Tăng trưởng xanh dựa trên công nghệ số vẫn là bài toán khó
Tại Diễn đàn Thương mại quốc tế Việt Nam – VFIT 2023 chủ đề “Thương mại và chuyển đổi kép: Hướng tới chuyển đổi xanh và chuyển đổi số” vừa diễn ra ở Hà Nội, trước câu hỏi: “Chuyển đổi số đang đem lại tăng trưởng xanh nhiều nhất cho lĩnh vực nào ở nước ta”, Tiến sĩ Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông thẳng thắn trả lời: “Rất tiếc, những lĩnh vực chuyển đổi số hiện nay đem lại nhiều giá trị kinh tế nhất thì lại vẫn chưa được xanh lắm, chẳng hạn dịch vụ hay dệt may”.
Theo ông Tuấn, một số lĩnh vực tiêu biểu ứng dụng hiệu quả công nghệ số góp phần phát triển kinh tế số, kinh tế xanh có thể kể tới logistics, du lịch thông minh…
“Chúng tôi đang cố gắng thúc đẩy chuyển đổi số để có tăng trưởng xanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Việc này rất khó, nhưng chúng tôi xác định, sau khi triển khai một loạt nền tảng số cùng sự hỗ trợ tích cực của Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì lĩnh vực này sắp tới sẽ khởi sắc, thêm dấu ấn tích cực về kinh tế xanh, chuyển đổi xanh cho đất nước”, ông Tuấn thông tin.
Năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố 36 nền tảng số quốc gia, phấn đấu tới năm 2025 sẽ nâng lên 54 nền tảng số quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số - tăng trưởng xanh.
Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số lưu ý, dữ liệu là phương thức sản xuất mới, đóng góp rất nhiều vào quá trình phát triển kinh tế số, kinh tế xanh. Thế nhưng rất nhiều doanh nghiệp vẫn chưa biết quý dữ liệu, để mất dữ liệu một cách đáng tiếc.
Xác định năm 2023 là “Năm Dữ liệu số”, dữ liệu công sẽ là nguồn dữ liệu rất tốt để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các bộ/ngành khai thác, sử dụng dữ liệu công ở 3 mức độ: Mở dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước với nhau; Chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước với bên ngoài; Trao đổi dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước với nhau và với doanh nghiệp trên cơ sở thỏa thuận.
Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, Phụ trách Văn phòng Chuyển đổi số, Cục Phát triển doanh nghiệp nhấn mạnh, xu thế thế giới hiện nay, chuyển đổi kép gồm chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là yêu cầu bắt buộc.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như: Chuyển đổi nhận thức cho 100% doanh nghiệp Việt Nam về chuyển đổi số; Hỗ trợ 100.000 doanh nghiệp chuyển đổi số; Hỗ trợ chuyên sâu cho 100 doanh nghiệp trở thành mô hình thành công điển hình về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; Phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Tuy nhiên, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp cũng cho hay: “Chuyển đổi xanh dựa trên công nghệ số, chuyển đổi số thực sự là một bài toán khó. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa muốn chuyển đổi số vì e ngại hàng loạt vấn đề về chi phí đầu tư, tội phạm mạng, rò rỉ dữ liệu… Sắp tới, doanh nghiệp Việt muốn xuất khẩu sang Mỹ hoặc châu Âu nếu không nhanh chóng tham gia "cuộc chơi" chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh quốc tế. Cục Phát triển doanh nghiệp thấy đây là một thách thức rất lớn, nên đang cùng các đối tác chia sẻ thông tin, tìm hướng giải quyết nhằm hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp”.
Doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị cho tương lai
“Chuyển đổi xanh dựa trên chuyển đổi số tại Việt Nam mới ở giai đoạn bắt đầu. Khó nhất bây giờ là nhận thức. Không ít doanh nghiệp lấy lý do đang rất nhiều việc, vẫn vận hành tốt, chưa cần phải chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nên chưa có sự quan tâm đúng mức và sự chuẩn bị cần thiết tối thiểu, trong khi chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đã trở thành cam kết thực thi trong khá nhiều hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam ký kết tham gia”, Giáo sư Đào Ngọc Tiến, Phó Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương quan ngại.
Câu chuyện Thỏa thuận xanh và Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) được ông Tiến phân tích khá kỹ nhằm cảnh báo nếu doanh nghiệp Việt không sớm thay đổi nhận thức sẽ phải chịu nhiều hệ lụy.
CBAM có hiệu lưc từ ngày 1/10/2023, được EU triển khai nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, trở thành nền kinh tế trung hòa carbon vào năm 2050. Theo đó, doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào EU thì phải mua tín chỉ carbon, phát sinh thêm chi phí.
Trước mắt, CBAM tập trung vào 5 lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng gồm: Sắt thép; Nhôm; Phân bón và hóa chất; Xi măng; Điện và hydrogen.
Trong số 5 lĩnh vực nêu trên, Việt Nam có hàng xuất khẩu vào EU thuộc 3 lĩnh vực: Sắt thép; Nhôm và Xi măng. Dù các lĩnh vực này chiếm tỷ trọng không lớn trong nền kinh tế nhưng những vấn đề phức tạp phát sinh khi thực thi CBAM sẽ khiến doanh nghiệp không muốn đầu tư, dẫn tới cấu trúc kinh tế của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, chiếm 12% tổng doanh thu xuất khẩu của Việt Nam. Ước tính CBAM có thể làm giảm 3,2% GDP, 12,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Quá trình thực thi CBAM đang có một số vấn đề gây tranh cãi khi: Chưa có công bố chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc triển khai CBAM; Chưa có cơ chế tính giá carbon toàn cầu, mỗi nước áp mức giá khác nhau (EU quy định khoảng 80 euro/tấn khí thải, thị trường áp mức cao nhất là hơn 100 USD, nhiều nước khác lại thấp hơn); Cách đo đếm mức phát thải carbon của sản phẩm ở mỗi nước khác nhau…
“CBAM không gây tác động ngay lập tức đối với nền kinh tế Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai. Ngoài năng lượng, EU có thể mở rộng lĩnh vực thực thi CBAM sang nhiều ngành khác như giấy, đồ gốm và những mặt hàng thế mạnh xuất khẩu khác của Việt Nam. Tham khảo kinh nghiệm từ EU, một loạt quốc gia khác cũng có thể sẽ áp dụng mô hình CBAM nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt. Chuẩn bị cho chuyển đổi xanh mất khá nhiều thời gian. Doanh nghiệp Việt phải nhanh chóng tiếp cận, tìm hiểu và chủ động tìm giải pháp hữu hiệu. Không nhanh sẽ mất doanh thu”, ông Tiến phân tích.
Giáo sư Tiến cùng các nhà quản lý, chuyên gia trong nước cũng như quốc tế tham dự Diễn đàn đều thống nhất nhận định: Chuyển đổi số là một trong những giải pháp hữu hiệu để chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh trong thời gian tới. Công nghệ số sẽ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình sản xuất sạch hơn để giảm mức phát thải carbon trong quá trình sản xuất sản phẩm xuất khẩu; hoặc giúp doanh nghiệp thiết lập chuỗi cung ứng bền vững hơn…