"Ông lụy", một tín hiệu vui cho người dân vùng duyên hải. "Ông lụy" ở vùng nào vùng đó sẽ được may mắn khi hành nghề đánh bắt trên biển. Ngày 4/4/2016 vừa qua, Ông đã lụy trên vùng biển thuộc huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) và một đám tang trọng thể được tổ chức để tưởng niệm và an táng Ông ...

Ông lụy

Ông hay Ông Nam Hải là tên gọi một cách thành kính mà người đi biển và cư dân vùng biển gọi những con cá voi. Cá voi chết được gọi là Ông lụy và người phát hiện đầu tiên thi thể của Ông sẽ là người đứng chủ tang, chịu tang trong 3 năm như con trai cả trong gia đình.

Trưa ngày 4/4, tàu cá BĐ 94725TS do anh Đặng Mậu Hữu, (45 tuổi, ngụ Bình Định) làm thuyền trưởng đang đánh bắt tại vùng biển thuộc đảo Phú Quý đã phát hiện ra một con cá voi khá lớn chết nổi trên biển.

{keywords}
Cá voi nặng 70 tấn lụy bờ ở biển Phú Quý, Bình Thuận. (Ảnh: nguyễn Giỏi)

Lại gần, cá quá lớn, còn nguyên vẹn chưa phân hủy. Chiều dài con cá khoảng 18m có thể nặng trên 70 tấn vượt khả năng lai dắt của con tàu. Anh Hữu đã báo tin cho những tàu đánh bắt gần đó cùng đến tiếp sức.

Hàng trăm ngư dân xã Tam Thanh đã có mặt khấn vái xin đưa Ông vào bờ và tiến hành nghi thức an táng. Ông được đưa vào vùng biển thuộc vịnh Triều Dương xã Tam Thanh, Phú Quí vào lúc 4g sáng ngày 5/4. Thời điểm này thủy triều xuống thấp xác Ông vẫn còn cách bờ gần 500m. Phải đến 16g cùng ngày, Ban quản lý Di tích lịch sử Vạn An Thạnh cùng chính quyền và người dân địa phương mới đưa được xác cá voi đến nơi an táng.

Huyệt chôn xác cá voi được đào bằng máy xúc ở một đụn cát trong vịnh Triều Dương. Nghi thức diễn ra rất long trọng và thành kính. Người chủ tang (người đầu tiên phát hiện) mặc áo dài bịt khăn tang màu đỏ để làm lễ phát tang và an táng.

Cá voi từ lâu được người đi biển xem như phúc thần, vị thần độ mạng. Trong những chuyến ra khơi, trong tâm trí ngư dân luôn nghĩ đến và đặt trọn vẹn niềm tin vào cá voi. Nhiều câu chuyện cá voi cứu người được truyền miệng từ đời này qua đời khác.

Theo tài liệu khoa học, khi biển động cá voi thường lặn xuống sâu để tìm nơi yên tĩnh. Nhưng sâu quá thì không có dưỡng khí để thở nên phải trồi lên. Lên xuống liên tục như thế cá sẽ mất sức và nếu vớ được đáy thuyền của ngư dân đang chao đảo trên mặt nước sẽ là nơi ẩn nấp tránh bão lượn theo sóng để vào bờ.

{keywords}
Cổng trước vạn An Thạnh

Do thường gặp những hiện tượng như thế nên ngư dân luôn xem cá voi là ân nhân cứu mạng và tập trung cứu cá voi nếu cá bị mắc cạn hoặc cúng tế linh đình mỗi khi cá chết.

Giải thích tại sao khăn tang trên đầu người chủ tang cá voi màu đỏ, một cụ già ở vạn An Thạnh cho biết, màu đỏ là màu tang của vua chúa và hoàng tộc. Tục truyền cá ông đã nhiều lần được sắc phong của nhà vua như Gia long đã phong tước hiệu "Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Thượng đẳng thần". Các vua triều Nguyễn đã xem cá voi như người của hoàng gia và được phong thần. Vì thế, mỗi khi cá ông gặp nạn tang lễ được cử hành thì chiếc khăn tang trên đầu người chủ tế là khăn màu đỏ.

Bộ xương cá voi ở vạn An Thạnh

"Thấy Ông vào làng như vàng vào tủ", câu nói của dân gian truyền miệng cho thấy, mỗi khi cá ông trôi dạt vào vùng nào thì vùng đó được ấm no và tai qua nạn khỏi.

{keywords}
Chánh điện

Theo phong tục và cũng là tín ngưỡng dân gian, sau ba năm, khi cá voi đã phân hủy hết phần thịt, bộ xương sẽ được nhập làng và thờ trong vạn. Vạn An Thạnh ở thôn Triều Dương xã Tam Thanh, Phú Quý hiện đang lưu giữ và phụng thờ hơn 70 bộ xương cốt cá voi.

{keywords}
Nhà trưng bày cốt Ông Nam Hải (cá voi)

Vạn An Thạnh là nơi lưu giữ và thờ cúng xương cốt cá voi được xây dưng vào năm Tân Sửu - 1781. Lúc bấy giờ chưa có Ông nào "lụy" dạt vào đảo. 60 năm sau, năm 1841 mới có một Ông to lớn trôi vào bờ trên bãi cát trước vạn. Bà con tổ chức an tang chu đáo. Vì là "Ông" đầu tiên nên được gọi là "vị cố" và lấy ngày 15/10 âm lịch - ngày phát hiện vị cố lụy - làm ngày giỗ và lễ tế thu của vạn. Năm 1960 có một “cá ông” lớn khác trôi vào. Xác cá có chiều dài trên 25m. Mai táng xong, 3 năm sau đó ngư dân vùng này được mùa liên tiếp.

{keywords}
Bộ xương cá voi dài 17m

Trải qua 3 thế kỷ với nhiều lần trùng tu, vạn vẫn sừng sững với nắng mưa. Vạn An Thạnh được xây dựng trên một diện tích khá rộng. Mặt trước hướng ra biển. Kiến trúc của vạn hiện nay gồm chính điện để thờ "Ông" cùng các tiền hiền, hậu hiền là những người có công xây dựng đảo. Vài năm trước UBND tỉnh Bình Thuận đã đầu tư 8 tỉ để xây dựng một nhà trưng bày xương cá voi và sửa sang trung tu lại vạn.

{keywords}
Xương cá heo lượn sóng
{keywords}
Xương cá heo mõm chai

Chúng tôi vào nhà trưng bày xương cá voi. Một bộ xương cá voi có chiều dài trên 17 mét nằm giữa gian nhà. Ở 4 góc là 4 bộ xương cá heo gồm có : cá heo lươn sóng, cá heo mõm chai, cá ông chuông và loài cá heo thường gặp. Bộ xương cá voi có 50 đốt xương sống. Cá có 30 đôi răng mọc ở hàm dưới, hàm trên không có răng. Mỗi chiếc răng dài khoảng 20 cm, to như bắp tay người lớn.

{keywords}
Xương cá voi ở giữa, 4 góc là xương cá heo

Theo nhận định của các nhà khoa học, bộ xương cá voi tại vạn An Thạnh là xương cá nhà táng. Cá nhà táng là loài thú biển, thuộc loại phân bộ cá voi có răng. Đầu cá rất lớn, chiếm 1/3 chiều dài thân. Thân cá dài 20 mét, con đực nặng khoảng 70 tấn, con cái nặng 30 tấn. Trên trán có chứa khí dự trữ. Khoang hàm trên có khối mỡ đệm rất lớn. Hàm dưới dài và hẹp. Hàm trên không có răng. Cá nhà táng đực rất hung dữ, chúng ăn những loài cá lớn, mực, và khi bảo vệ đàn cái và con của chúng, có thể tấn công cả người và tàu thuyền.

{keywords}
Chánh điện vạn An Thạnh

Việc trưng bày bộ xương cá voi ở giữa, 4 góc có 4 bộ xương cá heo được người giữ vạn giải thích, tái hiện lai hình ảnh ở dưới biển khi cá voi di chuyển thì chung quanh có cá heo đi theo.

Vạn An Thạnh được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia hiện đang được UBND huyện Phú Quý bảo tồn và gìn giữ. Đây cũng là một địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách khi đến thăm đảo.

Trần Chánh Nghĩa