Gian hàng của Công ty TNHH Anh Nghĩa (ANCL) tại triển lãm quốc tế mới đây ở Hà Nội khiến nhiều người chú ý bởi tấm phông rất lớn hiển thị hình ảnh bản đồ Việt Nam và dòng chữ “We are Vietnam Company” (Chúng tôi là công ty Việt Nam - PV).
Truy cập website của công ty để tìm hiểu thêm thông tin, chúng tôi cảm thấy khó tin khi phần giới thiệu khách hàng có những tên tuổi lớn như: Harley Davidson - thương hiệu xe mô tô nổi tiếng của Mỹ; Ducati - thương hiệu moto hàng đầu nước Ý; Bombardier - nhà sản xuất máy bay phản lực kinh doanh của Canada; Volvo - thương hiệu ôtô hàng đầu thế giới tại Thụy Điển…
Chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Nghĩa, Tổng Giám đốc ANCL để tìm hiểu thêm thông tin về doanh nghiệp Việt này.
Khởi nghiệp từ 15 triệu đồng tiền vay
Thời điểm năm 2004, ngành cơ khí của Việt Nam chưa phát triển mạnh như bây giờ. Rất ít doanh nghiệp sản xuất linh kiện cơ khí hàng loạt với số lượng lớn. Các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có nhà máy lắp ráp tại Việt Nam đa phần phải nhập linh kiện từ nước ngoài về.
Sẵn niềm đam mê cơ khí, mong muốn góp phần vào sự phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho nước nhà, ông Nguyễn Văn Nghĩa quyết định thành lập ANCL, doanh nghiệp chuyên về cơ khí chính xác.
“Thành lập doanh nghiệp lúc đó là một quyết định khá liều lĩnh của tôi”, ông Nghĩa nhớ lại.
Gia cảnh khó khăn, gia đình rời quê Nam Định vào Nam làm kinh tế mới, bố làm bảo vệ cho nhà máy thuốc lá, nên việc có vốn để mua máy móc khởi nghiệp là một bài toán quá khó đối với Nguyễn Văn Nghĩa.
“Lúc đó, sau khi tốt nghiệp cao đẳng, tôi đã trải qua khoảng 1 năm làm công nhân cho Tập đoàn VPIC – một doanh nghiệp FDI. Chính trong thời gian làm công nhân, chứng kiến tình trạng doanh nghiệp FDI luôn thiếu linh kiện nhập khẩu để sản xuất và lắp ráp, tôi đã nảy sinh ý tưởng thành lập nhà máy cung ứng linh kiện. Tuy nhiên, không có tiền dành dụm, tôi phải tìm mọi cách thuyết phục bố mẹ vay tiền giúp để mua máy móc, được khoảng 15 triệu đồng. Những ngày đầu khởi nghiệp quả thật vô vàn khó khăn, khi thiếu đủ thứ, từ nguồn vốn tới kinh nghiệm, thông tin, công nghệ…”, nhà sáng lập của ANCL kể.
Với quyết tâm cao, cơ sở sản xuất của ANCL nhanh chóng được thành lập. Khách hàng đầu tiên chính là doanh nghiệp FDI mà ông Nghĩa từng làm công nhân.
“Ngày còn đạp xe đi học (năm 1997), tôi và người bạn đi cùng hay nói đùa với nhau: “Ước gì trúng được tờ vé số là ăn cả đời không hết”. Trị giá giải độc đắc của tờ vé số thời đó là 50 triệu đồng, trừ thuế còn lại 45 triệu đồng. Và đơn hàng đầu tiên, hóa đơn đầu tiên tôi xuất ra cho khách hàng có giá trị 34,5 triệu đồng, gần đạt được như mong ước trúng số”, ông Nghĩa vừa cười vừa chia sẻ kỷ niệm thú vị liên quan tới đơn hàng đầu tiên.
Đầu tư R&D để làm sản phẩm khó
Trải qua gần 20 năm sản xuất các linh kiện rời theo thiết kế của khách hàng ở phân khúc tầm trung, nhà sáng lập ANCL nhận thấy, nếu chỉ gia công theo kiểu khách hàng yêu cầu làm gì doanh nghiệp làm đấy thì doanh thu, lợi nhuận và cả giá trị của doanh nghiệp Việt sẽ chỉ ở mức thấp. Nếu không chuyển đổi mô hình kinh doanh sẽ gặp phải nhiều rủi ro.
Vì thế, ANCL quyết định đầu tư con người và máy móc công nghệ để tiến sâu vào phân khúc sản phẩm khó. Năm 2021, ANCL Techco ra đời, các hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển) được đẩy mạnh hơn.
Nhìn vào hệ thống máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại của ANCL, có thể thấy “sếp tổng” đã rất mạnh tay đầu tư.
Ông Nghĩa cho biết, tổng vốn đầu tư cho máy móc thiết bị hiện tại là hơn 5 triệu USD. Tuy nhiên, “đắt xắt ra miếng”, các loại máy có công nghệ tự động cao (như máy phay) sẽ tạo ra doanh thu, giá trị lớn bởi có thể tạo ra được các sản phẩm có độ khó cao, đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn lớn, chẳng hạn như bộ cấu kiện trong các ngành bán dẫn, ô tô, y tế, dầu khí, thể dục thể thao…
Trở thành khách hàng của ANCL khoảng 2 năm nay với những sản phẩm linh kiện cho xe đạp điện, xe máy, ống dẫn động cơ…, từng trực tiếp tham quan nhà máy của ANCL ở Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Ninh, Nhà sáng lập Công ty Cổ phần GDC Việt Nam kể: “Nhóm chúng tôi trước khi đi Đồng Nai mường tượng ACNL là công ty Việt nên chỉ dựng xưởng nhỏ với một vài cái máy. Sau khi chứng kiến tận mắt, mọi người đều chung nhận định: Ngoài sự tưởng tượng, không nghĩ một công ty Việt Nam lại có thể đầu tư bài bản như thế”.
“Sau này, đội ngũ nhân sự của GDC cũng hay sang làm việc tại nhà máy của ANCL ở Bắc Ninh, gồm cả quản lý sản xuất, quản lý chất lượng, quản lý tổng thể… Mọi người đều nhận xét bên anh Nghĩa quá chuyên nghiệp”, ông Ninh nói thêm.
Sở hữu điều kiện thuận lợi là cơ số máy móc thiết bị tương đối tốt, cộng với đội nhóm kỹ thuật tay nghề cao, ANCL dần dần tích lũy kinh nghiệm, nâng cao khả năng đáp ứng các yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, từng bước tham gia chuỗi cung ứng cho nhiều tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng.
“Dù chỉ là nhà cung cấp thứ hai cho các tập đoàn lớn như Harley Davidson, Ducati, Bombardier, Volvo…, nhưng chúng tôi cũng phải trải qua sự đánh giá nghiêm ngặt rồi mới được làm nhà cung cấp thuộc chuỗi cung ứng của họ. Chúng tôi phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu khó về quy trình hệ thống, tiêu chuẩn, năng lực… Trải qua không ít khó khăn, nhưng khi chúng tôi nâng cấp trình độ được rồi thì đơn hàng sẽ ổn định. ANCL học hỏi được rất nhiều về tính chuyên nghiệp từ các tập đoàn đa quốc gia này. Sự đồng hành có chiến lược, chiều sâu của các doanh nghiệp đa quốc gia cũng là một thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam”, ông Nghĩa tiếp mạch chuyện.
Hiện danh mục sản phẩm của ANCL đã có khoảng 1.000 sản phẩm ở dạng linh kiện rời và cấu kiện nhỏ. Đặc biệt đáng chú ý là một số sản phẩm hoàn chỉnh mang thương hiệu “Make in Vietnam” như Trainer - thiết bị tập thể thao ứng dụng với phần mềm game giả định.
Không chỉ đáp ứng nhu cầu khách hàng trong nước, doanh nghiệp cơ khí chính xác Việt còn có khoảng 10 chủng loại sản phẩm xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Một khách hàng bên Anh từng gửi email bày tỏ sự hài lòng và hứa hẹn sẽ đưa kĩ sư của họ sang Việt Nam để cùng làm việc với đội ngũ ANCL
Thẳng thắn nhìn nhận khả năng cạnh tranh của sản phẩm do ANCL sản xuất, Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Nghĩa tự đánh giá: “Điểm mạnh sản phẩm của chúng tôi là độ bền và chất lượng ổn định. Tuy nhiên, để nâng cao khả năng cạnh tranh hơn nữa trên thị trường quốc tế, chúng tôi sẽ tiếp tục cải tiến về năng suất, tinh gọn sản xuất và tự động hóa nhiều hơn để có mức giá tốt hơn…”.
Niềm tự hào thương hiệu Việt
Từ xuất phát điểm làm công nhân cho doanh nghiệp FDI, rồi trở thành nhà cung cấp cho họ, ông Nguyễn Văn Nghĩa sớm hình thành cách suy nghĩ và làm việc của doanh nghiệp toàn cầu.
“Tôi rất ấn tượng với ANCL ở cách họ quản lý. Dù quy mô của ANC không bằng doanh nghiệp FDI, nhưng cách quản lý dữ liệu, thông tin sản phẩm… vừa có sự tỉ mỉ của người Nhật, lại có cả sự minh bạch của các doanh nghiệp châu Âu. Đặc biệt, ANCL có tư duy làm việc theo kiểu hướng tới con người nhiều hơn. Từ những chuyện nhỏ như nhà vệ sinh, nhà ăn…, mọi thứ đều rất chỉn chu. Tôi tiếp xúc với nhân viên làm việc trong các phòng ban của ACNL, khuôn mặt của người nào cũng rất hạnh phúc”, nhà sáng lập Công ty Cổ phần GDC Việt Nam chia sẻ cảm nhận cá nhân.
Khát khao trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong ngành cơ khí phụ trợ, “sếp tổng” ANCL dành rất nhiều thời gian, tâm sức đi học thêm về kinh doanh toàn cầu hóa, chủ động tham gia triển lãm quốc tế tại các nước có nền công nghiệp cơ khí phát triển nhất thế giới như Đức, Mỹ, Nhật Bản… Thương hiệu ANCL ngày càng được các doanh nghiệp đa quốc gia biết đến nhiều hơn.
“Không ít lần chúng tôi tham gia các triển lãm quốc tế bên Mỹ và Đức, khách hàng hỏi ANCL là doanh nghiệp Nhật Bản hay doanh nghiệp Việt Nam. Có lẽ do chúng tôi có một chút phong cách giống doanh nghiệp Nhật Bản, làm việc tương đối chuyên nghiệp. Tham gia triển lãm quốc tế ở Hà Nội mới đây, chúng tôi rất tự hào mình là doanh nghiệp Việt, ngoài việc tránh nhầm lẫn thì chúng tôi muốn tự tin khẳng định thương hiệu Việt, vì thế nên đã thiết kế phông nền của gian hàng với hình ảnh nổi bật là bản đồ Việt Nam cùng dòng chữ “We are Vietnam Company””, ông Nghĩa lý giải ý tưởng tôn vinh thương hiệu Việt.
Nhiều năm gắn bó với ngành gia công cơ khí chính xác, Tổng Giám đốc ANCL nhận định, cơ hội và tiềm năng “Go Global” (đi ra thị trường toàn cầu – PV) của doanh nghiệp Việt Nam rất lớn. Chúng ta đã và đang có rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thành công sang rất nhiều nền kinh tế lớn. Cơ hội nhiều nhưng cũng không thiếu sự cạnh tranh và rủi ro tầm vĩ mô. Trong thế giới phẳng, nhiều việc trở nên dễ dàng hơn, nhưng cũng nhiều việc gặp khó khăn gấp bội. Muốn thành công, doanh nghiệp Việt cần chủ động học hỏi, nâng cao trình độ công nghệ và nghiệp vụ quản lý; phải luôn giữ vững niềm tin, và đặc biệt là phải có đạo đức kinh doanh, sự tôn trọng khách hàng.
Với định hướng “Sản phẩm của ANCL ở đâu, ranh giới thị trường của ANCL ở đấy”, ANCL đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu chiếm 60 - 70% tổng doanh thu. Hiện doanh nghiệp Việt này đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động marketing, cơ cấu nguồn lực, đầu tư trang thiết bị công nghệ và chọn phân khúc khách hàng, sản phẩm phù hợp để sớm hiện thực hóa mục tiêu đề ra.
Trước câu hỏi “Ai là người có tầm ảnh hưởng lớn nhất đối với cá nhân ông trong suốt quá trình phát triển sự nghiệp”, Tổng Giám đốc ANCL tự tin trả lời: “Không ai cả. Lấy đạo đức kinh doanh làm kim chỉ nam cho sự nghiệp, tôi luôn tự làm khó mình trong những khuôn phép để không tự đánh mất chính mình”.
Phạm Minh