Du lịch là một trong những lĩnh vực mũi nhọn của phát triển kinh tế Việt Nam tầm nhìn 2020-2025. Trong những năm qua, ngành du lịch trên đà phát triển mạnh mẽ nhưng bị ảnh hưởng không nhỏ do dịch Covid-19. Do đó, có nhiều vấn đề cần giải quyết để tăng doanh thu, cải thiện năng suất cả về chất lẫn lượng.
Nếu nâng cao được năng suất, doanh nghiệp có thể tận dụng tốt hơn nguồn lực đầu vào, đảm bảo hoạt động kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ. Tại tọa đàm mới đây, các chuyên gia đã đề xuất một số chính sách giúp nâng cao hiệu quả hoạt động cho các doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam.
Theo đó, doanh nghiệp du lịch có thể ứng dụng công nghệ trong bối cảnh chuyển đổi số tạo ra nền tảng phát triển cho mọi ngành nghề, lĩnh vực. Những công nghệ mới như du lịch thông minh, điểm đến thông minh cần được chú trọng. Khách du lịch cũng chủ động tiếp cận và chia sẻ thông tin thay vì bị động như trước kia.
Việc lựa chọn điểm đến và dịch vụ chịu tác động lớn từ mạng xã hội và ứng dụng trên smartphone. Lựa chọn đa dạng hơn đồng nghĩa các đơn vị kinh doanh phải nâng cao chất lượng dịch vụ. Do đó, ứng dụng công nghệ là điều kiện bắt buộc để cạnh tranh, tồn tại và phát triển.
Các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Việt Nam mới làm tốt trong khâu truyền bá, xúc tiến, còn doanh nghiệp ngoại vượt trội về dịch vụ trực tuyến như đặt phòng, thanh toán, khảo sát thị trường. Bên cạnh đó, cuộc CMCN 4.0 giúp doanh nghiệp có cơ hội ứng dụng công nghệ để thiết kế, điều chỉnh gói dịch vụ cá nhân hóa.
Điều tiếp theo là đảm bảo phát triển bền vững về năng suất chất lượng thông qua đảm mục hai mục tiêu: nối lại và hồi phục lượng khách du lịch quốc tế; phát huy tối đa và khai thác hiệu quả nguồn khách nội địa. Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong cả năm 2022 ước đạt 3,5 triệu lượt, bằng 70% chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. Lượng khách nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt, tăng gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra.
Các mục tiêu này chỉ đạt được khi doanh nghiệp du lịch đảm bảo năng suất lao động và chất lượng dịch vụ tại doanh nghiệp. Để nâng cao năng suất lao động, cần xây dựng tinh thần làm việc tập thể; ghi nhận nỗ lực và thành tích, hiệu quả công việc để tăng độc lực; cung cấp môi trường học tập không ngừng qua các khóa đào tạo định hướng, tiêu chuẩn dịch vụ. Tăng cường trao đổi, phản hồi, thực hiện chính sách cởi mở và thường xuyên đo lường hiệu quả, năng suất, chất lượng.