Từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tam Nông (Đồng Tháp) hỗ trợ cho vay ưu đãi để chăn nuôi bò, hộ bà Phạm Thị No Lớn ở xã An Hòa đến nay đã khấm khá. Từ một hộ nghèo, thiếu thốn đa chiều, nay gia đình bà đã có nhà cửa khang trang, kiên cố, vươn lên vững vàng về kinh tế.
Tương tự, ông Phan Văn Lùng ở xã Phú Ninh (Tam Nông, Đồng Tháp) cũng được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội huyện để nuôi lươn. Nhờ chí thú làm ăn, tiết kiệm chi tiêu, cuộc sống dần ổn định, ông Lùng đã tự nguyện viết đơn trả lại sổ cận nghèo, xin thoát nghèo.
Đây là hai trong số nhiều tấm gương vươn lên thoát nghèo từ sự hỗ trợ của Nhà nước ở huyện Tam Nông. Trong chuyến tới thăm các hộ này vào tháng 11, ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông, đánh giá cao tinh thần vượt khó, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, vươn lên thoát nghèo của hai gia đình. Đồng thời, ông đề nghị hai hộ tiếp tục chí thú làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tại huyện Tam Nông, chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi được xem là một trong những giải pháp giúp các hộ nghèo có thêm động lực, điểm tựa để thúc đẩy họ càng nỗ lực vươn lên. Nhiều hộ dân khi được tiếp cận nguồn vốn vay đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, đi lao động có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, giúp tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tam Nông đã giải ngân cho 336 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay, với tổng nguồn vốn trên 22 tỷ đồng. Con số này đã nâng tổng nguồn vốn đã giải ngân cho 3.540 lượt đối tượng này lên 136 tỷ đồng (từ năm 2021 đến nay). Điều này đã kịp thời giúp các hộ ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Gia đình ông Nguyễn Hồng Sơn ở ấp An Thịnh, xã An Long, là ví dụ điển hình. Ông được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng 100 triệu đồng để cho con có chi phí đi lao động có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (xuất khẩu lao động) ở Nhật Bản. Ở nước bạn, con trai ông Sơn làm công việc chế biến thực phẩm, đến nay, số tiền gửi về hàng tháng đã giúp gia đình ông trả hết gốc, lãi ngân hàng. Không những thế, gia đình còn xây được căn nhà khang trang, nhiều tiện nghi.
Cũng trong năm nay, từ nguồn vốn hơn 3,41 tỷ đồng dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, toàn huyện có 125 hộ được thụ hưởng. Trong số này có 49 hộ nghèo, 53 hộ cận nghèo và 23 hộ mới thoát nghèo. Mỗi hộ được hỗ trợ vốn từ 20 - 40 triệu đồng/hộ để phát triển sản xuất, chăn nuôi để giảm nghèo bền vững.
Chăm lo cho người dân nghèo về y tế, huyện Tam Nông cấp gần 25.600 thẻ BHYT. Ngoài ra, huyện đã hỗ trợ 411 căn nhà, chi phí học tập, học bổng, chính sách miễn, giảm học phí cho gần 7.300 lượt học sinh thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, mồ côi, khuyết tật và vận động mua 5 xe chuyển viện từ thiện với tổng số tiền gần 99 tỷ đồng.
Năm 2024, toàn huyện còn 495 hộ nghèo (tỷ lệ 1,74%) và 626 hộ cận nghèo (2,2%). Huyện đề ra mục tiêu đến năm 2025, giảm bình quân tỷ lệ hộ nghèo 2,62%/năm, thu nhập bình quân hộ nghèo đạt 2 triệu đồng/tháng, tăng 1,54 lần so với năm 2020.
Để giảm nghèo đa chiều, bền vững trong thời gian tới, huyện Tam Nông tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền vận động, thuyết phục để hộ nghèo tự nguyện đăng ký tham gia và tự lực khắc phục khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Song song với đó, huyện hỗ trợ thực hiện chính sách giảm nghèo đối với hộ nghèo; ưu tiên đầu tư cho các hộ đăng ký phấn đấu thoát nghèo để hoàn thành mục tiêu. Đồng thời, hỗ trợ hộ nghèo nguồn vốn sản xuất, nhà ở, dạy nghề, tạo việc làm để người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; hàng năm đánh giá nhân rộng mô hình giảm nghèo có hiệu quả.