Ở tuổi thất thập, nhiều người sẽ nghĩ đến cuộc sống an nhàn, vui vầy bên gia đình. Thế nhưng, ông Nguyễn Ngọc Mỹ lại không chọn cuộc sống êm đềm như vậy. Ở 73 tuổi, vị doanh nhân Việt kiều vẫn giữ được ngọn lửa đam mê kinh doanh nhiệt huyết như thời trai trẻ. 

Sau nhiều năm định cư ở Australia, doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ quyết định hồi hương. Ông đang là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vabis và hơn 15 công ty có trụ sở tại Việt Nam, Lào và Australia. 

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ còn giữ vai trò Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại TP.HCM. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Bén duyên với ngành xây dựng nhưng doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ lại có tình cảm đặc biệt với bộ môn đua chó, đua ngựa thể thao. Ông được biết đến là người đầu tiên đưa bộ môn đua chó giải trí du nhập vào Việt Nam. 

Để hiểu hơn về nỗi trăn trở đó, PV VietNamNet đã có cuộc trò chuyện cùng doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ. 

'Đại gia' xây dựng thích đua chó, đua ngựa

- Có cuộc sống ổn định ở xứ người, vì sao ông lại quyết định hồi hương? 

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ: Tôi sinh ra ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 4 tuổi, tôi theo bố mẹ di cư vào miền Nam. Tuổi thơ của tôi gắn liền với mảnh đất cao nguyên Lâm Đồng. Ở tuổi đôi mươi, tôi sang Đảo Guam học ngành xây dựng rồi về nước làm công việc phát triển dự án. 

Sau năm 1975, tôi quyết định sang Australia và tiếp tục theo đuổi đam mê làm việc trong lĩnh vực xây dựng. Năm 30 tuổi, tôi đã có công ty xây dựng riêng cho mình ở Australia. Dù cuộc sống khi đó tạm gọi là ổn định nhưng trong thâm tâm tôi vẫn muốn quay về để cống hiến cho quê hương, đất nước. 

- Điều gì đã thôi thúc ông trở về?

Năm 1992, tôi cùng Hiệp hội Thương mại Australia tháp tùng Bộ trưởng Thương mại Australia John Kerin trong chuyến thăm chính thức Việt Nam. 

Trở lại Australia, tôi đã kết hợp với Cục Phát triển quốc tế Australia và một số tổ chức khác để hỗ trợ Bộ Xây dựng Việt Nam thiết lập quy trình quy phạm xây dựng. Đây là tiền đề xây dựng Luật Xây dựng như hiện nay. 

Nhận thấy lĩnh vực xây dựng của nước nhà có nhiều tiềm năng nhưng phát triển chưa tương xứng, sau chuyến đi này, tôi đã quyết định hồi hương. Tôi muốn mang những kiến thức và kinh nghiệm học được ở Australia về nước, đóng góp một phần nhỏ của mình cho việc phát triển ngành xây dựng nước nhà. 

Sau khi trở về, năm 1993, tôi thành lập Công ty Vabis. Công ty tôi đã tham gia hoàn thiện công trình, lắp đặt hệ thống điện nước, trang trí nội thất… cho một số công trình như Metropolian, Saigon Center, Đại sứ quán Australia, Lãnh sự quán Australia, Đại sứ quán Anh, khách sạn Sheraton, Trường Đua Phú Thọ…

- Cùng với xây dựng, ông còn đầu tư vào lĩnh vực nào?

Trong thời gian ở Australia, mặc dù chủ yếu đầu tư về lĩnh vực xây dựng nhưng tôi lại có tình cảm đặc biệt với bộ môn đua chó, đua ngựa thể thao. Từ những năm 30 của thế kỷ trước, nước ta đã có Trường Đua Phú Thọ. Thời bấy giờ, đây được xem là trường đua ngựa lớn nhất nhì châu Á. Do vậy, khi hồi hương, tôi mong muốn vực dậy bộ môn đua ngựa thể thao giải trí này cho nước nhà. 

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ là người đầu tiên đưa bộ môn đua chó giải trí du nhập vào Việt Nam. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Năm 2000, tôi mở Trường Đua chó Lam Sơn tại TP.Vũng Tàu. Đây là trường đua chó quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Gần 23 năm hoạt động, chúng tôi đã tổ chức gần 1.500 kỳ đua nhưng vừa rồi giấy phép đã hết hạn, phải đóng cửa trường đua. 

Đầu tư vào trường đua này, tôi đã lỗ 205 tỷ đồng. Nhưng điều đạt được là TP.Vũng Tàu đã thu hút hơn 3,5 triệu lượt khách mua vé vào sân giải trí. 

Còn với đua ngựa, công ty tôi đã tham gia nâng cấp cơ sở hạ tầng và quản lý đua ngựa có dự thưởng của Trường Đua Phú Thọ, TP.HCM từ năm 2004. Để phục vụ cho hoạt động đua ngựa, tôi đã nhập 40 con ngựa từ Australia về. 

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ (người đeo cà vạt đỏ) đứng cạnh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại buổi lễ khai trương đường đua tại Trường Đua Phú Thọ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tôi còn nhớ buổi lễ khai trương đường đua vào năm 2005, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có đến dự. Ông động viên tôi rằng hãy cố gắng vực dậy bộ môn đua ngựa thể thao này. Nhưng sau 7 năm hoạt động, Trường Đua Phú Thọ cũng phải đóng cửa vì giấy phép hết hạn. 

Tôi mang ơn mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên, vì đó tôi đã đầu tư dự án Xuân Thành Paradise Golf & Resort ở Hà Tĩnh và Trung tâm nuôi – Huấn luyện ngựa đua và du lịch Đạ Huoai tại huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng. 

Đua ngựa trở lại SEA Games, Việt Nam sẽ sớm có huy chương

- Ông có kế hoạch gì để vực dậy bộ môn đua ngựa thể thao?

Song song với việc đầu tư vào Trường Đua Phú Thọ, năm 2004, tôi xin làm dự án Trung tâm nuôi - Huấn luyện ngựa đua và du lịch Đạ Huoai.

Mục đích của tôi là xây dựng một trung tâm nuôi và huấn luyện ngựa đua để phục vụ cho hoạt động đua ngựa ở Trường Đua Phú Thọ. Bởi ngựa đua nhập từ Australia về không chịu được độ ẩm tại TP.HCM. 

Phối cảnh dự án trường đua ngựa và hai dự án phụ trợ tại huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng. 

Qua khảo sát, tôi và các chuyên gia quyết định chọn huyện Đạ Huoai làm nơi nuôi và huấn luyện ngựa đua, vì chỉ có thổ nhưỡng nơi đây mới phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của ngựa. 

Sau khi Trường Đua Phú Thọ đóng cửa, tôi mong muốn mở trường đua ngựa ở huyện Đạ Huoai. Từ 1 dự án Trung tâm nuôi – Huấn luyện ngựa đua và du lịch Đạ Huoai, chúng tôi tách thành 3 dự án, trong đó có trường đua ngựa 70ha. 

- Khi đầu tư dự án trường đua ngựa ở Lâm Đồng, ông gặp những khó khăn gì? 

Hai khó khăn chính là khâu bồi thường giải phóng mặt bằng và thủ tục xin phép hoạt động đua ngựa có kinh doanh đặt cược. 

Về khâu bồi thường, chúng tôi không gặp nhiều khó khăn, hầu hết hộ dân đều đồng thuận. Nông dân tại đây chủ yếu trồng cây điều, cuộc sống khó khăn nên họ cũng muốn chuyển đi nơi khác lập nghiệp. Đến nay, chúng tôi đã có 100% đất sạch và đang san lấp mặt bằng. 

Hiện trạng dự án trường đua ngựa của doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ ở huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Anh Phương)

Chúng tôi mất nhiều thời gian để bổ sung các thủ tục xin phép hoạt động đua ngựa có kinh doanh đặt cược. Việc này kéo dài từ năm 2019 đến nay, hiện chỉ còn chờ Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình để Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương. 

- Với trường đua ngựa đang đầu tư, ông muốn cống hiến gì cho thể thao nước nhà?

Cưỡi ngựa, đua ngựa đã trở thành bộ môn thi đấu thể thao, mang tính giải trí cao. Trên thế giới, bộ môn này đã được đưa vào thi đấu tại Thế Vận hội Olympic năm 1912, Á Vận hội ASIAD năm 1982 và SEA Games năm 1983. 

Hiện nay, Liên đoàn Cưỡi ngựa Thể thao châu Á có 35 quốc gia thành viên. Khu vực Đông Nam Á có 8/11 thành viên, trừ 3 nước chưa tham gia là Việt Nam, Lào và Đông Timor. 

Dù nước ta đã tổ chức đua ngựa từ cuối thế kỷ 19 nhưng đến nay vẫn chưa thành lập được liên đoàn cưỡi ngựa thể thao để tham gia thi đấu SEA Games và ASIAD. 

Đường đua tạm tại dự án trường đua ngựa ở huyện Đạ Huoai. (Ảnh: Anh Phương)

Tôi hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ mã cầu và ngựa biểu diễn Madagui. Chúng tôi và các câu lạc bộ cưỡi ngựa khác trên cả nước đang vận động để thành lập Liên đoàn Cưỡi ngựa Thể thao Việt Nam. 

Ngoài thúc đẩy phong trào tập luyện, thi đấu cưỡi ngựa và đua ngựa, mục đích của việc thành lập liên đoàn là để góp phần khôi phục và phát triển bộ môn thể thao giải trí này. 

Sau khi Liên đoàn Cưỡi ngựa Thể thao Việt Nam được thành lập, chúng tôi sẽ bắt tay vào việc đào tạo vận động viên, mời chuyên gia nước ngoài về huấn luyện. 

Vì nhiều lý do, các kỳ SEA Games gần đây không có môn thi đấu đua ngựa. Tuy nhiên, SEA Games 33 tại Thái Lan tới đây, bộ môn này sẽ quay trở lại. Khi đó, Việt Nam chắc chắn sẽ có đội tham gia.

Chúng tôi kỳ vọng trong hai kỳ SEA Games tiếp theo, đội đua ngựa của chúng ta sẽ có huy chương.