BHYT đã thể hiện vai trò điểm tựa cho người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số khi không may bị bệnh, đặc biệt là những căn bệnh hiểm nghèo phải điều trị dài ngày.
Cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân nghèo
Bệnh viêm phổi nặng đòi hỏi bệnh nhân Lê Lệ Mỹ ở huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà, phải điều trị liên tục. Từ khi Mỹ bị bệnh, gia đình phải bán mảnh ruộng lấy 100 triệu đồng để có kinh phí chăm sóc, điều trị cho con.
Hoàn cảnh khó khăn, nguy cơ nghèo hoá cơ cực luôn chực chờ ập đến, gia đình bệnh nhân được xét thuộc diện hộ cận nghèo. Từ hai năm nay, nhờ chính sách hỗ trợ người thuộc hộ nghèo mua BHYT của tỉnh Khánh Hoà, nỗi lo này của gia đình bệnh nhân Mỹ được dịu bớt. Theo số liệu từ BHXH tỉnh, năm 2023, tổng chi phí BHYT chi trả cho bệnh nhân Mỹ hơn 560 triệu đồng. Nếu không có sự hỗ trợ ấy, việc theo đuổi điều trị đến cùng cho bệnh nhân trẻ tuổi này gặp nhiều khó khăn.
Một trường hợp khác cũng được hỗ trợ "cầm cự" trong cuộc chiến với bệnh tật là ông Phan Văn Trao, ở huyện Cam Lâm, Khánh Hoà.
Ông Trao bị biến chứng của bệnh suy thận giai đoạn cuối. Trước năm 2023, thời kỳ chưa phát hiện bệnh, ông làm công nhân, sống một mình, không có BHYT. Đến khi biết mình mang bệnh, bao nhiêu tiền của tích cóp chỉ đủ để ông làm phẫu thuật, chưa đủ để chạy thận.
Những tháng đầu chạy thận tại bệnh viện tỉnh, vì không có BHYT, việc điều trị tốn kém vô cùng. Dốc hết tiền tiết kiệm, thêm cả tiền bán đất cha mẹ để lại được chút đỉnh vẫn không thấm tháp vào đâu khi mắc bệnh mạn tính, phải điều trị lâu dài. Ông Trao rơi vào tình trạng kiệt quệ kinh tế.
Thấu hiểu hoàn cảnh của ông, UBND xã Suối Cát nơi ông sinh sống đã xét duyệt cho ông được hưởng BHYT hộ cận nghèo. Nhờ có BHYT, hiện mỗi tháng ông chỉ tốn hơn 2 triệu đồng để điều trị bệnh. Theo số liệu của BHXH tỉnh, năm 2023, quỹ BHYT đã chi cho trường hợp ông Trao hơn 162,5 triệu đồng. Được hỗ trợ 100% kinh phí mua BHYT, ông Trao yên tâm điều trị.
Ông Thao và chị Mỹ là hai trong số hàng nghìn trường hợp thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ 100% kinh phí mua BHYT và được Quỹ BHYT chi trả cho quá trình khám, chữa bệnh. Điều này đã mang lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân nghèo.
Theo số liệu của BHXH tỉnh Khánh Hoà, tính đến ngày 31/7, toàn tỉnh có 12.169 người thuộc hộ nghèo; 27.223 người thuộc hộ cận nghèo và 41.446 người dân tộc thiểu số tham gia BHYT. Tỉ lệ bao phủ BHYT ở tỉnh này lên tới 95%, cao hơn mức trung bình toàn quốc.
Chia sẻ gánh nặng
Thực tế, BHYT đã thể hiện vai trò điểm tựa cho người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số khi không may bị bệnh, đặc biệt là những căn bệnh hiểm nghèo phải điều trị dài ngày. Chính sách BHYT đã phát huy hiệu quả trong chăm sóc sức khoẻ, chia sẻ gánh nặng cho các gia đình.
Điều 3 Nghị định 07/2021/NĐ-CP Quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025, đưa ra các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025, cụ thể:
- Tiêu chí thu nhập: Khu vực nông thôn: 1.500.000 đồng/người/tháng. Khu vực thành thị: 2.000.000 đồng/người/tháng.
- Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản: Các dịch vụ xã hội cơ bản (6 dịch vụ), gồm: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin.
12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản gồm: việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.
Thực tế, trong các năm 2022, 2023, 2024, mức lương cơ sở (căn cứ để đóng BHYT) liên tục được điều chỉnh. Cụ thể, từ 1/7/2019 đến hết tháng 6/2023, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng, từ 1/7/2023 đến hết tháng 6/2024, mức lương tăng lên 1.800.000 đồng/tháng; gần đây nhất, từ 1/7, mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng.
Mức lương cơ sở tăng kéo theo mức đóng BHYT cũng tăng. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, thu nhập bị ảnh hưởng nên việc hộ cận nghèo tự đóng 30% để mua BHYT khó thực hiện được.
Nếu không có sự hỗ trợ 100% từ ngân sách (Trung ương và địa phương) cũng như cộng đồng xã hội, người thuộc hộ cận nghèo khó lòng đảm bảo sự tham gia liên tục, không gián đoạn, ảnh hưởng quyền lợi hưởng BHYT.
Tại tỉnh Khánh Hoà, trước đây (từ năm 2017-2020), bên cạnh đối tượng hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn cũng được hỗ trợ 100% kinh phí mua BHYT. Tuy nhiên, ngày 27/2/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 07 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 nên Nghị quyết số 30/2016 của HĐND tỉnh hết hiệu lực.
Gỡ khó cho người dân, ngày 19/7/2022, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 07 về quy định mức hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2022 - 2025. Tỉnh dự kiến, tổng kinh phí mua BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo hơn 81 tỷ đồng, với 100.753 lượt thẻ BHYT được hỗ trợ.
Lãnh đạo BHXH tỉnh Khánh Hoà đánh giá đây là chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa quan trọng của tỉnh dành cho các hộ cận nghèo, giúp người dân thuộc diện hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh, được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Theo đó, người dân thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ BHYT, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 35%, ngân sách tỉnh hỗ trợ 65%.
Bên cạnh đảm bảo nguồn tài chính hỗ trợ mua thẻ BHYT cho các đối tượng, đặc biệt là người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, BHXH tỉnh cũng chủ động đảm bảo cho học sinh, sinh viên và các đối tượng yếu thế khác; kêu gọi các tổ chức, đơn vị, cá nhân tích cực tham gia chương trình tặng thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn.
Năm 2023, từ nguồn lực của BHXH Việt Nam và kêu gọi đóng góp của các đơn vị, BHXH tỉnh Khánh Hoà đã trao hơn 400 thẻ BHYT, với tổng trị giá hơn 202 triệu đồng cho người có hoàn cảnh khó khăn.
Việc thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khoẻ cho hộ nghèo, cận nghèo, thông qua các chính sách hỗ trợ về BHYT đã được chứng minh là một trong những giải pháp quan trọng để người dân thoát nghèo bền vững, đa chiều. Điều này không chỉ góp phần chống tái nghèo hiệu quả mà còn góp phần thực hiện công bằng xã hội.
Đến cuối tháng 10/2024, toàn tỉnh Khánh Hoà còn 4.694 hộ nghèo, giảm 2.604 hộ (chỉ tiêu giảm 1.590 hộ), đạt 164%, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,32%. Dự kiến đến cuối năm 2024, toàn tỉnh giảm được 8.180 hộ nghèo, vượt hơn 800 hộ nghèo so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.