Trong lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, năm 1816 là năm có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Đây là thời điểm mà vua Gia Long đã thi hành các biện pháp rất quyết liệt để khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Vương triều Nguyễn ở Hoàng Sa và Trường Sa, cho nên ông không thể không đưa lực lượng Thủy quân hùng mạnh của mình trực tiếp quản lý và bảo vệ chủ quyền ở các quần đảo giữa Biển Đông. Đến đây chức năng bảo vệ biển đảo bắt đầu được chuyển dần từ đội Hoàng Sa sang đội Thủy quân.

{keywords}
Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa Bắc Hải

Hải đội Hoàng Sa là một tổ chức nhà nước, vừa mang tính chất dân sự vừa mang tính chất quân sự; vừa có chức năng kinh tế, vừa có chức năng quản lý ở Biển Đông, ra đời từ đầu thời chúa Nguyễn. Đứng đầu đội Hoàng Sa là một "cai đội", những thành viên trong đội được gọi là "lính". Đó là những quân nhân đi làm nhiệm vụ do vua ban. Đầu tiên, những quân nhân ấy là những người dân thạo nghề biển, sống ở vùng ven biển Quảng Nam, Quảng Ngãi bây giờ nhưng tập trung chủ yếu vẫn là người ở Lý Sơn, do đó nhiều người đã gọi Lý Sơn là quê hương của Hải đội Hoàng Sa. Họ được các chúa Nguyễn xứ Đằng Trong chiêu mộ, giao cho nhiệm vụ ra Hoàng Sa và có trách nhiệm về báo cáo chính quyền tại thủ phủ Phú Xuân. Như vậy, rõ ràng họ là một lực lượng chính quy đại diện chính quyền xứ Đằng Trong đi thực thi nhiệm vụ tại một vùng biển thuộc sự cai quản của chính quyền ấy - quần đảo Hoàng Sa. Và như vậy, Hải đội chính là bằng chứng hùng hồn về sự xác lập chủ quyền của Đại Việt ở Đàng Trong đối với Hoàng Sa.

Trong bộ Phủ biên tạp lục, bộ sách gồm 8 quyển ghi chép lại hầu hết các thông tin quan trọng về kinh tế và xã hội của xứ Đàng Trong trong gần 200 năm từ cuối thế kỷ 16 đến khoảng năm 1776, nhà bác học Lê Quý Đôn đã viết: "Trước, họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng Hai nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn sáu tháng, đến tháng Tám thì về, đi bằng năm chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển ba ngày ba đêm, đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu như gươm, hoa bạc, tiền bạc, vòng bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cùng kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và hạng định xong mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rỗi lĩnh bằng trở về.” Trong đoạn ghi chép trên, Hải đội Hoàng Sa sau khi trở về từ biển phải đi vào cửa Eo, nay là cửa biển Thuận An (Thừa Thiên Huế), để đến báo cáo và giao nộp sản vật và tài vật đã thu được trên đảo tại thành Phú Xuân.

Dựa trên lịch sử phát triển xứ Đằng Trong, ta thấy các chúa Nguyễn đã có 8 lần dời chính dinh, riêng Phú Xuân đã hai lần được chọn, lần thứ nhất (1687–1712) dưới thời chúa Nguyễn Phúc Thái và lần hai (1738–1775) dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Lại cũng có một số tư liệu được lưu trữ tại các họ tộc khu vực Lý Sơn, Quảng Ngãi cho biết Hải đội Hoàng Sa được hình thành trước năm Tân Mùi (1831), thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Như vậy, rất khó để khẳng định chính xác Hải đội Hoàng Sa được thành lập vào năm nào nhưng cũng đã có thể ước đoán Hải đội được xây dựng vào khoảng tiền bán thế kỷ 17.

Phong trào Tây Sơn lớn mạnh, ép các chúa Nguyễn chạy vào đất Gia Định thì đội Hoàng Sa đặt dưới tầm kiểm soát của nhà Tây Sơn, tuy nhiên việc ra biển giai đoạn này cũng bị ảnh hưởng  ít nhiều và không được tập trung, chính quy như trong giai đoạn các chúa Nguyễn. Dù vậy, cũng có một số tài liệu ghi lại rằng năm Thái Đức thứ chín (1786), Thái phó Tổng lý quản binh dân chư vụ Thượng tướng công sai phái Võ Văn Khiết dẫn đội Hoàng Sa đi khai thác sản vật ở quần đảo Hoàng Sa.

Đến khi Nguyễn Phúc Ánh lập ra vương triều Nguyễn, vào năm Gia Long thứ hai (1803), Hải đội Hoàng Sa mới tái lập trở lại. Đại Nam thực lục chính biên, quyển XXII chép: “Võ Văn Phú được sai tái lập đội Hoàng Sa, chính khi ấy là thủ ngự cho cửa biển Sa Kỳ”.

Đến thời vua Minh Mạng, Hải đội Hoàng Sa lại một lần nữa xuất hiện trong chính sử với một nhiệm vụ đầy vinh quang và oai hùng là cắm mốc chủ quyền quốc gia. Đến thời Tự Đức, người ta không thấy các biên niên sử còn chép lại các hoạt động của Hải đội Hoàng Sa vì cũng theo sách Đại Nam thực lục chính biên, Đệ tứ kỷ, chép rằng từ đời Tự Đức thì những việc thành lệ thông thường không cần chép nữa. Như vậy có thể kết luận rằng những hoạt động của đội Hoàng Sa cũng như thủy quân liên quan đến việc dựng mốc và coi sóc mốc chủ quyền đã trở thành lệ thường.

Trong suốt chiều dài hơn một thế kỷ rưỡi tồn tại, thời gian đầu thành lập, như Phủ biên tạp lục đã chép, Hải đội Hoàng Sa thực hiện nhiệm vụ khai thác sản vật tại quần đảo Hoàng Sa như “vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân” và các sản vật này đã có rất nhiều.

Nhiệm vụ tiếp theo là thu gom tài vật trên đảo đem xung công quỹ. Tại sao lại có nhiệm vụ này? Đó là do dưới thời các chúa Nguyễn, quần đảo Hoàng Sa còn hoang vu và như một bãi cát mầu vàng, trải dài trên vùng biển. Bãi cát này cũng chính là nguồn gốc tên gọi Hoàng Sa hay Vạn Lý Hoàng Sa của quần đảo này. Do nằm chơi vơi giữa biển Đông nên có nhiều tầu bè, đặc biệt là tầu buôn, đi qua vùng biển này, gặp bão nên trôi dạt hoặc chìm giữa các bãi đá, bãi cát. Sau một thời gian, thủy thủ đoàn thuyền cũng không còn nữa, đồ vật trên thuyền trở nên lạc lõng giữa quần đảo. Chính bởi lẽ đó, các chúa Nguyễn mới cho người ra thu gom các tài vật đó về xung công quỹ.

Song song với nhiệm vụ khai thác sản vật và thu gom tài vật, Hải đội còn nhận lãnh nhiệm vụ ghi chép lại, đo đạc thủy trình từ đất liền ra quần đảo Hoàng Sa và vùng lân cận. Đây chính là các nhiệm vụ sơ khởi của Hải đội Hoàng Sa. Cùng thời gian này, các chúa Nguyễn đồng thời cũng thành lập đội Bắc Hải từ Bình Thuận, có chức năng tương tự là khai thác hải sản và thu gom hàng hóa từ đảo đảo Côn Lôn, đảo Phú Quý và các đảo xứ Bắc Hải, tức vùng biển phía Bắc của Bình Thuận trở ra, bao gồm cả quần đảo Trường Sa. Hải đội Bắc Hải này cũng do Hải đội Hoàng Sa kiêm quản, do đó trong một số ghi chép và sử sách chính thống có nhắc tới cái tên Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa hay Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.

iếp đến, trong tấu xin tách phường An Vĩnh khỏi xã An Vĩnh (nay thuộc huyện đảo Lý Sơn, đã được Lê Quý Đôn nhắc đến trong Phủ biên tạp lục) dâng lên triều đình Huế vào tháng hai năm Gia Long thứ 3 (1804) có ghi rõ An Vĩnh là nơi cung cấp nhân lực cho Hải đội Hoàng Sa xin nhận lãnh trách nhiệm do thám và bảo vệ vùng biển Hoàng Sa nhằm chống lại nạn cướp biển.

Đến năm 1815, vua Gia Long chính thức sai đội Hoàng Sa đi đo đạc thủy trình ở Hoàng Sa. Tuy nhiên, từ năm 1816, vua Gia Long bắt đầu cử thuỷ quân đi cùng với đội Hoàng Sa, không còn giao phó hoàn quyền kiểm soát biển đảo, đo đạc thủy trình cho đội Hoàng Sa nữa. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi trong giai đoạn này, các quốc gia lân cận cũng đã chú ý đến việc giao thương, chiếm lĩnh, tạo tầm ảnh hưởng trên biển Đông, cộng với đó là giặc biển ngày càng nhiều còn Hải đội Hoàng Sa, tuy là lực lượng chính quy, có vai trò đại diện cho quốc gia bấy giờ nhưng trên thực tế họ vẫn không phải là những người lính hải quân thực thụ, không đủ tinh nhuệ và thiện chiến để đối phó với các lực lượng khác trên biển Đông. Từ đây, Hải đội Hoàng Sa trở thành tổ chức hoạt động dưới sự điều phối của hải quân nhà Nguyễn và mang nhiều tính dân sự hơn so với thời các chúa Nguyễn, chủ yếu là hỗ trợ thủy quân đi thực hiện nhiệm vụ tại Hoàng Sa với vai trò đà công (lái thuyền) hoặc dân phu.

Đến thời vua Minh Mạng, trong Đại Nam thực lục chính biên, Đệ nhị kỷ, chép rằng vào năm Minh Mạng thứ mười bảy (1836), Bộ Công tấu vua hằng năm cho cử người ra Hoàng Sa cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền và đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ. Vua Minh Mạng phê chuẩn trong bản tấu rằng "Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ dài 4,5 thước, rộng năm tấc, dày một tấc làm cột mốc". Việc dựng mốc chủ quyền này đã trở thành nốt son chói lọi trong công cuộc khẳng định và gìn giữ chủ quyền biển đảo quê hương.

Như vậy, trong quá trình hoạt động của mình, Hải đội Hoàng Sa không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao mà còn hun đúc nên nhiều thế hệ lính Hoàng Sa can trường và dũng cảm đã có công trong việc đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ quần đảo và nhất là đã dựng bia chủ quyền đầu tiên của nước ta trên quần đảo Hoàng Sa mà câu chuyện về những người lính ấy sẽ được nhắc đến trong các phần tiếp theo của bài viết. Còn thông qua những nhiệm vụ đã lịch sử được lịch sử ghi nhận, Hải đội Hoàng Sa chính là những người đầu tiên xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa liên tục trong nhiều thế kỷ, bắt đầu từ tiền bán thế kỷ 17 cho đến hạ bán thế kỷ 19. Vì lẽ đó, Hải đội Hoàng Sa vẫn luôn được lưu danh thơm trong sử sách và đọng lại trong trí nhớ dân gian.

Đến nay, câu hỏi Hải đội Hoàng Sa kết thúc nhiệm vụ của mình lúc nào thì vẫn chưa có tài liệu chính thống nào trả lời việc này.

Ngọc Dũng