghép chung vào khoa với nhiều bộ môn khác nhau.

“Điển hình như tại Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải, biên chế trong Khoa Chính trị - Quốc phòng an ninh – Giáo dục thể chất, thường cán bộ khoa thuộc chuyên ngành khác; cá biệt có một số ít trung tâm lớn có khoa “Giáo dục Quốc phòng – An ninh”. Vì vậy, việc hoạt động phương pháp bộ môn khó khăn và kém hiệu quả hơn các môn học khác”, Thiếu tướng Lâm nói.

Đại tá, PGS.TS Lê Xuân Thủy, Chủ nhiệm khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng cũng cho rằng, đội ngũ giảng dạy giáo dục quốc phòng, an ninh hiện nay còn thiếu về số lượng; trình độ chuyên môn cũng chưa chuẩn hóa theo yêu cầu. 

“Số giáo viên của các trường THPT đạt chuẩn về chất lượng còn thấp (50,76%); số lượng giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học còn thiếu so với nhu cầu (91,6%).

Ngoài ra, việc tổ chức bồi dưỡng để phát triển còn thiếu tính chiến lược, chưa thực sự chú trọng vào chất lượng. Việc kết hợp giữa tuyển dụng, đào tạo, bố trí, bồi dưỡng và sử dụng để phát triển giảng viên, giáo viên ở không ít cơ sở giáo dục còn thiếu tính đồng bộ, chưa gắn kết chặt chẽ”, PGS.TS Lê Xuân Thủy cho hay.

Cũng theo PGS.TS Thủy, theo khảo sát số sinh viên chính quy ngành Giáo dục Quốc phòng và An ninh tốt nghiệp 2 năm gần đây của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho thấy, chỉ có khoảng trên 50% được sử dụng đúng chuyên ngành đào tạo. 

Trước những thực tế này, theo PGS.TS Thủy, việc hoàn thiện về cơ chế, chính sách tạo động lực bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên giáo dục quốc phòng, an ninh là điều cần thiết.

“Cần phải kết hợp tuyển chọn đào tạo cử nhân quốc phòng - an ninh dài hạn 4 năm với cử tuyển đào tạo văn bằng 2, để vừa ổn định tổ chức biên chế của các cơ sở đào tạo, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt, vừa xây dựng nguồn chính quy lâu dài. 

Ngoài ra, cần phải xây dựng biên chế cơ hữu và có chính sách ưu tiên tuyển dụng hợp lý, chú trọng bố trí, sắp xếp, sử dụng đội ngũ giảng viên, nhất là sĩ quan biệt phái ở các cơ sở đào tạo. 

Bên cạnh đó, cần phải chuẩn bị đầy đủ điều kiện để mở mã ngành đào tạo sau đại học chuyên ngành giáo dục quốc phòng và an ninh, tạo cơ sở nâng cao chất lượng, đẩy nhanh chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, giảng viên”, PGS.TS Lê Xuân Thủy đề xuất.

Thiếu tướng TS Trần Ngọc Thanh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, để nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh, việc tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, bảo đảm số lượng, chất lượng, đạt chuẩn hóa là điều quan trọng.

“Đây là giải pháp giữ vai trò quan trọng hàng đầu, xuyên suốt để nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh.

Việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên cần thực hiện thông qua tuyển chọn, kiểm soát chất lượng đầu vào và đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên. Cùng với đó, cần chủ động xây dựng, ban hành các cơ chế, đãi ngộ phù hợp để đội ngũ cán bộ, giảng viên yên tâm, gắn bó với công việc”, ông Thanh nói.