Hai vùng Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraina đã tổ chức trưng cầu dân ý muốn độc lập khỏi Kiev. Thực tế này dẫn tới ba khả năng khác nhau sẽ xảy ra ở đất nước này, theo báo Times Herald.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Hỗn loạn leo thang

Có thể có một cơ hội lớn để các vùng này tách khỏi Kiev và có thêm lý do cho Moscow nghi ngờ tính hợp pháp của chính phủ Ukraina hiện nay. Báo Times Herald trích dẫn nhận định này của Andrew Weiss, một chuyên gia về Nga và Ukraina ở Nhà Trắng thời Tổng thống Bill Clinton và là phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình quốc tế Carnegie.

Hoạt động ủng hộ Kiev chống lại phe li khai trong thời gian qua đã làm hơn 40 người thiệt mạng trong các vụ đụng độ trên đường phố và trong vụ phóng hỏa tòa nhà công quyền ở Odessa. Ở Mariupol cũng chứng kiến cái chết của ít nhất 20 người

"Điều này sẽ không giúp chính quyền Kiev giành được đồng minh ở miền đông và làm gia tăng áp lực về một sự can thiệp của Nga", ông Weiss nói thêm. 

{keywords}
Tình hình ở miền đông Ukraina ngày càng căng thẳng.


Bầu cử tổng thống Ukraina bị phá vỡ ở miền đông

Phe li khai ở miền đông nhiều khả năng sẽ phá hỏng hoặc làm tê liệt cuộc tổng tuyển cử vào ngày 25/5 tới, sự kiện vốn có mục đích chứng tỏ Ukraina vẫn thống nhất đằng sau một chính quyền trung ương ở Kiev, theo Janusz Bugajski, một thành viên cấp cao của Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu ở Washington. 

Phe li khai "không coi chính phủ ở Kiev hợp pháp, vì vậy họ sẽ không coi kỳ bầu cử là hợp lệ", ông Bugajski phân tích thêm. "Có thể họ sẽ tìm cách ngăn cản việc thiết lập các trạm bỏ phiếu, đe dọa các thành viên ủy ban bầu cử, bao vây đường sá và các giám sát viên. Họ sẽ khởi xướng bạo lực nhằm vào những người đó".

Nếu các quan chức Ukraina dùng vũ lực để đảm bảo bầu cử thì có thể dẫn tới giao chiến rộng khắp, tạo cớ cho Nga can thiệp bằng cách điều quân đến trong vai trò lực lượng gìn giữ hòa bình.

Nga từng hành động như vậy ở vùng Transnistria của Moldova năm 1992, khi phe thân Nga ở đó xung khắc với một chính phủ trung ương thân phương Tây. Quân Nga giờ vẫn có mặt ở đó.  

Ngay cả nếu các cuộc bầu cử tổng thống diễn ra ở miền đông thì phe li khai cũng khó mà chấp nhận kết quả bỏ phiếu, Giáo sư Angela Stent của trường Đại học George Washington nhận định. Theo ông, một viễn cảnh như vậy càng khiến Ukraina khó khăn trong việc thực hiện chức năng của một nhà nước.

Đàm phán về tự trị

Tất cả các ứng viên Tổng thống tham gia tranh cử đều tuyên bố ủng hộ quyền tự trị lớn hơn cho các vùng miền ở Ukraina, trong đó có miền đông, và tất cả các bên đều nhất trí đối thoại để giải quyết xung đột. 

Tuy nhiên, ông Bugajski cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ mục tiêu của phe li khai và của Nga cho những cuộc đối thoại như vậy không phải là quyền điều hành giới hạn ở địa phương, vốn là điều mà chính phủ ở Kiev và phương Tây chấp nhận.  

Thanh Hảo