- Ông Kostin, chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng VTB - cổ đông chủ đạo phía Nga (49%) trong ngân hàng liên doanh VRB cùng chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà đã gây bất ngờ cho phòng họp diễn đàn doanh nghiệp Việt - Nga tại TP.HCM chiều 7/4.

Trước sự có mặt của Thủ tướng Nga Medvedev và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng đại diện 50 doanh nghiệp hai nước, hai ông đứng dậy và tiến lại gần nhau để cùng ký kết bản ghi nhớ hợp tác song phương trong triển khai chương trình thanh toán thương mại trực tiếp bằng nội tệ của hai nước là VNĐ và rúp.

Trong lúc đại diện doanh nghiệp hai nước cầm bút ký và trao nhau bản ghi nhớ, Thủ tướng Nga Medvedev tỏ ra bất ngờ, ông kéo micro: "Tôi đồng ý, điều này thật tốt".

{keywords}
Ảnh: Trần Tuấn

Chỉ ít phút trước đó, Thủ tướng Medvedev, trong phát biểu mở đầu với đại diện doanh nghiệp hai nước về việc khai phá mạnh mẽ những cơ hội đầu tư, đã nói đến cơ chế tháo gỡ những hạn chế, mà một trong số đó liên quan đến tài chính, ngân hàng.

Ngày hôm qua, khi đàm phán về 17 dự án ưu tiên đầu tư kinh doanh giữa hai nước với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội, ông và người đồng cấp đã nhất trí giao cho VTB và BIDV thông qua định chế tài chính liên doanh Việt -Nga thiết kế một chương trình thanh toán thương mại trực tiếp bằng nội tệ, giúp hàng hóa xuất khẩu vào thị trường của nhau dễ dàng, không bị lệ thuộc cán cân thanh toán quốc tế.

Trước khi diễn ra ký bản ghi nhớ với BIDV gây bất ngờ, ông Kostin nói, lẽ ra họ còn chuẩn bị đến tận tháng 5 ký, nhân dịp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Moscow dự kỷ niệm 70 năm chiến thắng trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Nhưng họ đã âm thầm cùng nhau bàn thảo bản ghi nhớ này 4 giờ đồng hồ trước khi diễn đàn doanh nghiệp Việt - Nga diễn ra ngay tại TP.HCM.

Ông Kostin cho hay, có không ít doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ băn khoăn về các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga có làm ảnh hưởng đến các ngành kinh tế. Dù khẳng định đòn trừng phạt với Nga có ảnh hưởng đến một số ngành nhạy cảm mà hai nước hợp tác như năng lượng, dầu khí, tài chính, kỹ thuật quân sự, nhưng ông khẳng định không có trở ngại nào không thể vượt qua.

Theo Chủ tịch VTB, kinh tế Nga không bị khủng hoảng sâu sắc đáng sợ như vậy, các công ty của Nga vẫn làm ăn kinh doanh tốt. Chính phủ Nga có những ủng hộ cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực gặp khó khăn.

"Tôi xin khẳng định không có lý do gì để lo lắng. Chúng ta có một lịch sử hợp tác lớn, có triển vọng tốt. Nếu doanh nghiệp hai bên thực sự quan tâm, chúng ta có thể nỗ lực giải quyết mọi vấn đề. Tôi không thấy có những trở ngại mà chúng ta không thể vượt qua. Vì vậy các doanh nghiệp hai nước nên tiếp tục hợp tác bình thường" - đại diện doanh nghiệp Nga phát biểu.

Nói là làm. Ông kết thúc phần phát biểu với việc đứng lên thông báo ký kết ngay bản ghi nhớ với BIDV thông qua định chế tài chính là ngân hàng VRB ngay tại diễn đàn. 

Không yếu tố khó khăn nào có thể cản trở

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, người cùng Thủ tướng Nga Medvedev đối thoại với doanh nghiệp hai nước tại diễn đàn, hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á -– Âu (EEU) đang được VN và các bên liên quan đàm phán có thể trở thành một động lực để tăng cường phạm vi cũng như khối lượng kim ngạch thương mại hàng hóa giữa Nga và VN.

{keywords}
Ảnh: Thanh Vũ

Phó Thủ tướng cho hay, nhóm hàng hóa VN có lợi ích căn bản theo hiệp định này có thể làm đa dạng hóa thị trường tiêu dùng của Nga như nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ.

Hiện Nga có 104 dự án đầu tư vào Việt Nam trị giá gần 2 tỷ USD. Các lĩnh vực hợp tác kinh doanh truyền thống gồm dầu khí, khai khoáng, năng lượng, giáo dục đào tạo, chế tạo máy, trao đổi khoa học công nghệ, du lịch, lao động lâu nay đều có giá trị tăng trưởng tốt song theo Phó Thủ tướng, ngoài cơ hội mà hiệp định nói trên đem lại thì còn nhiều cơ hội khác đang mở ra.

Đó là việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN khi khối này trở thành cộng đồng chung cuối năm nay, cũng như hàng loạt hiệp định thương mại tự do của Việt Nam với các nước, khu vực có hiệu lực. Nên doanh nghiệp Nga bước chân vào thị trường Việt Nam không chỉ bước vào một thị trường có 90 triệu dân mà nhiều hơn thế.

"Không có yếu tố nào có thể gây khó khăn trong quan hệ hợp tác kinh tế, chính trị, thương mại, đầu tư giữa hai nước, giữa cộng doanh nghiệp hai nước" - Phó Thủ tướng cam kết.

Thủ tướng Medvedev cho rằng, với hiệp định thương mại tự do đang đàm phán, Nga dành cho Việt Nam ưu đãi khá lớn, tính tối đa mong muốn của Việt Nam trong tiếp cận, đưa hàng hóa sang thị trường của Nga như hải sản, sản phẩm công nghiệp nhẹ.

Ông cũng lưu ý các dự án lớn tiêu biểu trong thương mại, đầu tư của Nga vào Việt Nam hay được nhắc tới đều là những dự án đã triển khai, do đó cần làm sao mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới. Như việc người ta có thể nhắc tới một dự án liên doanh sản xuất ô tô của hai nước, liên doanh viễn thông, công nghệ y học.

Trong 17 dự án ưu tiên được chốt trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Việt Nam hôm qua có 13 dự án của phía Nga, 4 dự án của phía Việt Nam.

"4 dự án công ty Việt Nam bao gồm dầu khí khoáng sản, chế tạo máy bay, năng lượng điện, giao thông, công nghiệp nhẹ, hóa học có ý nghĩa quan trọng, giúp chúng tôi tăng kim ngạch trao đổi hàng hóa với Việt Nam" - Thủ tướng Nga cho hay.

Xuân Linh