Mạng xã hội vẫn được xem là một trong những kênh tiếp cận chính (Ảnh: Internet) |
Mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm vẫn là hai nền tảng được doanh nghiệp đánh giá là đem lại hiệu quả cao trong hoạt động quảng bá trực tuyến. Các doanh nghiệp Việt Nam đang giành nguồn chi lớn cho hai kênh này.
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), tỷ lệ các doanh nghiệp tìm đến hình thức quảng cáo trên mạng xã hội vẫn tiếp tục tăng lên trong năm 2020.
Quảng cáo trực tuyến thông qua hai nền tảng là mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm tăng trưởng vượt qua các phương thức cũ đã là xu hướng trong hơn 4 năm trở lại đây. Đây cũng là hai phương thức chính được các doanh nghiệp đánh giá là kênh tiếp cận khách hàng hiệu quả nhất. Tuy nhiên, tỷ lệ chi tiêu cho quảng cáo trên hai nền tảng này đã bắt đầu có sự phân hóa so với vài năm trước.
Theo khảo sát, năm 2020, có tới 53% doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam quảng cáo website/ứng dụng di động thông qua các mạng xã hội. Tỷ lệ này tăng thêm 4% (so với con số 49% của năm 2019). Đây cũng được coi là nền tảng chính trong nhiều năm liên tiếp được doanh nghiệp ưu tiên sử dụng nhiều nhất.
Các kênh quảng cáo của doanh nghiệp TMĐT (Nguồn: Vecom) |
Đứng thứ 2 là quảng cáo trên các công cụ tìm kiếm. Tuy nhiên, tỷ lệ quảng cáo trên các công cụ tìm kiếm của các doanh nghiệp Việt Nam đã giảm từ 33% xuống còn 29% trong năm 2020. Đây là năm ghi nhận mức sụt giảm sau nhiều năm liền tăng trưởng ổn định.
Quảng cáo trên báo giấy và báo điện tử đã nhích tăng so với 2019 dù không đáng kể với tỷ lệ lần lượt là 14% và 15%. Trong khi truyền hình giảm nhẹ với tỷ lệ 13%. Đặc biệt có tới 24% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, chưa sử dụng hình thức quảng cáo trực tuyến nào.
Một điểm nhấn đáng chú ý của thị trường quảng cáo năm 2020 đó là đa số các doanh nghiệp đều cắt giảm chi phí quảng cáo qua các phương tiện trực tuyến và ứng dụng di động.
Theo Vecom, trong năm qua có 57% doanh nghiệp cho biết, chỉ chi dưới 10 triệu đồng vào hoạt động quảng bá này. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp chi ngân sách cho quảng cáo trên 50 triệu đồng chỉ ở mức 10%. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm phần chi phí này.
Khảo sát năm 2020 cho thấy mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm vẫn là hai kênh hiệu quả nhất cho hoạt động quảng cáo trực tuyến. Có thể thấy, mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm trong nhiều năm trở lại đây đã dần trở thành hai nền tảng chính hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và cũng được coi là hai nền tảng đem lại hiệu quả tốt nhất so với các phương thức trực tuyến truyền thống khác như báo điện tử, tin nhắn và ứng dụng di động.
Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá hiệu quả cao các công cụ quảng cáo trực tuyến thông qua mạng xã hội cũng đã giảm xuống 41% (năm 2018 là 52%). Tương tự, hiệu quả của các công cụ quảng cáo trực tuyến qua các kênh tìm kiếm trong năm 2020 cũng giảm xuống 31% (so với con số 40% năm 2018). Một chuyên gia trong ngành cho biết, một phần nguyên nhân là do các kênh tiếp cận này đang ngày càng trở nên đắt đỏ hơn.
Với xu hướng thương mại điện tử phát triển ngày càng mạnh mẽ, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vẫn là hai thành phố dẫn đầu về mức chi ngân sách cho các hoạt động quảng cáo trực tuyến. Theo đó, có 35% doanh nghiệp ở Tp. HCM và 33% doanh nghiệp ở Hà Nội chi trên 50 triệu đồng cho hoạt động quảng cáo trực tuyến, mức chi này với các khu vực còn lại là rất thấp. Điều này cũng phù hợp với mức chênh lệch TMĐT giữa các địa phương hiện nay.
Duy Vũ
Facebook "năn nỉ" người dùng iOS cho phép lấy dữ liệu để quảng cáo
Ứng dụng Facebook sẽ hiển thị một hộp thoại với người dùng iPhone và iPad để đề nghị họ đồng ý cho phép Facebook thu thập thông tin về thiết bị nhằm hiển thị nội dung quảng cáo phù hợp cho người dùng.