Thiếu tá Trần Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu dân cư quốc gia, cho biết: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng với mục đích trở thành một cơ sở dữ liệu dùng chung, cung cấp thông tin công dân cho các bộ, ngành, địa phương phục vụ công tác quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân.

Thiếu tá Trần Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu dân cư quốc gia. 

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cung cấp các thông tin cơ bản về người dân một cách chính xác, nhất quán. Quyền tiếp cận, khai thác thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia giúp công dân giảm thời gian chuẩn bị đơn, tờ khai; không phải xuất trình, nộp bản sao, bản sao có chứng thực giấy tờ công dân.

Hiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được kết nối với cơ sở dữ liệu của 13 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước, và 63 tỉnh, thành, góp phần giảm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm về chi phí hành chính cho người dân. Quy mô dân số được ghi nhận trên hệ thống đạt 104 triệu dân, thì tính đến 12/5/2023, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã xử lý 935.148.051 nhu cầu chứng minh về nhân thân để phục vụ việc làm sạch dữ liệu trong các giao dịch hành chính công của người dân.

Dựa trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Bộ Công an đã xây dựng thành công hệ thống định danh và xác thực điện tử, tạo công cụ để người dân có thể thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử, đảm bảo tin cậy, chính xác, nhanh chóng, đơn giản, tiết kiệm, hiệu quả.

Việc tích hợp các loại giấy tờ vào tài khoản định danh điện tử giúp công dân giảm thiểu các giấy tờ tùy thân, chỉ cần sử dụng ứng dụng định danh điện tử quốc gia là có thể đảm bảo thông tin về giấy tờ đã được tích hợp đầy đủ hiệu lực pháp lý để sử dụng thay thế giấy tờ vật lý truyền thống cũng như sử dụng trên môi trường điện tử.

Qua đó, tạo tiện ích giúp công dân có thể cung cấp, chia sẻ thông tin của mình với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thông qua quét mã QR code hoặc giải pháp kỹ thuật khác, đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, bảo mật, tin cậy. 

“Hệ thống định danh và xác thực điện tử sẽ góp phần xây dựng hệ sinh thái, tạo tiện ích cho người dân trên mọi lĩnh vực như: dịch vụ công, dịch vụ thương mại điện tử, nền tảng thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt… Thông tin luôn được cập nhật, đảm bảo dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Người dân sẽ thuận lợi hơn trong việc thực hiện các quyền của công dân số”, Thiếu tá Thiếu tá Trần Duy Hiển nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu dân cư quốc gia, ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia đã ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06).

Qua một năm triển khai thực hiện, năm 2022, với vai trò là Tổ trưởng Tổ công tác, Bộ Công an đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai Đề án 06 và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Có thể điểm lại một số điểm nhấn quan trọng như: Ứng dụng Cơ sở dữ liệu dân cư và căn cước công dân gắn chip để Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai đăng ký dự thi trực tuyến cho gần 1 triệu thí sinh (đạt tỷ lệ 93,1%), góp phần tiết kiệm gần 50 tỷ đồng cho học sinh không phải sử dụng ảnh thẻ dán vào hồ sơ, không cần mua hồ sơ giấy, giúp cha mẹ học sinh không phải nghỉ làm, giảm tình trạng tai nạn giao thông.

Cùng với đó, Bộ Công an đã ứng dụng Cơ sở dữ liệu về dân cư để tham mưu với Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành, hoạch định chính sách về phân luồng mũi tiêm cho Bộ Y tế, đánh giá độ tuổi đi học nhằm giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nguồn lực về giáo viên, cơ sở vật chất...

Có thể nói, với hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư và hệ thống định danh điện tử, người dân có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện các quyền và thụ hưởng thêm nhiều lợi ích trên môi trường số.

Tuyết Nhung và nhóm PV, BTV