Ngày 29/5, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định khởi tố vụ án tại dự án khu dân cư Tân Thịnh xây gần 500 căn nhà trái phép, để điều tra về hành vi "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Đây là dự án do CTCP đầu tư LDG (LDG) làm chủ đầu tư.
Dự án được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận chủ trương và giới thiệu địa điểm để đầu tư vào năm 2016, với tổng diện tích khoảng 18,22ha. Năm 2018, UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận chủ trương cho LDG đầu tư xây dựng khu dân cư tại xã Đồi 61.
Theo kết luận thanh tra, LDG chưa thực hiện thủ tục xin giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và chưa được cấp giấy phép xây dựng để thực hiện đầu tư xây dựng dự án. Nhưng từ năm 2018-2020, chủ đầu tư đã tổ chức thi công đường giao thông, công viên cây xanh, hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thoát nước thải, hệ thống cấp nước và hệ thống cấp điện…
Với thông tin kết luận thanh tra, một số cá nhân liên quan có dấu hiệu tội hình sự.
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu LDG phải bổ sung các thủ tục còn thiếu về hoạt động xây dựng, thủ tục đất đai và các thủ tục pháp lý liên quan để sớm hoàn thiện các thủ tục hành chính theo quy định và báo cáo cơ quan chức năng liên quan về tiến độ thực hiện. Đồng thời, không được thực hiện bất kỳ giao dịch nào của dự án đến khi hoàn thành các thủ tục liên quan việc bán nhà hình thành tương lai.
“Trắng ghế” cổ đông lớn
CTCP Đầu tư LDG chính thức ra đời bằng việc đổi tên từ CTCP Địa ốc Long Điền vào năm 2015. Vốn điều lệ tăng từ 50 tỷ đồng lên 750 tỷ đồng và niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM.
Năm 2016, Lê Kỳ Phùng, Chủ tịch HĐQT và là người sáng lập LDG rút lui. Người thay thế ông Phùng là ông Nguyễn Khánh Hưng, khi đó là thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (Tập đoàn Đất Xanh hiện tại).
Từ thời điểm đó, Đất Xanh là nhóm cổ đông lớn nhất tại LDG Group. Cũng từ đó, LDG Group bị coi là "cái bóng" của Tập đoàn Đất Xanh.
Từ năm 2017, LDG bước vào phân khúc căn hộ ở TP.HCM khi tung ra thị trường các dự án căn hộ mang thương hiệu Intela như Saigon Intela, High Intela và West Intela. Ngoài ra còn có các dự án ở các tỉnh lân cận.
Có một điểm đáng lưu ý, LDG hiện không còn có cổ đông lớn - một hiện tượng hiếm gặp trong số cả nghìn doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung.
Công ty LDG “trắng ghế” cổ đông lớn sau khi Chủ tịch HĐQT Nguyễn Khánh Hưng bị bán giải chấp thêm gần 5 triệu cổ phiếu trong 2 ngày 18-19/5.
Theo báo cáo thường niên 2022, ông Hưng là cổ đông lớn duy nhất của LDG nắm giữ 7,23% vốn vào thời điểm cuối năm ngoái.
Từ đầu năm tới nay, ông Hưng bị bán giải chấp cổ phiếu nhiều lần. Ngày 13-14/4, ông Hưng cũng bị bán giải chấp hơn 3,5 triệu cổ phiếu LDG sau khi kết quả Thanh tra dự án “xây chui” tại Đồng Nai được công bố.
Tháng 11/2022, ông Hưng bị bán giải chấp nhiều triệu cổ phiếu LDG. Trong vòng 5 ngày, ông Hưng bị bán giải chấp 7,7 triệu cổ phiếu LDG. Chủ tịch LDG ghi rõ, đây là giao dịch bán giải chấp cổ phiếu LDG của công ty chứng khoán.
Theo báo cáo tài chính, tới cuối năm 2022, tồn kho dự án khu dân cư Tân Thịnh là 463,5 tỷ đồng, chiếm 38,4% tổng tồn kho của LDG. Đây là dự án có giá trị tồn kho lớn nhất của doanh nghiệp này.
Giữa năm 2020, Đất Xanh đã thoái vốn khỏi LDG. Theo đó, DXG quyết định bán toàn bộ gần 63 triệu cổ phiếu, tương ứng 26,27% vốn tại LDG. Cùng lúc, công ty con của DXG là Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Hà Thuận Hùng cũng đăng ký bán toàn bộ hơn 25 triệu cổ phiếu LDG, tương đương 10,45% vốn điều lệ của Đầu tư LDG. Tổng cộng nhóm đông Đất Xanh bán 88 triệu cổ phần LDG, tương ứng 36,72% vốn điều lệ tại LDG và lỗ hàng trăm tỷ đồng.
Đây là một diễn biến khá bất ngờ bởi khoản đầu tư vào LDG được xem là khoản đầu tư chiến lược của Đất Xanh (DXG). LDG có ngành nghề đầu tư phát triển bất động sản, tương tự như Đất Xanh và cũng triển vọng khá tốt với việc sở hữu nhiều dự án lớn.