Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đặc biệt là biến chủng Omicron đòi hỏi chính quyền và các doanh nghiệp phải nâng cao ý thức phòng chống dịch, đảm bảo hoạt động sản xuất để phục hồi an toàn.

Kiểm soát chặt dịch bệnh, dựng thế trận ứng phó chủng Omicron

Tại các địa phương, dịch bệnh đã được kiểm soát song vẫn còn rất phức tạp, đặc biệt là biến chủng Omicron. Để thích ứng an toàn, linh hoạt và đảm bảo chống dịch hiệu quả, từng bước phục hồi kinh tế - xã hội trong tình hình mới, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch số 4192/KH-UBND ngày 14/12/2021 về Xây dựng thế trận y tế ứng phó với biến thể Omicron trên địa bàn thành phố.

Theo kế hoạch, TP.HCM đề nghị các cửa khẩu hàng không, hàng hải thực hiện nghiêm quy định về kiểm dịch y tế quốc tế, đặc biệt yêu cầu hành khách chuyến bay quốc tể phải có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh, tổ chức cách ly kiểm dịch, xét nghiệm kiểm tra SARS-CoV-2 theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế.

{keywords}
Các ngành, các cấp vừa thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế trên tinh thần không được chủ quan - Ảnh: Phạm Hải.

Đặc biệt lưu ý đối với các chuyến bay, chuyến tàu xuất phát hoặc có hành khách đến từ các quốc gia đang có sự xuất hiện của biến thể Omicron sẽ bắt buộc cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ các quốc gia này (không cho phép cách ly tại nhà), bất kể tiền sử đã tiêm vắc xin hoặc đã mắc Covid-19 trước đó.

Tổ chức các hoạt động theo dõi sức khỏe, tầm soát, sàng lọc tại cơ sở y tế, trong cộng đồng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Từ đó, phát hiện và thông báo sớm cho cơ quan chức năng những trường họp nghi ngờ mắc Covid-19 có liên quan đến người nhập cảnh, trường hợp nghi ngờ tái nhiễm Covid-19 để thực hiện xét nghiệm kiểm tra; trong đó có thể có những trường hợp không phát hiện nhiễm trong quá trình cách ly kiểm dịch sau nhập cảnh.

Các phòng xét nghiệm chủ động phát hiện sớm trường hợp nhiễm biến thế Omicron bằng cách xem xét dấu hiệu thiếu gen S trong các mẫu xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2. Thực hiện xét nghiệm giải trình tự gen tất cả các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 thuộc nhóm người nhập cảnh trong vòng 28 ngày và người tái nhiễm Covid-19.

Khi phát hiện các trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên tại thành phố thì các cơ quan phải tập trung điều tra truy vết tìm nguồn lây ban đầu và người tiếp xúc gần để khẩn trương xử lý dập dịch, cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Tùy theo mức độ nguy hiểm về khả năng lây lan và gây bệnh nặng của biến thể Omicron được cập nhật, kịp thời triển khai các biện pháp kiểm soát dịch tương ứng như truy vết, cách ly tập trung nghiêm ngặt đối với người tiếp xúc gần (F1).

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng yêu cầu TP Thủ Đức và các quận, huyện xây dựng kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng và có kế hoạch cung cấp oxy y tế cho các trạm y tế phường, xã, thị trấn để đáp ứng với các cấp độ dịch. Mỗi địa bàn cấp huyện sẽ phát triến thêm bệnh viện dã chiến (tầng 2) hoặc cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 (tầng 1).

Về trách nhiệm cả địa phương, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các ngành, các cấp vừa thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế trên tinh thần không được chủ quan, lơ là, không hoang mang trước biến chủng mới. Đồng thời cần nêu cao cảnh giác, áp dụng “5K + vắc xin + công nghệ + ý thức người dân”.

Các ngành, các cấp thực hiện tốt công tác quản ý, tổ chức chăm sóc F0 tại nhà và tại cơ sở thu dung, điều trị Covid-19, đảm bảo cung cấp đầy đủ thuốc, rút ngắn thời gian điều trị F0 nếu đảm bảo các điều kiện về vắc xin và xét nghiệm. Triển khai chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cũng như vận động người dân tiêm vắc xin, tổ chức tiêm bổ sung, rút ngắn thời gian giữa các mũi tiêm.

Đình Thành