Đầu tư vào khâu dệt, nhuộm hoàn tất được xem là giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽn của ngành dệt may Việt Nam hiện nay. |
10 năm vẫn “cà rịch, cà tang”
Ngành dệt may phát triển dựa trên một chuỗi sản xuất liên hoàn từ sản xuất bông, xơ, kéo sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất vải rồi mới đến may mặc. Việt Nam mới làm tốt được khâu cuối cùng. Sản xuất bông, xơ trong nước chỉ mới đáp ứng được 2% nhu cầu dệt sợi. Chương trình phát triển nguồn nguyên phụ liệu (NPL) cho ngành dệt may trong 10 năm qua vẫn “cà rịch, cà tang”.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam dẫn chứng, vấn đề lớn nhất đối với ngành dệt may là khâu nhuộm hoàn tất, EU đặt ra yêu cầu xuất xứ từ vải. Do đó, để tận dụng được các FTA ông Giang cho rằng Chính phủ, địa phương cần phải hoạch định chiến lược phát triển các khu công nghiệp, tập trung nguồn cung đang thiết hụt, hình thành nên chuỗi cung ứng toàn cầu… để đáp ứng yêu cầu của hiệp định.
Theo các số liệu được công bố, doanh nghiệp ngành dệt, nhuộm và hoàn tất chỉ chiếm khoảng hơn 20%. Dệt và nhuộm là ngành thâm dụng vốn và công nghệ, nhưng với quy mô vừa và nhỏ, các doanh nghiệp trong ngành gặp khó khăn trong việc đầu tư, đổi mới công nghệ để có thể tham gia vào chuỗi giá trị dệt may. Công nghệ ngành dệt, nhuộm và hoàn tất còn lạc hậu, chưa chủ động được nguồn nguyên liệu cho sản xuất.
Bên cạnh đó, đội ngũ nhân lực quản lý và kỹ thuật trong ngành dệt và nhuộm còn thiếu cũng làm hạn chế việc nâng cao năng suất và cải tiến chất lượng sản phẩm. Mặc dù chi phí lao động rẻ nhưng chi phí bình quân cho một đơn vị sản phẩm của Việt Nam vẫn cao hơn một số nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia khoảng 30 - 40%, trong khi năng suất lao động thấp và chỉ bằng 2/3 so với các nước trong khu vực.
Trước đây, khi doanh nghiệp đầu tư nhà máy nhuộm hoàn tất, nằm rải rác ở các thành phố, bởi khi đó yếu tố môi trường chưa phải ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, sau này khi vấn đề môi trường trở thành yếu tố cấp thiết gắn với sự phát triển bền vững, ngoài chi phí sản xuất, doanh nghiệp phải lo xây dựng nhà máy xử lý nước thải, chi phí chuyển địa điểm và vận chuyển khi trao đổi hàng hoá có xu hướng tăng cao. Thêm nữa, lo ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường trong ngành dệt, nhuộm và hoàn tất cũng khiến các địa phương từ chối các dự án đầu tư vào lĩnh vực này.
Giải pháp tháo gỡ
Thực tiễn phát triển của ngành dệt may thời gian qua đã chứng minh, để phát triển bền vững, để có thể cơ hội mà EVFTA mang lại, ngành dệt may Việt Nam phải tháo gỡ dứt điểm khâu dệt nhuộm, hoàn tất.
Theo ông Nguyễn Sơn - Phó Chủ tịch Hiệp hội bông sợi Việt Nam từng chia sẻ với báo chí: Cần phải đưa khâu này vào các khu công nghiệp. Đồng thời ông gợi ý 5 giải pháp để doanh nghiệp nội làm được khâu nhuộm hoàn tất. Cụ thể:
Thứ nhất, phải có lao động kỹ thuật, hoặc nguồn lao động đã qua đào tạo. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn lao động kỹ sư tại Việt Nam đang thiếu nhiều. Trong giai đoạn đầu, quá trình vận hành nên có sự hợp tác và chuyển giao từ lao động nước ngoài. Sau đó, ở từng công đoạn trong khâu dệt nhuộm, kỹ sư Việt Nam đã có thể vận hành được, chuyên gia nước ngoài có thể rút dần sau 4-5 năm hợp tác.
Thứ hai, là nguồn cung nước. Giai đoạn nhuộm hoàn tất phải có nước, nếu không thì không thể triển khai được khâu dệt nhuộm.
Thứ ba, phải có hệ thống xử lý nước thải. Các tỉnh hiện tại cứ nghe đến dệt nhuộm là nghĩ ngay đến ô nhiễm.
Thực ra, những nhà máy dệt nhuộm này không hề ô nhiễm giống như các nhà máy khác, và ngược lại hoàn toàn có thể xử lý ổn. Tuy nhiên, an toàn nhất là những khu này phải ở càng gần biển càng tốt. Kinh nghiệm quốc tế các nước khác đều làm như vậy.
Thứ tư, chi phí logistics nói chung phải ở mức hợp lý hoặc không thấp thì càng tốt. Vì hiện nay, nhiều vật tư để thực hiện trong khâu dệt nhuộm doanh nghiệp Việt Nam phải nhập từ nước ngoài về. Vì vậy, nếu quá xa cảng, chi phí nhiều, khối lượng vận chuyển hàng lớn, chi phí cao doanh nghiệp không thể cạnh tranh được.
Thứ năm, đặc biệt quan trọng hơn, Bộ Công thương phải phát huy vai trò là cơ quan phụ trách hoạt động phát triển của các ngành công nghiệp đó là làm việc với các tỉnh để thay đổi “định kiến” của các tỉnh về cứ nhà máy dệt nhuộm là ô nhiễm. Đồng thời, Bộ cũng cần tìm kiếm, khảo sát thêm một vài khu đủ tiêu chuẩn để thành lập các khu công nghiệp có các nhà máy dệt nhuộm. Sau đó quy hoạch, xây dựng hệ thống nhà máy xử lý nước thải và kêu gọi nhà đầu tư.
Bích Vân