Giới nhà giàu thường nhấn mạnh, máy bay cá nhân là một “công cụ làm việc” cần thiết. Dù vậy, Bernard Arnault – người giàu thứ hai thế giới – vẫn buộc lòng phải từ bỏ việc sở hữu máy bay cá nhân, “nhờ” một đội quân chuyên theo dõi chuyến bay trên mạng.

Ông chủ Louis Vuitton cho biết, hiện tại không ai biết ông đi đến đâu nữa, vì đã chuyển sang thuê máy bay thay vì dùng phương tiện cá nhân.

Dù quyết định này của ông Arnault có thể khiến những người theo dõi ông buồn phiền, nó cho thấy công nghệ đã khiến cho việc theo dõi một ai đó trở nên dễ dàng như thế nào.

Ông Bernard Arnault. (Ảnh: Marc Deville/Gamma-Rapho)

Antoine Arnault, con trai của ông Bernad kiêm Giám đốc PR Louis Vuitton, từng nhận xét máy bay cá nhân là thứ tốt nhất để đi trước mọi đối thủ dù chỉ một bước nhỏ. Gia đình Arnaults không phải những người duy nhất dùng chuyên cơ để làm việc hay nghỉ dưỡng. Công ty dữ liệu Wingx chỉ ra có khoảng 3,3 triệu chuyến bay cá nhân năm 2021, trong khi các thống kê khác cho biết khoảng 22.000 máy bay cá nhân được đăng ký trên toàn cầu vào năm 2019.

Là người giàu thứ hai thế giới, nhất cử nhất động của ông Arnault được nhiều người quan tâm, trong đó có 37.000 người theo dõi tài khoản Twitter @LavionDeBernad.

Đầu năm nay, tỷ phú Elon Musk đề nghị đưa cho Jack Sweeney, một cậu bé tuổi teen điều hành tài khoản Twitter tương tự, 50.000 USD để dừng việc làm của mình lại. Các ngôi sao khác như Kylie Jenner, Taylor Swift hay Mark Zuckerberg đều bị lộ hành tung do phần mềm theo dõi chuyến bay.

Thông tin chuyến bay của Elon Musk được chia sẻ trên Twitter. (Ảnh: @Elon Jet)

Theo Ian Petchenik, người phát ngôn website theo dõi máy bay Flight Radar 24, việc loại bỏ một máy bay ra khỏi ứng dụng theo dõi chuyến bay không hề đơn giản. Thay vì tự đưa ra quyết định xem nên cấm thông tin chi tiết về máy bay nào, Flight Radar 24 phải tuân theo danh sách của chính phủ Mỹ về việc máy bay nào có thể và không thể hiển thị công khai.

Các đơn vị vận hành máy bay cá nhân muốn giấu chi tiết máy bay trên Flight Radar 24 và các website như vậy phải xin phép Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA). Quan chức FAA duy trì danh sách hạn chế hiển thị dữ liệu có tên Limiting Aircraft Data Displayed (LADD). Về cơ bản, nó áp dụng chủ yếu cho máy bay đăng ký tại Mỹ, nhưng có thể bao gồm các đơn vị vận hành khác trên thế giới.

Steffan Watkins, chuyên gia tình báo nguồn mở chuyên về theo dõi chuyến bay, cho biết danh sách LADD chỉ là một giải pháp tạm thời. Theo quy định của hàng không quốc tế, máy bay dân dụng phải có bộ thu phát sóng để chia sẻ vị trí. Dù tín hiệu thu phát là dành cho người điều khiển không lưu, những người đam mê có thể thiết lập hệ thống để tiếp nhận chúng.

Alan Turnbull, biên tập viên website Secret Base và cũng là một người yêu thích theo dõi chuyến bay, giải thích chỉ cần vài trăm bảng đã có thể mua thiết bị cần để theo dõi chuyến bay. Anh tiết lộ những tài khoản Twitter nói trên đều sử dụng những USB giá rẻ cùng phần mềm nguồn mở và ăng-ten phù hợp.

Một lựa chọn đơn giản hơn để thoát khỏi con mắt của công chúng là đăng ký một trong các hãng hàng không chuyên vận hành máy bay cao cấp. Dù vậy, lượng thông tin về các chuyến bay này cũng nhiều như của các máy bay cá nhân.

Phi công nghỉ hưu Mike Jenvey bày tỏ, đôi khi ông lo sợ khi phải phục vụ một số hành khách nhất định. Đó là những thành viên hoàng gia hay cá nhân giàu có. Luôn có rủi ro ai đó đang theo dõi họ tại một địa điểm nào đó. Vài ứng dụng cho phép tải lịch trình bay vô cùng chính xác.

Bất kể người đang ngồi ở khoang hành khách là ai, dường như không có đủ tiền hay thế lực nào có thể ngăn cản một người theo dõi họ từ xa, trừ khi họ từ bỏ sở hữu máy bay cá nhân hay thuê/chia sẻ máy bay với những người khác.

Du Lam (Theo Telegraph)