Ngày 9/3, Ủy ban Dân tộc và Bộ Nội vụ phối hợp tổ chức Hội nghị về công tác tín ngưỡng, tôn giáo đồng bào DTTS. 

Theo Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” (được Ban Tôn giáo Chính phủ công bố ngày 9/3/2023), ở Việt Nam có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số cả nước), hơn 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc và khoảng 29.658 cơ sở thờ tự.

Theo báo cáo chuyên đề, nước ta có 53 DTTS với hơn 14 triệu người. Thống kê từ các Ban Tôn giáo các tỉnh cho thấy, trong các cộng đồng DTTS ở Việt Nam, có hai dân tộc có đông đảo người dân tin theo tôn giáo đã lâu đời là cộng đồng người Khmer theo Phật giáo Nam tông và người Chăm theo Hồi giáo. Còn lại đại đa số các DTTS khác ở Việt Nam đều có truyền thống tín ngưỡng đa thần, thờ cúng rất nhiều các vị thần linh khác nhau. Ở khu vực Tây Bắc hiện có khoảng hơn 600 nghìn đồng bào theo đạo; trong đó hơn 200 nghìn tín đồ Tin lành, Phật giáo có trên 130 nghìn tín đồ, Công giáo trên 300 nghìn tín đồ. Khu vực Tây Nguyên hiện có trên 2 triệu người tín đồ, chiếm 36% dân số toàn vùng; trong đó Công giáo có khoảng 1 triệu người, Tin lành trên 578 nghìn tín đồ, còn lại là các tôn giáo khác.

W-anhminhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Cùng với tín ngưỡng truyền thống, hoạt động tôn giáo của đồng bào DTTS có những nét riêng độc đáo đã tạo nên một nền văn hóa đa dạng, nhiều màu sắc của các dân tộc. 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông khẳng định, vấn đề dân tộc và tôn giáo, tín ngưỡng luôn song hành, không thể tách rời. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với hàng loạt các nguồn lực chính sách thiết thực, đời sống của đồng bào DTTS nước ta ngày càng ổn định, phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách dân tộc cũng như tôn giáo, tín ngưỡng vẫn còn một số những tồn tại, hạn chế. Những hạn chế, tồn tại đó, đặt ra trách nhiệm đối với những người làm công tác tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực công tác dân tộc và tôn giáo.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông nhấn mạnh, cần tăng cường công tác phối hợp giữa Ủy ban Dân tộc và Bộ Nội vụ trong lĩnh vực công tác dân tộc và tôn giáo. Trong đó, trọng tâm là việc phối hợp trong công tác tuyên truyền; đào tạo bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ; phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học; lồng ghép vấn đề dân tộc, tôn giáo trong việc triển khai các chính sách dân tộc…

Tại hội nghị, các đại biểu đề nghị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào DTTS, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, hòa nhập phát triển cùng với đất nước; tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong cấp ủy, chính quyền và người dân về tín ngưỡng, tôn giáo và pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; nghiên cứu chính sách đặc thù ưu tiên tuyển dụng người DTTS đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp vào cơ quan dân vận, dân tộc, tôn giáo của địa phương, đặc biệt là đối với cấp cơ sở tại các địa bàn trọng điểm.

Đồng thời tiếp tục phối hợp nắm tình hình, kịp thời phát hiện và đấu tranh ngăn chặn hoạt động của các hiện tượng tôn giáo mới, hoạt động mang tính chất cực đoan, chống đối chính trị, không để các hiện tượng tôn giáo trên kích động, lôi kéo đồng bào DTTS tham gia vào các hoạt động biểu tình, bạo loạn, gây phức tạp về an ninh, trật tự...

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho rằng, Hội nghị đã thảo luận thẳng thắn nhiều nội dung trong công tác tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào DTTS. Thứ trưởng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo phát triển trên cơ sở hoạt động theo khuôn khổ pháp luật. Các tôn giáo cũng có đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Đồng thời, đồng thuận cao với đề xuất của Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc tăng cường công tác phối hợp giữa Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc trong lĩnh vực dân tộc và tôn giáo. 

Nhóm PV