Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên, để bảo vệ và duy trì hơn 393.055ha rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh, trải dài khắp 10 huyện, thị xã, thành phố, với 4.152 chủ rừng là hết sức khó khăn.

Xuất phát từ thực tế đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động, số hóa cơ sở dữ liệu về diện tích rừng được chi trả DVMTR, quản lý các đối tượng sử dụng và cung ứng DVMTR. Nhờ vậy, việc theo dõi, quản lý diện tích chi trả DVMTR thực hiện khoa học hơn, đảm bảo nhanh chóng, chính xác, phù hợp với xu thế thời đại và chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Công nghệ viễn thám và GIS (hệ thống thông tin địa lý Geographic Information systems - GIS) được coi là công cụ hiệu quả trong quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng. GIS là một hệ thống hỗ trợ để thu thập, lưu trữ, truy xuất, phân tích và hiển thị dữ liệu không gian và phi không gian. Cho đến nay, ứng dụng viễn thám và GIS trong quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng được sử dụng tại hầu hết các quốc gia.

W-rungdienbien.png
Ảnh minh hoạ

Theo ông Phan Anh Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên cho biết: Ảnh viễn thám và GIS đã được đơn vị sử dụng trong phân loại rừng và là một trong những nhiệm vụ ưu tiên, được tiến hành thường xuyên, thông qua các chương trình, dự án khác nhau, trong đó có việc xác định các lưu vực rừng có cung ứng DVMTR trên địa bàn toàn tỉnh. Xác định trạng thái rừng bằng phương pháp viễn thám phụ thuộc rất nhiều vào khóa giải đoán ảnh. Khoá giải đoán ảnh là khái niệm thể hiện sự sắp xếp của các yếu tố ảnh, các đặc điểm chi tiết của đối tượng tạo thành một tổng thể trong không gian vĩ mô. Độ phân giải ảnh có vai trò quan trọng trong xây dựng bản đồ chi trả DVMTR.

Trong những năm qua cùng với việc cập nhật các ứng dụng công nghệ số vào công tác chuyên môn như đưa vào khai thác hệ thống thông tin chi trả dịch vụ môi trường rừng tỉnh Điện Biên chạy trên phần mềm v5PFES, đến nay đã hoàn thiện và đang vận hành là một trong những ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực chi trả dịch vụ môi trường rừng. 

Ông Phan Anh Sơn, cho biết thêm: “Tính đến thời điểm hết quý III năm 2022, đơn vị đang quản lý và chi trả diện tích cung ứng DVMTR trên địa bàn 10 huyện, thị xã, thành phố, 128 xã, phường, thị trấn là 393.055,28 ha, với 4.152 chủ rừng. Nhân viên kỹ thuật phụ trách địa bàn từng huyện sẽ được cấp 1 tài khoản để đăng nhập và tiến hành cập nhật thay đổi các thông tin từng lô rừng của chủ rừng trên hệ thống thông tin chi trả DVMTR tỉnh Điện Biên để phục vụ công tác chi trả DVMTR của đơn vị một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác, công khai và minh bạch”.

Cùng với ứng dụng công nghệ GIS và ảnh viễn thám: Landsat 8, Setinel 2... để phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng... góp phần đánh giá tài nguyên rừng một cách hiệu quả làm cơ sở phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát và chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Để phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên tiếp tục triển khai việc khai thác, sử dụng các phần mềm quản lý, xây dựng bản đồ số lâm nghiệp và sẵn sàng kết nối, chia sẻ, cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số đối với người lao động trong đơn vị, chủ rừng và các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng. Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu số của đơn vị, phục vụ quản lý và phát triển sản xuất lâm nghiệp nhằm cung cấp dữ liệu, thông tin kết nối với các nền tảng số đơn vị và của ngành để từng bước đổi mới quản lý lĩnh vực nông nghiêp, nông thôn theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế.

Nguyễn Hoài Linh, Vũ Thị Huệ, Trần Thị Mỹ Hòa