Hôm nay (14/3) là ngày thứ 3 chị Hoài (Đan Phượng, Hà Nội) chăm con nhiễm RSV ở khoa Hồi sức hô hấp thuộc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương. Người mẹ này cho biết chỉ sau nửa ngày con gái 3 tháng tuổi có biểu hiện ho khò khè, chị lập tức đưa con đi khám. Sau khi kiểm tra cho bé, bác sĩ chỉ định nhập viện ngay.

BS Lê Thanh Chương, Trưởng Khoa Hồi sức hô hấp, cho biết bé bị viêm phổi nặng, suy hô hấp nặng, phải hỗ trợ hô hấp bằng thở C-PAP.

Riêng tại khoa Hồi sức hô hấp, thời điểm này phải bố trí 4 phòng dành cho bệnh nhi RSV nặng, 23 giường luôn kín. Ảnh: Võ Thu

Theo bác sĩ Chương, bệnh nhân được luân chuyển liên tục. Trường hợp đã qua cơn nguy kịch sẽ được chuyển về tuyến dưới hoặc các cơ sở y tế khác dành chỗ cho bệnh nhân nặng mới vào.

"Bệnh nhân RSV có thể nặng lên rất nhanh trong 3-5 ngày đầu. Nếu điều trị tốt, sau ngày thứ 5, sức khỏe bệnh nhân sẽ cải thiện, ngược lại có thể bị bội nhiễm vi khuẩn khác", bác sĩ Chương cho hay. 

PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, thông tin trong ngày 14/3 có 30 bệnh nhi mắc RSV đang điều trị, chiếm 20% tổng bệnh nhi toàn trung tâm. 

Thống kê của cơ sở y tế này cũng cho thấy số ca mắc virus hợp bào hô hấp (RSV) có xu hướng gia tăng. Từ đầu năm 2023 đến nay, bệnh viện ghi nhận hơn 1.100 ca nhiễm RSV. Trong tuần đầu tháng 3, hơn 160 ca mắc mới. 

Theo bà Hanh, bệnh nhân nhiễm RSV có thể xuất hiện quanh năm, nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy đỉnh dịch sẽ rơi vào tháng 3 và tháng 8 hằng năm. Vào thời điểm đỉnh dịch, số bệnh nhân viêm phổi do RSV có thể tăng tới 20-30%.

Bệnh nhân viêm phổi có nhiễm RSV ngay khi vào Trung tâm Hô hấp sẽ được chuyển vào 5 phòng cách ly, điều trị riêng, tránh lây nhiễm chéo. Ảnh: Võ Thu 

Theo vị chuyên gia này, hầu hết bệnh nhân RSV vào Trung tâm Hô hấp đều có biểu hiện viêm phổi, ho, sốt, khó thở. Một số bệnh nhân nặng bị suy hô hấp, có rút lõm lồng ngực, tím tái, độ bão hòa oxy trong máu (SpO2) giảm. 

Các bác sĩ phải nhanh chóng đưa ra phác đồ chống suy hô hấp, bằng mọi cách cung cấp đủ oxy cho bệnh nhân… Trường hợp bị bội nhiễm sẽ được dùng kháng sinh, bù đủ nước, điện giải, dịch và cung cấp đủ dinh dưỡng.

Giống nhiều virus gây bệnh đường hô hấp khác, RSV có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn có chứa virus được thải ra qua ho, hắt hơi lên mắt, mũi, miệng. Ngoài ra, người khỏe mạnh có thể bị lây bệnh khi tiếp xúc các bề mặt, vật dụng có chứa virus. Việc thơm, hôn, mớm thức ăn cũng có thể làm lây lan virus.

Theo các bác sĩ, virus hợp bào hô hấp RSV có thể gây viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm đường hô hấp trên. Nếu được chẩn đoán sớm và kịp thời, bệnh nhân sẽ khỏi bệnh trong 5-7 ngày, không để lại di chứng.

Tuy nhiên, một số trẻ có bệnh nền suy giảm miễn dịch, đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai, có bệnh loạn sản phế quản phổi, tim bẩm sinh, khi nhiễm RSV nếu không điều trị kịp thời có nguy cơ diễn biến nặng, thậm chí tử vong. Nhiều bệnh nhân phải điều trị dài ngày.

Khi mới khởi phát, trẻ nhiễm RSV có thể xuất hiện triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi. Ở giai đoạn toàn phát, bệnh nhân thở khò khè, ho, thở nhanh. Trẻ sơ sinh có thể tím tái hoặc có cơn ngừng thở. Bác sĩ khuyến cáo cần đưa trẻ đi viện ngay khi có biểu hiện sốt cao, co giật; tím tái; bú kém, kém ăn; thở nhanh rút lõm lồng ngực...