Dựa trên cơ sở ý kiến của nhiều doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có ý kiến góp ý về Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 23/2013/TT-BKHCN quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

VCCI nhận thấy, khi xây dựng Thông tư 23/2013/TT-BKHCN, cơ quan soạn thảo đã gộp chung quy định đối với phương tiện đo sử dụng cho mục đích công (bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, trong thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp và trong các hoạt động công vụ khác) và đối với các phương tiện đo sử dụng cho mục đích tư (định lượng hàng hoá, dịch vụ trong mua bán, thanh toán) với mức độ kiểm soát như nhau mà chưa có sự phân loại chi tiết.

Nhiều doanh nghiệp kêu tốn chi phí, thời gian để kiểm định. (Ảnh: TKTech)

VCCI cho rằng, điều này chưa thực sự hợp lý và gây ra những vấn đề bất cập trên thực tế. Cụ thể, đối với phương tiện đo sử dụng cho mục đích công, nếu có sai sót thì có thể gây nguy cơ mất an toàn, gây tai nạn hoặc sai sót công vụ. Do đó, việc kiểm soát các thiết bị đo này mới yêu cầu cần chặt chẽ.

Nhưng, ngược lại, đối với các phương tiện đo sử dụng cho mục đích tư, nếu có sai sót thì có thể dễ dàng khắc phục được, không cần chặt chẽ như đối với phương tiện đo cho mục đích công. Các biện pháp khắc phục có thể kể đến như điều chỉnh số tiền thanh toán, bổ sung hoặc trả lại lượng hàng hoá.

Ngoài ra, trong một giao dịch dân sự - kinh tế, các bên có thể có rất nhiều biện pháp khác để có thể bảo đảm sự chính xác của đo lường mà không nhất thiết phải sử dụng các cơ chế kiểm định từ tổ chức được cấp phép.

Theo phân tích của VCCI, đối với thiết bị đo dành cho mục đích tư chủ yếu nằm ở việc cố ý gian lận đo lường. Trong trường hợp này, nếu xử phạt khi không thực hiện kiểm định lại sẽ không hiệu quả bằng biện pháp xử phạt thật nghiêm khi có gian lận. Hơn nữa, Việc kiểm định thường xuyên sẽ gây tốn kém chi phí cho những người không gian lận, và không làm giảm hành vi cố ý gian lận.

VCCI cho hay, nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh việc phải tốn nhiều chi phí, thời gian để kiểm định các loại phương tiện đo trong khi tỷ lệ sai sót hầu như bằng không. Mỗi lần như vậy, doanh nghiệp phải dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, phải tháo thiết bị đo trong máy móc để mang đến tổ chức kiểm định hoặc mời kiểm định viên đến tận nơi với chi phí đắt đỏ.

Trên thực tế, ngay bản thân chính quyền một số địa phương cũng phản ánh sự khó khăn khi thực thi quy định này. Một số chi cục đo lường tại các địa phương đã phải tổ chức đoàn kiểm định cân miễn phí cho tiểu thương ở chợ. Kết quả các đợt kiểm định này cũng cho thấy tỷ lệ cân không đạt tiêu chuẩn khá thấp.

VCCI đề nghị, cơ quan soạn thảo phân loại mục đích sử dụng phương tiện đo theo mục đích công và mục đích tư như trên. Đồng thời, đối với phương tiện đo sử dụng trong mục đích tư thì bãi bỏ hoặc giảm tần suất kiểm định định kỳ. Thay vào đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về đo lường để phát hiện hành vi gian lận.