- Lần đầu tiên, bản tình ca chứa đựng nhiều kỉ niệm day dứt về mối tình cuối cùng và sâu đậm nhất của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn dành cho cô ca sĩ xinh đẹp nổi tiếng Hà thành được chính thức thu âm, phát hành.

Nghe Tùng Dương, Thanh Lam hát Đoàn Chuẩn

"Một gói nho khô, một cánh pensée"

Một cuộc đời sáng tác chưa trọn 20 ca khúc, nhưng đã đặt Đoàn Chuẩn trở thành một trong những nhạc sĩ được yêu mến nhất của dòng nhạc trữ tình/ tiền chiến, bên cạnh những Trịnh Công Sơn, Nguyễn Ánh Chín, Ngô Thụy Miên.. Sáng tác của ông phần lớn xoay quanh những bóng hồng đã đi qua cuộc đời người nghệ sĩ nổi tiếng về tính cách phong lưu và hào hoa này - mà theo lời kể của con trai ông, nghệ sĩ Đoàn Đính - có thể so sánh như công tử Bạc Liêu ở miền Bắc thời bấy giờ.


Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thời trẻ (trực diện) và người bạn thân của ông - nhiếp ảnh gia Từ Linh

Mang cái tên lạ lẫm "Một gói nho khô, một cánh pensée" được sáng tác năm 1955, là bài hát chưa từng được thu âm cho đến thời điểm hiện tại. Ca khúc này chỉ mới được biểu diễn live tại đêm nhạc “Lá đổ muôn chiều” (2009) - đêm nhạc tôn vinh sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Ngay sau đó, rất nhiều khán giả đã bị ấn tượng bởi vẻ đẹp và sự mê đắm của ca khúc này, nhưng không thể tìm nghe lại nó.

Bài hát miêu tả về một mối tình rất lớn và sâu đậm - là sự gặp nhau của "Anh ngàn năm như núi lửa. Em ngàn năm như giếng dầu"... lẽ ra sẽ bùng cháy mãnh liệt và dữ dội.... Nhưng rồi, đó cũng lại là một mối tình cao thượng khi họ chọn lựa sự chia lìa "Nên đành thôi chia mái đầu, tránh cho nhau....". Khi đó nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã có gia đình.

Từng câu từng chữ trong bài hát đầy ắp những ví von, ẩn ý, ẩn tình và giằng xé: "Chỉ có tim anh lẩn tránh tim em. Đập mãi không quên."


"Một gói nho khô, một cánh pensée" (Đoàn Chuẩn) - Tuấn Hiệp, Thái Thùy Linh

"Một gói nho khô, một cánh pensée" nằm trong tập "Những bài hát bị xé" - một loạt những bản thảo ông viết tặng người con gái đặc biệt ấy. Sau sự bỏ qua của nhiều ca sĩ với bản thảo này, ca sĩ Tuấn Hiệp và Thái Thùy Linh đã trở thành những người thu âm ca khúc lần đầu tiên. "Một gói nho khô, một cánh pensée" được trình bày theo thể thức song ca nam/nữ; phần âm nhạc được phối kiểu nhạc nhẹ mang âm hưởng thính phòng - vốn là tư duy làm nhạc quen thuộc trên thế giới nhưng cũng đủ mới lạ với âm nhạc Việt của thập niên 50-60.


Ca sĩ Tuấn Hiệp

và ca sĩ Thái Thùy Linh


 "Những bài ca bị xé" và mối tình sâu đậm

NS Đoàn Chuẩn - năm 1950
Nhiều người nói rằng những tình khúc mùa thu của Đoàn Chuẩn là những trang nhật ký của những mối tình. Phải yêu đến mức bất chấp mọi nguy hiểm, ở trên mọi ràng buộc mới có thể thốt lên những giai điệu si tình đến thắt lòng người như vậy. Đoàn Chuẩn đã phiêu diêu qua những cung bậc yêu đương nồng cháy và nóng bỏng đến độ phải thốt lên những giai điệu lạ lùng trong tập “Những bài hát bị xé” mà đến nay còn nhiều người chưa được thưởng thức. Đấy là mối tình cuối cùng sâu đậm nhất trong trường tình Đoàn Chuẩn.

Thanh Hằng là con gái đầu lòng của một viên chức hỏa xa kháng chiến, cha nàng là tự vệ chiến đấu nội thành. Khi rút ra chợ Đại, cha mang theo nàng mới 12 tuổi. Vài năm sau, nàng về lại Hà Nội với mẹ để cùng mẹ chăm sóc năm em dưới mình. Ở tuổi dậy thì, nàng đã tần tảo làm thuê, đánh máy chữ, đan áo len để có tiền góp với mẹ nuôi các em. Nàng đẹp đến kiêu sa và hát rất hay. Tình cờ, một nhạc công đài Pháp – Á đã phát hiện ra tài nghệ này của nàng. Và nàng đã đăng quang “vương miện thủ khoa” trong cuộc thi hát do đài Pháp – Á tổ chức. Chính lúc ấy, nàng mới biết tác giả những tình khúc mùa thu Hà Nội. Từ chỗ muốn nâng đỡ một tài năng trẻ, giúp cho học nhạc, giúp những sô diễn, tình cảm đã len lén vào hồn từ khi nào mặc dù xung quanh nàng biết bao vệ tinh bủa vây.

Tình cảm đang lãng mạn vậy thì đột nhiên nàng “biến” khỏi Hà Nội. Sự “biến” của nàng khiến Đoàn Chuẩn chống chếnh. Ông cảm thấy mất mát thực sự, xót xa trong cô đơn. Nhưng thực ra không phải nàng cố ý cho Đoàn Chuẩn “leo cây” mà vì người cha bị mất đột ngột ở vùng tự do. Chú nàng là đại đội trưởng vệ quốc đoàn đã cử liên lạc bí mật vào thành đón nàng ra ngoài vùng tự do vào cuối mùa xuân 1954, đúng thời điểm mở ra chiến dịch Điện Biên Phủ. Rồi nàng trở về cùng đoàn quân giải phóng thủ đô. Họ gặp lại nhau gấp gáp hối hả, như tìm lại một cái gì đó cùng đánh mất. Để rồi lại vĩnh viễn xa nhau.

Trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã nói: “Rồi những người tình sẽ ra đi. Rồi nhạc sĩ sẽ ra đi. Chỉ còn tác phẩm ở lại”.


  • Hồ Hương Giang