Chiều 8/12, Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2022 tiếp tục diễn ra với phiên thảo luận "Kết nối hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ công nghệ số Make in Việt Nam và nước ngoài". Phiên thảo luận có tham gia của lãnh đạo Bộ TT&TT và nhiều doanh nghiệp công nghệ số nhằm thảo luận về các giải pháp nhằm kết nối hệ sinh thái sản phẩm số Việt Nam và nước ngoài trong bối cảnh hiện nay.

Doanh nghiệp Việt Nam cùng xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số

Theo ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban CNTT Tổng công ty Viễn thông MobiFone. Bên cạnh hạ tầng số truyền thông, MobiFone hiện đang cung cấp nội dung số, giải pháp số. Các nền tảng chuyển đổi số quốc gia nổi bật có thể kể đến như MobiEdu, nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới, nền tảng du lịch thông minh… phục vụ cho chuyển đổi số của các doanh nghiệp, tổ chức và địa phương.

Ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban CNTT Tổng công ty Viễn thông MobiFone

Ở lĩnh vực đô thị thông minh, ông Phạm Lê Minh - Giám đốc điều hành khối IoT Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang cũng cho biết đơn vị này đã phát triển thành công giải pháp đô thị thông minh Điện Quang Smart City Solutions, do các kỹ sư người Việt tự chủ nghiên cứu phát triển.

Trong khi đó, một hệ sinh thái nền tảng nông nghiệp số Việt Nam cũng được Công ty Rynan Technologies phát triển với khát vọng phát triển sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam giải quyết bài toán nông nghiệp thông minh của đất nước.

Tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp cũng đưa ra nhiều đề xuất tới các cơ quan quản lý. Theo ông Nguyễn Tuấn Huy, đại diện MobiFone kỳ vọng Bộ TT&TT sẽ kết nối để giúp doanh nghiệp có cơ hội triển khai nền tảng chuyển đổi số tới nhiều bộ ngành, doanh nghiệp trên toàn quốc. Từ đó, nền tảng chuyển đổi số quốc gia sẽ lan toả hơn.

Ông Peter Huỳnh, CEO Sun Electronics Group

Ông Peter Huỳnh, CEO Sun Electronics Group cho rằng cần thúc đẩy hợp tác giữa kỹ sư trong nước và quốc tế. “Yêu cầu cấp bách đầu tiên là cần xây dựng nền tảng cho đội ngũ kỹ sư. Cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng việc cử kỹ sư Việt Nam đi thực tế ở nước ngoài, đến trực tiếp các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất để học hỏi kinh nghiệm thực tế, tiếp thu kỹ thuật hiện đại với các kỹ sư Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài", ông Huỳnh nói.

Hỗ trợ doanh nghiệp Việt đủ sức cạnh tranh
 
Theo ông Huỳnh Long Thủy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VieON, hệ sinh thái nội dung số Việt Nam đang đối diện với nguy cơ bị kiểm soát và “thua” ngay trên sân nhà khi nhiều dịch vụ nghe nhìn, văn hóa bị kiểm soát bởi nhà đầu tư nước ngoài, và hầu hết những nội dung trên các ứng dụng OTT ngoại đều không được kiểm duyệt.

Ông Huỳnh Long Thủy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VieON

Để cạnh tranh với nội dung và nền tảng nước ngoài này, ông Thuỷ cho rằng cần đẩy mạnh các nền tảng OTT trong nước do Việt Nam kiểm soát, tăng sự hiện diện trên mọi thiết bị để giúp người Việt tiếp cận tốt hơn. Lấy ví dụ từ VieON, nền tảng này thường đẩy mạnh sáng tạo nội dung thuần Việt, chiếm lĩnh nền tảng social để dẫn về nền tảng tự chủ OTT, như thông qua chiến lược dùng best cut để dẫn dắt khán giả từ Youtube về OTT.
 
Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển công nghiệp điện tử

Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, trong 5 năm gần đây, ngành công nghiệp điện tử đóng góp lớn cho tổng kim ngạch xuất khẩu điện tử, đóng góp lớn vào việc cân bằng ngoại hối và cán cân thương mại cả nước. Tốc độ tăng trưởng trung bình lên tới 13% mỗi năm.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam

Trong bối cảnh thị trường chung bị biến động, nhiều nhà đầu tư đang chuyển hướng sang thị trường thứ ba. Chuỗi cung ứng toàn cầu được định hình lại theo xu hướng dịch chuyển nguồn cung để giảm phục thuộc vào một quốc gia.

Bà Hương cho rằng, Việt Nam có cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; tăng xuất khẩu sang các thị trường khó tính; tăng cường thu hút FDI. Bên cạnh đó, các nước lớn cũng đang đẩy mạnh liên kết kinh tế song phương, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư.

Tuy nhiên, theo bà Hương ngành cũng có nhiều thách thức trong đó phải kể đến chính sách không thể theo kịp sự thay đổi của thói quen và phương thức tiêu dùng. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải kịp thời điều chỉnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài để đảo bảo dòng vốn FDI. Những lần đưa doanh nghiệp ra nước ngoài mới thấy doanh nghiệp Việt không có nhiều sự giúp đỡ.

Nguy cơ tụt hậu xa hơn do phát triển quá nhanh của công nghệ 4.0. Do đó, Việt Nam buộc phải thay đổi, sáng tạo. Bên cạnh đó, Việt Nam còn thiếu nguồn lực lành nghề, tài chính công nghệ để tiếp cận giá trị công nghệ tiên tiến.

Các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, khai thác không bền vững thiên nhiên hay tạm thời thiếu vật liệu linh kiện cũng ảnh hưởng đến thị trường.

Để giải quyết vấn đề này, bà Hương khuyến nghị Chính phủ cần tập trung đầu tư vào các công ty hàng đầu, vừa và nhỏ. Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh số hoá. Về chính sách, cần cải thiện môi trường kinh doanh trong nước, thúc đẩy chuyển đổi số. Tận dụng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam. Đồng thời, có chiến lược thu hút FDI có chọn lọc.

Ảnh: Trần Sinh