Là tỉnh có vị trí địa lý tiếp giáp với 2 nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, gần khu vực Tam giác vàng - trung tâm sản xuất ma túy lớn nhất thế giới, những năm qua, tỉnh Điện Biên là một trong những địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy.
Theo báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn diễn biến phức tạp, tăng cả về số vụ và số người phạm tội. Các cơ quan chức năng đã phát hiện, khởi tố mới 672 vụ 765 bị can, tăng 75 vụ (12,56%), 105 bị can (15,9%) so với cùng kỳ năm 2022, trên các lĩnh vực. Trong đó, nhóm tội phạm về ma túy chiếm tỷ lệ 82,74%.
Xác định công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong việc phòng, chống ma túy, để từ đó giúp nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, vì thế thời gian qua, chính quyền, các cơ quan, đơn vị chức năng tỉnh Điện Biên đã đẩy mạnh công tác tuyền truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng chống ma túy đến người dân, học sinh, góp phần giảm tình trạng buôn bán, sử dụng ma túy, đẩy lùi tệ nạn ra khỏi địa bàn.
Một trong những hình thức tuyên truyền được tỉnh Điện Biên đẩy mạnh triển khai thực hiện trong thời gian qua đó là tổ chức các phiên tòa giả định về ma túy giúp người dân, nhất là các em học sinh, thanh thiếu niên ở khu vực biên giới nâng cao nhận thức pháp luật nhằm đẩy lùi tệ nạn này.
Được xây dựng từ những tình tiết của các vụ án có thật, gắn với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, thời gian qua, những phiên tòa giả định về ma túy đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong việc phổ biến, nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, học sinh.
Mới đây nhất là phiên tòa giả định về ma túy được Tòa án nhân dân huyện Nậm Pồ phối hợp Trường THPT Nậm Pồ tổ chức là một trong những phiên tòa giả định về ma túy được người dân địa phương đánh giá cao.
Nạm Pồ là huyện biên giới của tỉnh Điện Biên, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Người dân nơi đây hầu hết là đồng bào DTTS, sinh sống xa trung tâm, phong tục tập quán còn lạc hậu nên các tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn về ma túy ngày càng diễn biến phức tạp, đây là một trong những địa bàn trọng điểm về ma túy ở Điện Biên.
Chính vì thế, việc tuyên truyền pháp luật, nhất là các vụ án về ma túy tại các điểm “nóng” ma túy gần đây đã góp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân nơi biên giới, đồng thời là hồi chuông cảnh báo về vấn nạn ma túy đang còn nhức nhối, nhất là đối với các em học sinh, thanh thiếu niên trên địa bàn.
Phiên tòa giả định về ma túy ở Nậm Pồ được xây dựng dựa trên những tình tiết của các vụ án có thật, gắn với thực tế một số vụ án có liên quan đến người chưa thành niên phạm tội; và “bị cáo” là những học sinh, sinh viên ham chơi, lêu lổng, do nghiện ma túy nên đã đi tìm “chất trắng” mang về nhà để sử dụng. Nhưng chưa kịp sử dụng thì bị Công an huyện Nậm Pồ phát hiện, các “bị cáo” bị truy tố và xét xử về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 249 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017), bị xử phạt từ 12 đến 24 tháng tù.
Trong quá trình diễn ra phiên tòa giả định, các tình tiết trong vụ án đã thực sự lôi cuốn đối với các em học sinh, giáo viên và tất cả người dân tham dự. Nhất là các vai diễn “bị cáo” được lựa chọn đảm bảo phù hợp với tâm lý, sự hiểu biết pháp luật của đoàn viên thanh niên tham dự tại phiên tòa.
Nói phiên tòa giả định về ma túy đạt hiệu quả lớn là bởi, sau phiên tòa, rất nhiều người dân và hàng trăm em học sinh đã nhận thức rất rõ về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy sẽ nguy hiểm như thế nào cho xã hội, và vi phạm quy định của pháp luật như thế nào, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương ra sao…
Trước đó, nhiều địa phương trong tỉnh cũng triển khai những phiên tòa giả định như ở Nậm Pồ và cũng đạt hiệu quả cao trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Như phiên tòa giả định tổ chức tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT huyện Điện Biên vào hồi đầu năm 2023 được dàn dựng xét xử dựa trên vụ án có thật về mua bán trái phép chất ma túy; phiên tòa giả định có chủ đề về pháp luật an toàn giao thông và ma túy học đường tổ chức tại Trường THPT Thành phố Điện Biên Phủ; trước đó, vào năm 2022, các cơ quan chức năng cùng các địa phương trong tỉnh cũng đã liên tiếp tổ chức nhiều phiên tòa giả định như phiên tòa giả định tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy tổ chức tại Trường Cao đẳng nghề Điện Biên; phiên tòa giả định về phòng, chống ma túy tổ chức tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT huyện Điện Biên.v.v..
Việc tổ chức những phiên tòa giả định này đã giúp “mềm hóa” những quy định của pháp luật; đưa các tình huống pháp lý về gần hơn với tâm lý của người tham dự. Thay vì phải nhớ những điều khoản, quy định một cách máy móc, khô khan thì mọi người sẽ nhớ đến hành vi vi phạm của các “bị cáo” trong buổi xét xử để từ đó tránh những vi phạm tương tự. Đây là hoạt động sáng tạo, có nhiều ý nghĩa trong việc tuyên truyền pháp luật, được dư luận địa phương quan tâm, đánh giá cao.
Có thể nói, phiên tòa giả định là một điểm mới trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ở Điện Biên, nơi có những điểm nóng về ma túy. Phiên tòa không chỉ phản ánh những hành vi phạm tội, các quy định của pháp luật về mức án được áp dụng cho các hành vi phạm tội, mà thông qua phiên tòa còn giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của học sinh trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm; đề cao tính răn đe và tính giáo dục.
Bên cạnh đó, phiên tòa giả định cũng giúp người dân nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác phòng chống ma tuý. Đặc biệt là nâng cao ý thức tự giác chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không sử dụng, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý; tích cực giúp đỡ lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng ngừa, kiềm chế các tội phạm và tệ nạn xã hội liên quan đến ma tuý trên địa bàn, từng bước thúc đẩy hiệu quả của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trật tự ngay từ cấp cơ sở.