Một trong những nội dung của dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành luật Phòng chống tham nhũng 2018 được Thanh tra Chính phủ (TTCP) đưa ra tham vấn lần đầu hôm nay là quy định xử phạt hành chính đối với hành vi tham nhũng và hành vi khác vi phạm luật này trong DN, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.
Theo đó, sẽ xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của DN, tổ chức mình nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự (đưa hối lộ dưới 2 triệu đồng).
Hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng bị đề nghị phạt từ 10-20 triệu đồng.
Mức phạt của các hành vi này sẽ tăng nặng từ 50-100 triệu đồng nếu có biểu hiện nhũng nhiễu; hoặc lợi dụng hoạt động từ thiện hoặc hoàn cảnh khó khăn của tổ chức, cá nhân khác để vi phạm; hoặc khi vi phạm nhưng có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm.
Ngoài ra, hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ; tham ô tài sản, nhận hối lộ nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng bị xử phạt từ 20-50 triệu đồng nếu vi phạm có tổ chức; vi phạm nhiều lần; tái phạm; hoặc xúi giục, lôi kéo, sử dụng, ép buộc người bị lệ thuộc vào mình về vật chất, tinh thần thực hiện hành vi vi phạm hành chính; hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm...
Trong DN cũng hay nhũng nhiễu
Giải thích thêm với VietNamNet, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, TTCP cho biết, "biểu hiện nhũng nhiễu" trong DN và khu vực ngoài nhà nước là hành vi diễn ra khá phổ biến giữa các DN với nhau.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó vụ trưởng vụ Pháp chế, TTCP |
"Ví dụ như nhà cung cấp tổ chức đấu thầu với nhau, muốn vào gói này phải thế nọ, thế kia. Đấy là biểu hiện xin xỏ", ông Tuấn Anh dẫn chứng.
Ông từng chứng kiến những vụ việc, đặc biệt là những người phụ trách về mua sắm, đấu thầu và kế hoạch của các tập đoàn lớn đối với các nhà cung cấp nhỏ thì câu chuyện nhũng nhiễu không phải là không có. Ví dụ như người ta nói: "Cái này khó lắm, phải thế nọ, thế kia".
"Nhũng nhiễu ở đây là khi người ta có quyền hành thì người ta làm khó dễ, gây phiền hà để được cái gì đó. Nói đơn giản như xin việc làm vào tập đoàn nào đó, người ta có quyền lực, gây khó khăn thì đó là nhũng nhiễu, vòi vĩnh", ông Tuấn Anh giải thích.
Giải thích về các mức phạt dự thảo đưa ra, ông cho hay: "Với các hành vi tham nhũng không tuân thủ liêm chính trong kinh doanh thì cần loại ra khỏi hoạt động kinh doanh nên xác định mức phạt tương đối nặng. Tất nhiên mức đó vẫn là tham khảo".
Sau khi lấy ý kiến, TTCP sẽ tiếp thu, điều chỉnh dự thảo cho phù hợp để trình Chính phủ ban hành.
Sẽ cấm quan chức 14 bộ kinh doanh trong ngành 2 năm đầu về hưu
Dự thảo lần đầu nghị định hướng dẫn thi hành luật Phòng chống tham nhũng dành hẳn 1 chương quy định thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn.
Thu Hằng