- Trong năm 2016, tổng doanh thu từ các doanh nghiệp viễn thông, CNTT, truyền thông ước đạt hơn 1.337.000 tỷ đồng, tăng 9,36% so với năm 2015 và cao hơn so với mục tiêu tăng GDP cả nước (ước đạt 6,7%).
Trong đó, tổng doanh thu trong lĩnh vực Công nghiệp CNTT ước đạt 939.400 tỷ đồng (ước tăng khoảng 10% so với năm 2015) và đóng góp khoảng 70,22% vào tổng doanh thu toàn Ngành năm 2016.
Những con số ấn tượng này vừa được công bố tại Hội nghị Triển khai Nhiệm vụ 2017 của Bộ TT&TT diễn ra sáng nay, 23/12/2016.
Tăng trưởng vượt bậc
Có thể nói, năm 2016 là một năm tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành TT&TT. Bên cạnh doanh thu và lợi nhuận đều tăng cao, tổng nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp trong ngành cũng ước đạt tới 145.915 tỷ đồng, tức đạt 109,06% so với kế hoạch năm, đóng góp khoảng 14,38% vào tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2016.
Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại Hội nghị. |
Các chỉ số về mật độ phổ cập công nghệ cũng phản ánh một bức tranh sáng, tích cực về ngành như tỷ lệ thuê bao di động đạt 131 thuê bao/100 dân; Tỷ lệ thuê bao Internet băng rộng cố định đạt 10,11 thuê bao/100 dân; Tỷ lệ thuê bao băng rộng di động đạt 50 thuê bao/100 dân. Cả nước đã có 62,76% dân số sử dụng Internet, tỷ lệ phủ sóng di động đạt 94%; 100% xã có máy điện thoại; 100% xã có điểm Bưu điện - văn hóa xã.
Tính đến tháng 11/2016, cả nước có 70 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông. Tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực viễn thông ước đạt 365.500 tỷ đồng (ước tăng 7,5% so với năm 2015) và đóng góp khoảng 27,32% vào tổng doanh thu toàn Ngành năm 2016.
Tính đến nay, tổng số nhân lực trong ngành Công nghiệp CNTT trên 600.000 người, trong đó số lao động đang làm việc trong các ngành công nghiệp phần cứng - điện tử khoảng trên 300.000 người, còn lại thuộc về lĩnh vực công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung số.
Dù trong năm 2016, kinh tế đất nước còn khó khăn, nhưng qua các con số trên, có thể thấy các doanh nghiệp ngành TT&TT vẫn đang tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh và tăng trưởng bền vững, đóng góp đáng kể cho GDP của cả nước. Các doanh nghiệp ngành TT&TT cũng tạo điều kiện phát triển thuận lợi hơn cho nền kinh tế đất nước nhờ quá trình triển khai hạ tầng kết nối băng rộng và phổ cập ứng dụng CNTT vào các ngành nghề kinh tế khác.Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, trong thời gian vừa qua, công tác quản lý nhà nước về viễn thông đã được tăng cường và đẩy mạnh. Các doanh nghiệp viễn thông cũng đã chủ động đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng, mở rộng vùng dịch vụ. Đến nay đã có 4 doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam đã được cấp giấy phép 4G và một số doanh nghiệp bước đầu triển khai cung cấp dịch vụ băng rộng trên nền 4G. Hệ thống thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước và phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão đảm bảo thông suốt, kịp thời.Ngoài ra, đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020 đã được triển khai hết sức tích cực và đã hoàn thành giai đoạn 1 tại 05 thành phố trực thuộc Trung ương. Hiện nay Bộ đang triển khai giai đoạn 2, hỗ trợ hơn năm trăm ngàn đầu thu kỹ thuật số cho các hộ gia đình nghèo tại các địa phương.
Được sự đồng thuận cao và vào cuộc thực sự của các doanh nghiệp viễn thông, trong những tháng cuối năm, công tác quản lý thuê bao trả trước, ngăn chặn sim rác, khuyến mại đã được Bộ TT&TT truyển khai quyết liệt, bằng nhiều biện pháp, hình thức khác nhau. Bước đầu các nỗ lực này đã đem lại một số kết quả nhất định cụ thể là đã phát hiện hàng chục triệu SIM thuê bao kích hoạt sẵn trên kênh phân phối mà chưa có thông tin chính xác, gần 600 nghìn thuê bao đi đăng ký lại. Tính đến ngày 22/12/2016, hơn 15 triệu thuê bao kích hoạt sẵn và đăng ký thông tin sai đã bị khóa tài khoản.
Về lĩnh vực Công nghệ thông tin, trong năm 2016, Bộ TT&TT tiếp tục triển khai các đề án lớn về CNTT, phát triển công nghiệp CNTT, nguồn nhân lực CNTT. Bộ đã ban hành nhiều đề án, chính sách thúc đẩy ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử.
Đặc biệt, Bộ đã chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình để kịp thời xây dựng các báo cáo, đưa ra đề xuất chi tiết, cụ thể với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước về các xu thế công nghệ mới trên thế giới như Thành phố Thông minh, Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Cùng với đó, công tác đảm bảo an toàn thông tin và năng lực dự báo, ứng cứu sự cố an toàn thông tin được chú trọng tăng cường.
Tăng tốc phát triển và quyết tâm đi đầu về CNTT
Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được toàn diện của ngành TT&TT trong năm qua.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương các kết quả đạt được của Ngành TT&TT trong năm 2016. |
"Năm 2016, dưới sự đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, sự nỗ lực phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi khó khăn thử thách của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành, ngành TT&TT tiếp tục giữ được phong độ cao, có tỉ trọng đóng góp vào ngân sách nhà nước lớn, tiếp tục là động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng cho đất nước ... Mặc dù đối mặt với không ít khó khăn, ngành TT&TT đã vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng và chính phủ giao phó. Các con số đạt được đã nói lên tất cả", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Thay mặt Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam muốn Ngành TT&TT tiếp tục duy trì, phát huy truyền thống "10 chữ vàng" của ngành Bưu điện trước đây (nay là ngành TT&TT), tìm tòi, sáng tạo và đi tiên phong trong ứng dụng CNTT và viễn thông.
Tiếp thu ý kiến, Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn khẳng định sẽ chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó trong năm 2017. Trong đó, Bộ sẽ tiếp tục tập trung xây dựng ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực TTTT, đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế; Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách mang tính chất đột phá nhằm tận dụng các cơ hội phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; các chính sách tạo điều kiện cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn thụ hưởng những lợi ích do lĩnh vực thông tin và truyền thông mang tới.
Bước sang năm 2017, Bộ cam kết sẽ quản lý chặt chẽ hoạt động cạnh tranh, khuyến mại, giá cước, chất lượng dịch vụ để bảo đảm quyền lợi người sử dụng dịch vụ viễn thông, đồng thời triển khai Đề án cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao và kế hoạch chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định cũng như tăng cường các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, mua bán lưu thông SIM di động sai quy định; xây dựng các chính sách thúc đẩy sự phát triển thuê bao di động trả sau.
Bộ TT&TT cũng đặt mục tiêu thực hiện tốt công tác quản lý, phát triển tài nguyên, đảm bảo an toàn hệ thống Internet và hệ thống tên miền quốc gia; Tích cực thúc đẩy các quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Internet; Triển khai tốt hoạt động của Ủy ban Tần số vô tuyến điện quốc gia và thực hiện Giai đoạn 2 Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020.
Ngoài ra, một nhiệm vụ trọng tâm khác của ngành TT&TT trong năm 2017 sẽ là tập trung thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử, tăng cường công tác giám sát, đánh giá hiệu quả và mức độ ứng dụng CNTT và triển khai dịch vụ công trực tuyến. Bộ cũng sẽ đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng; hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, tổ chức giám sát và ứng phó kịp thời trước các nguy cơ tấn công mạng.
Tuấn Anh
Mời quý độc giả VietNamNet xem phóng sự về hoạt động nổi bật của ngành TT&TT năm 2016. |
(Nguồn Video: Trung tâm Thông tin Bộ TT&TT) |