Ngồi trong căn nhà khang trang đầy đủ tiện nghi, thoang thoảng hương hoa bưởi, ông Mai Văn Chữ ở khu 3, phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bình) chia sẻ, ông có được cơ ngơi này tất cả là nhờ nuôi ong.

Ông Chữ kể, quê ông ở tận Mỹ Đức (Hà Nội). Từ nhỏ, ông đã thích quan sát những chú ong chăm chỉ đi kiếm mồi. Khi vào quân đội, đóng quân ở Hòa Bình, ngoài thời gian làm việc, cứ rảnh là ông đến thăm các hộ nuôi ong ở quanh đơn vị.

“Khi đó, bà con ở đó nuôi ong hoàn toàn tự nhiên, mỗi nhà để vài thùng, lấy mật sử dụng trong gia đình. Vì thế tôi cũng mày mò đóng vài thùng ong nuôi để anh em trong đơn vị có mật sử dụng”, ông nhớ lại.

Sau khi nghỉ hưu ông Chữ không về quê mà quyết định ở lại khu 3, phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bình) để thỏa mãn niềm đam mê nuôi ong lấy mật của mình.

{keywords}
Nhờ nuôi ong mà ông Chữ có thêm thu nhập.

Ông tâm sự, nuôi ong là nghề phụ nhưng mang lại thu nhập chính cho cả gia đình. Hiện tại, ở phường Kỳ sơn có khoảng chục hộ nuôi ong, trong đó ông là một trong số những gia đình nuôi ong lớn  nhất.

Từ vài đàn ong khi mới bắt đầu nuôi, đến nay, ông đã có 150 thùng ong. Mỗi tổ ong cho 10 lít mật/vụ. Như vậy, 150 thùng ong sẽ cho khoảng 1.500 lít mật, với giá bán 200.000 đồng/lít, mỗi năm cho gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Theo ông,  nuôi ong không mất nhiều công chăm sóc, chủ yếu phải nắm bắt được đặc tính sinh trưởng và phát triển của đàn ong để tránh ong khỏi mắc một số bệnh như: thối ấu trùng, ấu trùng túi… Tổ ong có thể đặt cố định ở một nơi hoặc di chuyển theo mùa hoa để có chất lượng mật tốt nhất.

Ông Chữ cho hay, đầu tư một tổ ong chỉ hết khoảng 200-300 nghìn đồng nhưng thu về khoảng 2 triệu đồng/vụ. Đàn ong tự đi kiếm mồi trên rừng, nhiệm vụ của người nuôi là tạo môi trường sống an toàn cho chúng. Khi đàn ong có vấn đề về môi trường sống, người nuôi phải biết can thiệp kịp thời.

“Nuôi ong đòi hỏi nơi nuôi phải yên tĩnh, tránh tiếng động mạnh. Tổ của chúng phải được giữ yên ổn, cuống ong phải được làm chắc chắn, tránh mưa hắt, nắng rọi trực tiếp vào tổ”, ông lý giải.

Ông cho rằng, bên cạnh môi trường sống thì người nuôi ong cũng phải chú trọng loại trừ con vật thiên địch như ong đất. Nếu không lỡ may để chúng bay vào thùng ong mật thì coi như mất đàn.

“Để tranh điều đó, trước mắt tôi làm đường vào tổ ong chỉ đủ cho con ong mật chui vào. Ong đất vốn to hơn ong mật nên không vào tổ được. Cách thứ hai là tôi tiêu diệt bằng bẫy sinh học. Tôi dùng quả dưa hấu, khoét lỗ để thu hút đám ong đất đến ăn, như vậy sẽ không phá hoại đàn ong mật”, ông tiết lộ kinh nghiệm.

{keywords}
Hiện nay toàn tỉnh Hòa Bình hiện có gần 60.000 đàn ong, tổng sản lượng mật mỗi năm đạt gần 600 tấn.

Được biết, trong một năm ong thường cho hai vụ mật, nhưng chủ yếu là vụ xuân hè (tháng 3 đến tháng 7), thời kỳ nhiều hoa vải và hoa rừng nhất. Trong thời kỳ này, tuyệt đối không cho ong ăn thêm bất cứ thứ gì và cũng không được can thiệp bất cứ việc gì vào đàn ong để tránh làm ảnh hưởng chất lượng mật.

Nếu thời tiết nắng ráo thì chỉ 4-5 hôm thì người nuôi ong được lấy mật 1 lần. Nhưng nếu trời nắng quá, mật keo lại, ong cũng khó lấy mật hơn. Nếu trời mưa và mưa kéo dài sẽ ảnh hưởng đến hoa và quá trình thụ phấn của ong.

Bên cạnh lợi ích kinh tế từ việc lấy mật, hàng nghìn đàn ong ở đây còn giúp tăng năng suất cây trồng của địa phương.

Theo trung tâm khuyến nông tỉnh Hòa Bình, hiện nay toàn tỉnh hiện có gần 60.000 đàn ong, tổng sản lượng mật mỗi năm đạt gần 600 tấn. Nhìn chung, nuôi ong lấy mật thực sự là một nghề giúp khai thác tốt tiềm năng, lợi thế và góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo nên tỉnh đã định hướng ưu tiên trong lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung, tái cơ cấu ngành chăn nuôi nói riêng.

Bên cạnh đó, tỉnh Hòa Bình cũng có những điều kiện phù hợp để phát triển nghề nuôi ong lấy mật theo hướng an toàn, bền vững.  Trong đó, thế mạnh nổi bật nhất chính là diện tích đất rừng và trồng cây ăn quả lớn. Thêm vào đó, các điều kiện về địa hình, thời tiết, khí hậu, vị trí địa lý gần thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc Bộ cũng tạo thêm động lực góp phần thúc đẩy nghề nuôi ong mật phát triển.

Ông Nguyễn Hồng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình cho hay, Cùng với yêu cầu mở rộng thị trường cho sản phẩm, thời gian tới cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó, ưu tiên hàng đầu là rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển chăn nuôi ong theo hướng thâm canh trong trang trại, gia trại và nông hộ kết hợp với trồng trọt, tận dụng thức ăn thiên nhiên.

Đặc biệt, cần tạo chuỗi liên kết hiệu quả giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trên cơ sở đánh giá giữa nguồn cung và cầu đối với sản phẩm để dự báo thị trường tiêu thụ. Cần tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi ong, phát triển các nhóm hộ nông dân hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị…

Theo ông Tuấn, đó là những giải pháp căn cơ góp phần thúc đẩy nghề nuôi ong lấy mật phát triển theo hướng bền vững và có giá trị gia tăng cao, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Thu Hằng HP 
Ảnh: Diệu Thúy