Với những doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa đầu tư mạnh về công nghệ, không có gì để mất, linh hoạt chuyển đổi, do đó dễ dàng chuyển đổi số hơn. Thay vì trang bị những thứ đắt tiền, lãnh đạo doanh nghiệp có thể chọn những công nghệ rẻ tiền, có khi miễn phí.
Trong toạ đàm giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng do Asus tổ chức hồi giữa tuần này, ông Eric Lee, Tổng giám đốc Asus Việt Nam, đánh giá nhờ quyết tâm của chính phủ, Việt Nam trở thành một trong ít quốc gia kiểm soát tốt dịch Covid-19. Trong khi cả thế giới giảm tăng trưởng, Việt Nam vẫn duy trì được mức GDP tăng 2,2%.
Trong bối cảnh hành vi người dùng thay đổi, doanh nghiệp nên nắm bắt cơ hội để chuyển đổi số.
Phát biểu trong phiên toạ đàm, ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch học viện Doanh Nhân MVV - cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để chuyển đổi số. Do “không có gì để mất”, các doanh nghiệp này có thể bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất để thay đổi công ty.
Ông Nguyễn Thanh Sơn (cầm micro): "Doanh nghiệp nhỏ không có gì để mất khi chuyển đổi số". (Ảnh: Hải Đăng) |
“Hiện nay, với chi phí rất rẻ, doanh nghiệp có thể sở hữu những hệ thống mà 10 năm trước phải bỏ cả triệu USD để đầu tư”, người đang đầu tư vào khoảng 20 công ty ở nhiều lĩnh vực chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phó Đức Giang – Giám đốc công ty TNHH Dịch vụ an toàn thông tin PwC Việt Nam - khuyên các doanh nghiệp vừa và nhỏ hãy nghĩ chuyển đổi số từ những thứ nhỏ nhặt nhất, không cần đầu tư quá nhiều. Ngoài ra, chuyển đổi số phải nhìn từ hai mặt.
Đầu tiên, về phía khách hàng, phải quan sát hành vi thay đổi của họ. Chẳng hạn giai đoạn hiện tại mọi người có xu hướng đưa mọi thứ lên online, mua bán qua mạng, đặt hàng qua ứng dụng. Đứng trước xu hướng như vậy doanh nghiệp phải thay đổi. Không thay đổi thì chết. Cứ cố bám vào những thứ mình đang làm mà không quan sát, thay đổi thì có nguy cơ thất bại.
Ông Phó Đức Giang (thứ hai từ phải qua) – Giám đốc công ty TNHH Dịch vụ an toàn thông tin PwC Việt Nam. (Ảnh: Hải Đăng) |
Về nội tại, doanh nghiệp phải thay đổi bằng cách tiết kiệm chi phí vận hành, làm sao để ứng dụng công nghệ vào quy trình làm việc. Nếu vẫn làm việc theo cách cũ sẽ không kịp thời thế.
Chẳng hạn, đẩy mạnh làm việc từ xa, sử dụng nền tảng đám mây, tự động hoá quy trình kinh doanh, đẩy bớt công việc sang cho máy để người làm việc khác… Khi đã tối ưu, có thể thuê văn phòng 10 người cho 30 người, phần lớn cho làm việc từ xa.
Ở giai đoạn bùng phát Covid-19 tại Việt Nam, ông Sơn cho biết đã làm việc với các công ty ông đầu tư, yêu cầu chuyển sang vận hành theo phương thức thời chiến. Đầu tiên, các công ty xác định phải có tiền mặt để duy trì hoạt động. Vì thế tính cực đòi tiền từ đối tác, thậm chí giảm giá nếu họ trả trước. Sau đó, xin giãn nợ, giảm giá từ các nhà cung cấp. Với cách này, hầu hết công ty có đủ tiền mặt hoạt động trong khoảng 12 tháng. Sau đó, xem xét lại chi phí hoạt động của các công ty. Ông Sơn cho biết sau rà soát, có công ty cắt giảm được 30% chi phí mà không ảnh hưởng tới hoạt động.
Cuối cùng, các công ty áp dụng những công nghệ rẻ tiền hơn để duy trì hoạt động. Trong giai đoạn hiện tại, ông Sơn cho rằng cần trang bị đủ phương tiện để nhân viên làm việc từ xa, đưa mọi thứ lên mây để dữ liệu được chia sẻ cho mọi người, đồng thời có biện pháp bảo mật trong quá trình làm việc.
“Chuyển đổi số tưởng xa nhưng rất gần. Doanh nghiệp phải thay đổi, chọn thay đổi từ những thứ nhỏ nhất. Không thay đổi thì “tiêu””, ông Giang phát biểu.
Hải Đăng
Chuyển đổi số sẽ đau thương, nhưng phải làm
Mọi thay đổi đều buộc doanh nghiệp phải chấp nhận "đau thương", bao gồm chuyển đổi số, tuy nhiên đây là việc buộc phải làm.