Ngày 5/12, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 (Ban Chỉ đạo của Chính phủ) vừa ký ban hành kế hoạch sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.

Trong đó, Ban Chỉ đạo của Chính phủ thống nhất dự kiến tên gọi mới của 5 bộ sau khi hợp nhất và tiến độ tinh gọn bộ máy.

nguyenhoabinh.jpg
Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu tài phiên họp Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 vào ngày 30/11. Ảnh: Nhật Bắc

Dự kiến hợp nhất 10 bộ thành 5 bộ

Kế hoạch của Ban Chỉ đạo của Chính phủ đề ra định hướng cơ cấu, sắp xếp và hợp nhất 14 bộ, cơ quan ngang bộ, trong đó dự kiến tên gọi của 5 bộ khi hợp nhất.

Cụ thể, hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Tên bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển (thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư). 

Hợp nhất Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng. Tên bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Phát triển Hạ tầng hoặc Bộ Giao thông và Xây dựng đô thị, nông thôn (thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng). 

Hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tên bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường.

Dự kiến bộ này thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khắc phục được một số giao thoa trong thực hiện nhiệm vụ quản lý về nguồn nước, lưu vực sông và đa dạng sinh học. 

Hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ. Tên bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Khoa học, Công nghệ và Chuyển đổi số hoặc Bộ Khoa học, Công nghệ, Chuyển đổi số và Truyền thông. Bộ này thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Hợp nhất Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ thành Bộ Nội vụ và Lao động và chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Bộ Y tế. 

8 bộ, ngành còn lại thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong, gồm: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 

Như vậy sau khi sắp xếp, hợp nhất, dự kiến tổ chức bộ máy của Chính phủ còn 13 bộ, giảm 5 bộ so với hiện hành.

Đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan:

Thành lập Ban Chỉ đạo do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan đứng đầu để chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ.

Đối với các Bộ thực hiện phương án hợp nhất, đề nghị thành lập Ban Chỉ đạo chung do đại diện lãnh đạo của 2 Bộ đồng chủ trì để chỉ đạo trong việc xây dựng Đề án hợp nhất 2 Bộ.

Đề xuất các chế độ, chính sách bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức

Theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương, các bộ, ngành có trách nhiệm xây dựng báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 và gửi về Ban Chỉ đạo Trung ương trước ngày 31/12/2024 (bao gồm cả báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ). 

Để bảo đảm tiến độ xây dựng báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ, Bộ Nội vụ đề xuất với Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành hoàn thành báo cáo, gửi về Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ trước ngày 15/12/2024. 

Bộ Nội vụ sẽ chủ động xây dựng báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ trên cơ sở Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 18 và cập nhật kết quả của 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18 (tính đến ngày 30/9/2024). 

Sau khi nhận được báo cáo của các bộ, ngành, Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp, rà soát và hoàn thiện báo cáo, trình Ban Cán sự đảng Chính phủ vào ngày 25/12/2024 để kịp gửi Ban Chỉ đạo Trung ương vào ngày 31/12/2024. 

Các Phó Thủ tướng sẽ trực tiếp chỉ đạo sắp xếp hợp nhất các bộ; đồng thời trực tiếp chỉ đạo sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy với các bộ, ngành, cơ quan còn lại theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan được giao theo dõi, chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo của Chính phủ giao các bộ, ngành, cơ quan chủ động phối hợp xây dựng đề án, phương án cụ thể, đề xuất sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế (hoặc kết thúc hoạt động) theo yêu cầu định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ.

Bộ Nội vụ được giao nhiệm vụ đề xuất các chế độ, chính sách bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy (hoàn thành trước ngày 10/12/2024).

Bộ Tài chính được giao hướng dẫn xử lý tài chính, ngân sách, tài sản công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Chính phủ (hoàn thành trước ngày 10/12/2024).

Ban Chỉ đạo của Chính phủ yêu cầu, việc sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với giảm biên chế cán bộ, công chức, viên chức và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, xây dựng và giải quyết chế độ chính sách với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.

"Bộ máy đông quá, dân không chịu nổi"

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp nhấn mạnh, muốn tinh gọn bộ máy, giảm biên chế thì phải phân cấp, phân quyền. Tinh giảm là gấp rút rồi, bộ máy đông quá, dân không chịu nổi.