Với số tiền đầu tư này, Trung Quốc đứng đầu trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, chiếm khoảng 21% tổng vốn đăng ký của cả nước.

Ngoài ra, vốn của các nhà đầu tư liên quan đến Trung Quốc còn đến từ lãnh thổ Đài Loan (359 triệu USD) và Đặc khu hành chính Hồng Kông (991 triệu USD). Nếu cộng với con số này, vốn của các nhà đầu tư Trung Quốc đổ vào Việt Nam lên đến 3,1 tỷ USD, gấp 2 lần vốn của các nhà đầu tư Hàn Quốc, gấp gần 3 lần vốn nhà đầu tư Nhật Bản và hơn 4 lần so với các nhà đầu tư Singapore - những đối tác luôn có lượng vốn đổ vào Việt Nam rất nhiều thời gian trước đây.

Tuy nhiên, cũng theo Tổng cục Thống kê, với 1,78 tỷ USD nhưng các nhà đầu tư Trung Quốc trải đều ra hơn 364 dự án, mỗi dự án trung bình dưới 5 triệu USD tương đương hơn 112 tỷ đồng.

{keywords}
Vốn của các nhà đầu tư Trung Quốc đang tăng mạnh ở Việt Nam nhưng lại chia nhỏ ra nhiều dự án. (Ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia kinh tế, đây là điều đáng lo ngại. PGS. TS - chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, trong bối cảnh Thương chiến Mỹ - Trung đang căng thẳng, cần nhìn nhận đây là một vấn đề cấp bách nên được xem xét, giải quyết. Thực tế, dù vốn đổ vào Việt Nam lớn nhưng lại chủ yếu tập trung ở những dự án quy mô nhỏ bé, trong đó đáng báo động là việc lập các kho, xưởng để nhập hàng bán thành phẩm từ Trung Quốc về Việt Nam. Cần đặt ra những báo động về nguy cơ các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam thay đổi nguồn gốc xuất xứ để hưởng lợi xuất đi các thị trường Mỹ, EU.

“Hiện nay, chưa có số liệu cụ thể về việc vốn Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam chủ yếu ở những ngành nghề nào. Tuy nhiên, dù là ngành nghề nào thì cũng đều rất đáng báo động đối với các cơ quan quản lý”, PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Mới đây, Tổng cục Hải quan cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, có 15 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc gia tăng mạnh vào Việt Nam, trong đó 6/15 nhóm hàng trùng với mặt hàng mà Mỹ đang đánh thuế với Trung Quốc.

Điều đó đồng nghĩa Việt Nam đang có nguy cơ trở thành “trạm trung chuyển” để các doanh nghiệp Trung Quốc xuất hàng sang Mỹ và các nước châu Âu. Theo Tổng cục Hải quan, các nhóm hàng chủ yếu là gỗ, sản phẩm chế biến từ gỗ, dây cáp điện, linh kiện điện tử, điện thoại, thiết bị điện, đồ gia dụng, da giày...

Theo chuyên gia kinh tế, nếu không có biện pháp ngăn chặn và xử lý mạnh đối với tình trạng đánh tráo nhãn mác xuất xứ, Việt Nam sẽ phải đối diện với nhiều tổn hại kinh tế nghiêm trọng. Thậm chí, một số ngành kinh tế Việt Nam có khả năng bị các nước phát triển đánh thuế cao do không ngăn chặn được hàng Trung Quốc giả Việt Nam.

(Theo VTC News)