Giải pháp trọng tâm, hiệu quả

Những tháng qua, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên thị trường xuất khẩu các sản phẩm gần như bị đóng băng. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến gần như bị tê liệt trong việc xuất khẩu sản phẩm.

Để duy trì sản xuất, bảo đảm đời sống cho người lao động và bà con nông dân, đồng thời giữ vững được vùng nguyên liệu, các doanh nghiệp đã và đang thực hiện nhiều giải pháp “tự cứu” mình. Trong đó, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa đang được xem là giải pháp trọng tâm, hiệu quả giúp các doanh nghiệp và nhiều hộ dân trụ vững qua cơn bão dịch.

Tại Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam bộ và Tây Nguyên 2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu quan điểm, thị trường nội địa là rất quan trọng, với dân số hơn 100 triệu người nên cần được ưu tiên, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Khi xác định thị trường nội địa là trọng tâm sẽ từng bước tạo được thói quen tiêu dùng hàng Việt của người Việt, qua đó nâng cao uy tín hàng hóa trong nước, tiến tới giảm nhập khẩu các mặt hàng trong nước đang có lợi thế.

{keywords}
Khai thác tiềm năng thị trường nội địa

Ông Hà Văn Phong, Giám đốc HTX Nông trại 36, cho biết: Việc đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường nội địa đã giúp HTX xuất bán được 80% lượng gà đến kỳ xuất bán của các hộ chăn nuôi. Đây cũng là cơ hội để HTX giới thiệu sản phẩm gà ta đến người tiêu dùng nội địa, từ đó mở rộng quy mô liên kết sản xuất và chủ động được thị trường tiêu thụ trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, hiện các doanh nghiệp lớn cũng đang chú trọng vào thị trường nội địa. Trong tháng 5 và 6, Tập đoàn Central Retail Việt Nam (Hệ thống Big C) đã thu mua khoảng 500 tấn vải thiều Lục Ngạn Thanh Hà; 150 tấn dưa hấu, 140 tấn các mặt hàng nông sản khác để phân phối bán lẻ cho người tiêu dùng trong nước. Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam đã liên hệ với Bắc Giang, kế hoạch thu mua khoảng 300 - 500 tấn nông sản (vải, dứa, bí ngô, dưa hấu) tiêu thụ trên cả nước.

Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, các doanh nghiệp phân phối bán buôn, bán lẻ, đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có tính thời vụ cao tại thị trường nội địa. Các sản phẩm được mùa như xoài, nhãn của Sơn La, Hưng Yên… đang được Bộ Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ ở trong nước, tập trung vào thị trường phía Nam.

Hưởng ứng chủ trương kích cầu tiêu dùng nội địa, kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam theo đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên tiêu dùng hàng Việt Nam giai đoạn 202-2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sở Công Thương Hà Nội vừa công bố kế hoạch tổ chức 5 tuần hàng Việt xuyên suốt năm 2021 với quy mô mỗi tuần khoảng 100 gian hàng tiêu chuẩn. Tại đây, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội quảng bá sản phẩm, tổ chức khuyến mãi, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng.

Tại TPHCM, dự kiến sẽ có 2 đợt khuyến mãi tập trung nhằm tạo cú hích nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trước mắt, Sở Công Thương sẽ phối hợp cùng Sở Du lịch thiết kế các tour mua sắm, đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, giảm giá, kích cầu tại siêu thị, trung tâm thương mại.

Còn tại Đà Nẵng, thành phố biển cũng đã lên kế hoạch tổ chức chương trình “Giờ hạnh phúc - Happy hours” giúp doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ, khắc phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch. Doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ đồng loạt tung ra các chương trình ưu đãi, khuyến mãi dành cho khách hàng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, nhằm khôi phục lại tình hình sản xuất sau dịch Covid-19, toàn hệ thống chính trị đã tập trung thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, có biện pháp mạnh kích cầu, đẩy mạnh tiêu dùng. Trong đó, tập trung mạnh thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, để thực hiện mục tiêu kép là vừa phát triển kinh tế, vừa chủ động ứng phó dịch bệnh, nhanh chóng khôi phục và thúc đẩy thị trường trong nước phát triển thông qua các chương trình kích cầu tiêu dùng, việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa là nhiệm vụ cấp bách và có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay, tạo nền tảng thuận lợi cho tăng trưởng thời gian tới. Để làm được điều này, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công Thương và các cấp, ngành, đặc biệt là các địa phương trên cả nước. 

Để phát triển thị trường trong nước, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ để tạo ra sự kết nối chặt chẽ giữa người sản xuất và phân phối hàng hóa. Làm sao để hàng Việt Nam không phải tốn những chi phí, chiết khấu cao vô lý, phải đi vào siêu thị bằng "cửa sau".

Bên cạnh đó, cần phải xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối quốc gia đi đôi với các trung tâm dự trữ hàng hóa, nhà máy chế biến, hạ tầng giao thông, các dịch vụ logistics...

Cần sớm thiết lập hệ thống các chợ đầu mối nhằm đảm bảo cho hàng hóa sản xuất ra được giao dịch công khai, minh bạch trên thị trường, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác sản xuất kinh doanh, tiến tới hình thành các tập đoàn sản xuất kinh doanh lớn, đủ sức dẫn dắt thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài ngay ở thị trường nội địa.

Bài ảnh Thúy Nga