- “Be yourself” - Là chính mình - và kể những câu chuyện của chính mình là điểm chung trong những bài luận của các ứng viên xuất sắc giành được những suất học bổng lớn của các trường đại học danh giá nhất nước Mỹ.

Bài luận vốn là một yếu tố được đánh giá cao bởi ban tuyển sinh các trường đại học Mỹ, ngoài những điều kiện cần như điểm số hay hoạt động ngoại khóa. Bài luận là nơi để các ứng viên thể hiện tính cách, con người mình, là cơ hội để các ứng viên chứng minh rằng họ phù hợp với tiêu chí, văn hóa của mỗi ngôi trường.

{keywords}

Nguyễn Hoàng Long (học sinh lớp 12 Hóa, trường Phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia TP HCM) – người vừa được nhận vào ĐH New York với suất học bổng 78.000 USD mỗi năm cho 4 năm học. Ảnh: Vnexpress

Một trong những bài luận giàu cảm xúc trong mùa tuyển sinh năm nay là của nam sinh Nguyễn Hoàng Long (học sinh lớp 12 Hóa, Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG TP.HCM) – người vừa được nhận vào ĐH New York, phân hiệu Abu Dhabi tại các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) với suất học bổng 78.000 USD mỗi năm cho 4 năm học.

Câu chuyện mà Hoàng Long đưa vào bài luận của mình kể về đôi mắt của cô bé nghèo bán vé số và cách mà em chọn đối diện với những đôi mắt trong cuộc đời mình.

Mở đầu bài luận, Long nói về cảm giác choáng váng và tim đập liên hồi mỗi khi thấy cô bé bán vé số ăn mặc rách rưới đứng dưới làn mưa lạnh. Cô bé gầy gò, tóc lõa xõa rong ruổi khắp đường phố Sài Gòn nhưng có đôi mắt sáng như những bông hoa.

Trước cô bé có đôi mắt sáng như những bông hoa, cậu có cảm giác bất lực vì không thể giúp được gì. Trong bài luận khoảng 600 chữ, Long tập trung vào những trải nghiệm cuộc sống qua đôi mắt. Cậu cho rằng, đôi mắt là cặp gương màu được đập vỡ ra sau mỗi trải nghiệm, hoặc gặp một ai đó. Cậu cảm thấy khó khăn khi kết nối bằng đôi mắt với những người nghèo khổ như cô bé bán vé số.

Rồi sau đó, cậu lấy hết can đảm để bước lại gần, nở nụ cười với cô bé. Từ đó, Long cho rằng, bất kể chúng ta lớn lên trong hoàn cảnh nào thì mỗi người đều đứng trước các quyết định: hoặc là chịu đựng ánh mắt đau đáu ấy mà vẫn có thể quay lưng đi, hoặc hít thở thật sâu, với can đảm và yêu thương để đến với những người khốn khổ. Và em chọn cách thứ hai – đó là cái kết trong bài luận của cậu.

{keywords}

Nguyễn Lê Hoài Anh – cô gái đến từ Trường THPT Chuyên Lào Cai - vừa nhận được suất học bổng toàn phần của ĐH Stanford

Với Nguyễn Lê Hoài Anh, cô gái đến từ Trường THPT Chuyên Lào Cai, bài luận cũng là một “cửa ải” khó khăn khi mà vào thời điểm nước rút, em phải ngồi viết luận đến tận 2 - 3 giờ sáng.

Một trong các bài luận phụ gửi Stanford của cô gái Việt có chủ đề: “Hãy viết một bức thư gửi đến bạn cùng phòng tương lai của em”.

Trong bài luận của mình, Hoài Anh đã ngỏ lời muốn bạn cùng phòng tương lai chia sẻ về những đặc sắc trong văn hóa của đất nước bạn, đồng thời hứa hẹn sẽ chia sẻ văn hóa Việt Nam, làm món nem rán cho bạn ăn.

“Mình tên là Anh Nguyen. Nhưng nếu bạn có thấy khó khăn phát âm từ đó thì gọi mình là Amy. Dù mình biết văn hóa Mỹ rất rộng mở, mình không muốn trở ngại gây ra bởi tên khó phát âm ngăn cản mình hòa nhập vào môi trường này” – Hoài Anh viết. Em cũng chia sẻ niềm đam mê với hoạt động Model United Nations (Mô hình mô phỏng Liên Hợp Quốc) và khao khát làm hoạt động thiện nguyện.

Nếu như lật lại các ứng viên của những năm trước, bài luận của cô bé Tôn Hiền Anh (cựu học sinh Trường THPT Hà Nội – Amsterdam), hiện đang là sinh viên ĐH Harvard, cũng là một câu chuyện nhiều ý nghĩa và mang đậm tính suy tư tương đồng với tính cách hướng nội của em.

{keywords}

Tôn Hiền Anh - cô gái nhận suất học bổng toàn phần của ĐH Harvard năm 2016

Một trong 2 bài luận mà Hiền Anh gửi cho Harvard có tên “Vòng đời”. Cô viết về 3 thế hệ: bà ngoại, mẹ và em. Thông điệp mà Hiền Anh gửi trong đó là yêu thương, khát vọng tiếp nối, ước mơ của người bà, người mẹ về một nền giáo dục tốt cho thế hệ sau. Bài luận của em được ĐH Harvard đánh giá cao.

Trong khi đó, bài luận của Lâm Quang Nhật, sinh viên tương lai của ĐH Chicago, có tựa đề vỏn vẹn 2 chữ “Find x” (Tìm x). Bài luận viết về những giấc mơ từ nhỏ của bản thân và hành trình đi tìm x, cũng như khám phá bản thân từ những giấc mơ đó.

Nam sinh người Quy Nhơn cho biết, quá trình tìm ý tưởng cho các bài luận theo em rất là thú vị. “Thú thật là em đã có một thời gian khá căng thẳng nhưng cũng rất tuyệt khi viết những bài luận này”.

{keywords}

“Bài luận về tên mình” là một trong những yếu tố giúp Nguyễn Đình Tôn Nữ chinh phục ban tuyển sinh ĐH Harvard

“Bài luận về tên mình” là chi tiết được nhiều tờ báo nhắc đến khi viết về cô gái Nguyễn Đình Tôn Nữ - nữ sinh giành suất học bổng lớn của ĐH Harvard năm nay.

Chia sẻ về bài luận, Tôn Nữ nói: “Em viết với một văn phong không cầu kỳ, cố gắng đơn giản nhất có thể... Nguyễn Đình là họ, Tôn Nữ là cháu gái. Tên em nghĩa là người con gái của dòng họ Nguyễn Đình. Đây là nội dung bài luận Harvard của em. Em viết về việc bố em đặt tên em là Tôn Nữ, không phải vì nó là một cái tên lạ, mà là vì bố em muốn gửi gắm mong ước của mình, rằng em sẽ nối nghiệp của gia đình có nhiều đời là thầy giáo và người có học, để suốt cuộc đời em, mỗi lần tên em vang lên, em sẽ được nhắc nhở rằng bất kể em học được cái gì, đạt được cái gì, nó chỉ có ý nghĩa nếu em có thể phục vụ cộng đồng và đất nước mình”.

Ngoài ra, một thông điệp khác mà Tôn Nữ muốn gửi gắm trong bài luận này: đời sống văn hóa của mỗi người Việt Nam nói riêng hay người Phương Đông nói chung được thể hiện từ những điều nhỏ nhất, có thể bắt đầu chỉ là những cái tên.

Hay mới đây nhất, ĐH Stanford danh giá vừa nhận một nam sinh chỉ viết đúng một câu duy nhất trong bài luận của mình.

Khi được hỏi: “Điều gì quan trọng với bạn và tại sao?”, nam sinh người Hồi giáo Ziad Ahmed đã đưa ra một câu trả lời hết sức ngắn gọn và rõ ràng: “Mạng sống của người da đen”.

Câu trả lời cho thấy mối quan tâm sâu sắc của Ziad tới tình trạng phân biệt chủng tộc, kỳ thị người Hồi giáo ở Mỹ trong bối cảnh hiện tại. Ziad cho rằng chính quyền đang sử dụng lực lượng cảnh sát một cách thái quá để giết hại những người da đen và tất cả những người Hồi giáo như cậu đều đang bị xã hội nhìn với ánh mắt kỳ thị và “dán nhãn”.

Trường hợp của Ziad một lần nữa cho thấy những câu chuyện thực, những mối quan tâm thực, khát khao phục vụ cộng đồng và thay đổi xã hội là điều mà các “ông lớn” của giáo dục Mỹ luôn đánh giá cao.

  • Nguyễn Thảo (tổng hợp)