Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của Công ty Cổ phần VNG (mã: VNZ), doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.852 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước. 

Tuy nhiên, giá vốn bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của VNG tăng lần lượt 6,6% và 24%, cộng thêm một số khoản lỗ khác, dẫn đến tổng lợi nhuận sau thuế quý I/2023 âm hơn 90 tỷ đồng, giảm lỗ so với mức âm 130 tỷ đồng của quý I năm ngoái.

Như vậy, tính từ quý I/2022, đây là quý thứ 5 liên tiếp VNG có kết quả lợi nhuận âm.

Thời điểm cuối quý I/2023, tổng tài sản của VNZ đạt gần 8.980 tỷ đồng, nắm giữ hơn 2.100 tỷ đồng tiền mặt và 660 tỷ đồng các khoản tương đương tiền. Giá trị hàng tồn kho cuối kỳ giảm 9,2%, còn 80,6 tỷ đồng.

 VNG lỗ hơn 90 tỷ đồng quý I/2023. (Ảnh: VNG)

Nợ ngắn hạn tính đến thời điểm cuối quý I của VNZ gần 2.750 tỷ đồng. Vay nợ dài hạn cuối kỳ hơn 581 tỷ đồng, tăng 45% so với đầu năm.

Bên cạnh những mảng kinh doanh truyền thống, mấy năm trở lại đây VNG tích cực đầu tư sang mảng thương mại điện tử. Hiện, VNG có 3 công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực này.

Theo ghi nhận, khoản đầu tư vào Công ty thương mại điện tử xuyên biên giới OpenCommerce Group (OCG) của VNG chính thức xuất hiện với tư cách là khoản đầu tư vào công ty liên kết trên báo cáo tài chính với giá trị 117,3 tỷ đồng. 

OCG được thành lập với mã số đăng ký doanh nghiệp số 202140908D ngày 24/11/2021 và có trụ sở chính tại Singapore, hoạt động kinh doanh chính là thương mại điện tử. Tính đến ngày 31/03/2023, VNG nắm giữ 11,16% quyền sở hữu của OCG.

Trước OCG, VNG đã đầu tư vào các công ty làm về thương mại điện tử như Telio Pte, DayOne. Đặc biệt, khoản đầu tư vào Telio có giá trị lên tới 22,5 triệu USD, tương đương 515 tỷ đồng. Telio được giới thiệu là nền tảng thương mại điện tử B2B (doanh nghiệp tới doanh nghiệp) đầu tiên của Việt Nam, liên kết các đơn vị bán lẻ với các nhãn hiệu, nhãn hàng và đơn vị bán buôn thông qua một nền tảng tập trung.

Theo thỏa thuận hợp tác chiến lược, ngoài các hỗ trợ giúp tăng trưởng và mở rộng hoạt động kinh doanh, VNG cũng sẽ đồng hành cùng Telio trong việc tăng độ phổ biến của gian hàng trên nền tảng Zalo, giúp các đại lý dễ dàng số hóa các hoạt động đặt hàng và theo dõi đơn hàng.

Tuy vậy, khoản đầu tư này của VNG vẫn chưa đem lại hiệu quả. Đến hết quý I/2023, khoản đầu tư của VNG vào Telio đã lỗ lũy kế gần 90 tỷ đồng, tăng thêm hơn 9 tỷ đồng so với hồi đầu năm.

Về cổ phiếu, sau giai đoạn tăng sốc lên mức cao kỷ lục thị trường chứng khoán, đạt hơn 1,3 triệu đồng/cp, giá cổ phiếu VNZ quay đầu giảm, có lúc xuống dưới 700.000 đồng/cp.

Kể từ cuối tháng 3, cổ phiếu VNZ có thanh khoản nhỏ giọt, mỗi phiên khối lượng giao dịch chỉ vài trăm cổ phiếu.

Kết phiên ngày 4/5, cổ phiếu VNZ đạt 790.000 đồng/cp, giảm 39% so với mức đỉnh.