Mời quý độc giả theo dõi video:

Sóc Trăng là nơi có đông cộng đồng người Khmer sinh sống. Những năm qua, lồng ghép thực án Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh đã thực hiện nhiều chính sách nhằm khôi phục các lễ hội cũng như phong tục tập quán của bà con Khmer.

Qua đó, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành đối với đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer; là dịp để đồng bào trình diễn, giao lưu các tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc, độc đáo của các nghệ sĩ, nghệ nhân cùng cuộc đua ghe Ngo truyền thống.

Có thể thấy, đời sống của đồng bào Khmer gắn liền với văn hóa, lễ hội; trong đó có lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo, được bà con tổ chức vào dịp rằm tháng 10 âm lịch hàng năm. Sự độc đáo của lễ hội này là những chiếc ghe Ngo dài khoảng 30m, mang màu sắc, hoa văn sặc sỡ do các nghệ nhân Khmer tạo nên. Hai bên thân ghe được trang trí, chạm trổ bằng hình ảnh vảy rồng, rắn Naga hoặc hoa lá cách điệu để tạo khí thế cho đội chơi.

Ghe Ngo tiếng Khmer gọi là Tuk Ngô, được bà con sử dụng để đua với nhau tại mỗi dịp lễ hội Óoc Om Bóc – Đua ghe Ngo, nhằm mục đích cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Lễ hội đua ghe ngo Sóc Trăng còn đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt cộng đồng, góp phần giáo dục về sự đoàn kết, tinh thần kỷ luật và rèn luyện khả năng chịu đựng giúp con người phát triển toàn diện về cả đức lẫn tài.

Ngày nay, lễ hội này đã trở thành một hoạt động văn hóa chung của cộng đồng trong khu vực, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống và củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

Giải đua ghe Ngo mang tính đại chúng rất cao và thể hiện sự gắn bó cộng đồng với sự tham gia của nhiều người.

Các cuộc đua ghe Ngo thường được diễn ra trong 3-4 giờ, nhận được sự reo hò, cổ vũ nhiệt tình của đông đảo người xem hội. Trong thời gian diễn ra lễ hội Óoc Om Bóc, tại nhiều nơi ở Sóc Trăng còn diễn ra các hoạt động nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp, thể thao, hội chợ hay diễn xướng dân gian truyền thống thu hút nhiều người đến chung vui.

Lễ hội Óoc Om Bóc - Ðua ghe Ngo của người Khmer cũng là niềm tự hào của cộng đồng dân cư Tây Nam Bộ khi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2015. Lễ hội Ok Om Bok - Ðua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng từng xác lập kỷ lục Việt Nam từ năm 2005 đến nay với số lượng ghe và vận động viên tham gia nhiều nhất.

Đây cũng là dịp đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào Khmer ở Sóc Trăng nói riêng và miền Tây Nam Bộ nói chung, bày tỏ tình cảm, niềm tin yêu của mình đối với Ðảng, Nhà nước, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng lòng, chung sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.