Vào tuần trước, Wistron, một trong ba đối tác lắp ráp iPhone cho Apple tuyên bố bán lại các nhà máy ở Trung Quốc cho Luxshare Precision Industry, cũng là một công ty đang sản xuất AirPods. Wistron cho biết sẽ bán hai chi nhánh tại phía đông Trung Quốc cho Luxshare với trị giá 3,3 tỷ tệ, tương đương 472 triệu USD.
Một trong hai chi nhánh này, được đặt tại thành phố Côn Sơn, tỉnh Tô Châu, là nhà máy duy nhất của Wistron hiện sản xuất iPhone, Bloomberg dẫn nguồn tin nội bộ.
Wistron, một trong ba đối tác sản xuất iPhone đã bán lại nhà máy ở Côn Sơn, Trung Quốc cho Luxshare. Ảnh: Wistron. |
Lắp ráp iPhone có còn "ngon"?
Đây là một bước đột phá của Luxshare, vốn trước đó mới chỉ được Apple ký các hợp đồng sản xuất tai nghe và phụ kiện. Mua lại nhà máy sản xuất iPhone sẽ giúp cho công ty Trung Quốc đại lục này gia nhập danh sách số ít trước đó chỉ toàn các tên tuổi Đài Loan.
Theo Bloomberg, việc ký kết lắp ráp iPhone với một công ty Trung Quốc sẽ giúp Apple "ghi điểm" với chính quyền Trung Quốc, đồng thời tạo lợi thế cho chính Apple khi đưa các đối tác của mình vào hoàn cảnh cạnh tranh với nhau. Tuy nhiên, việc Luxshare có thể mua lại các nhà máy này cũng có một phần lý do từ các chính sách bị ảnh hưởng của chiến tranh thương mại.
"Apple đưa Luxshare vào dây chuyền iPhone để giảm chi phí, trong khi đó các công ty Đài Loan thì sẵn sàng từ bỏ các đơn hàng mang lại lợi nhuận thấp. Đây cũng là động thái cho thấy các công ty Đài Loan muốn rời bỏ đại lục khi lợi nhuận ngày càng giảm bởi ngành gia công đang chuẩn hoá", Tsai Ming-fang, nhà kinh tế học tại đại học Tamkang nhận xét.
Các công ty Đài Loan đối tác của Apple đang chuyển hướng sang Ấn Độ vì lợi nhuận ở Trung Quốc quá thấp. Ảnh: AP. |
Lợi nhuận thấp có thể là lý do chính khiến Wistron muốn bán lại nhà máy tại Trung Quốc. Theo công ty phân tích Nomura, việc duy trì nhà máy tại Côn Sơn khiến Wistron gặp khó, khi nhà máy này chỉ đạt mức lợi nhuận hoạt động 0,2% trong năm 2019.
Không chỉ Wistron, nhiều công ty chuyên về gia công khác của Đài Loan như Foxconn, Pegatron hay Quanta cũng đang tìm cách đưa các chuỗi cung ứng ra khỏi nội địa Trung Quốc để tránh những tác động từ mức thuế cao do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Họ cũng muốn tìm kiếm những cơ hội kiếm lợi nhuận cao hơn. Mặc dù iPhone là dây chuyền sản xuất có giá bán rất cao, việc lắp ráp những chiếc điện thoại yêu cầu các công ty này phải duy trì đội ngũ công nhân hàng trăm nghìn người, với nhiều rủi ro về mặt quản trị và lợi nhuận cũng không cao.
Trong khi đó, Apple vẫn đang muốn mở rộng các nhà cung cấp ở nội địa Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường thế giới diễn tiến phức tạp.
Bước đột phá của Luxshare
Mặc dù các hợp đồng lắp ráp iPhone đã kém hấp dẫn hơn với các đối tác truyền thống của Apple, đây vẫn là ngành kinh doanh mà Luxshare rất muốn nắm giữ. Theo Bloomberg, sau khi mua lại nhà máy của Wistron, công ty này có thể lắp ráp iPhone từ năm 2023.
Nhiều năm nay, Luxshare đã sản xuất đủ các loại phụ kiện, sản phẩm khác cho Apple, bao gồm cả sạc, cáp, tai nghe EarPods tới AirPods. Chính hợp đồng sản xuất AirPods giúp cho cổ phiếu Luxshare lọt vào nhóm tăng trưởng tốt nhất năm 2019. Bloomberg nhận định lắp ráp iPhone sẽ là một chiến thắng của Luxshare.
Tuy nhiên, chưa thể khẳng định Luxshare sẽ sớm trở thành đối tác sản xuất iPhone lớn của Apple. Wistron hiện tại cũng chỉ sản xuất khoảng 5% số lượng iPhone, theo số liệu của Nomura. Hai đối tác lắp ráp iPhone khác của Apple là Pegatron và Hon Hai Precision Industry (Foxconn). Những hợp đồng sản xuất iPhone dành cho Luxshare có thể gây ảnh hưởng tới Pegatron.
Trước đó, Luxshare đã sản xuất cáp, sạc, tai nghe có dây và AirPods cho Apple. Ảnh: HOPLUC CONSTRUCTION. |
"Pegatron có thể bị ảnh hưởng nặng nề và sụt giảm khoảng 3-4% doanh thu. Hon Hai thì có ngành kinh doanh đa dạng hơn, nên sẽ ít bị ảnh hưởng", nhà phân tích Matthew Kanterman và Nathan Naidu của Bloomberg Intelligence nhận định.
Foxconn hiện chiếm hơn 50% sản lượng iPhone. Đó là lý do Apple muốn thúc đẩy một đối tác khác nhằm đa dạng hoá chuỗi cung ứng.
"Rất có thể Apple sẽ hỗ trợ đối tác của mình và tăng số lượng đơn hàng dần dần, vì họ muốn đa dạng hoá chuỗi cung ứng thay vì phụ thuộc vào hai đối tác chính", hai nhà phân tích của Bloomberg Intelligence nhận xét.
Trước đó, theo nguồn tin của Nikkei Asian Review, Apple đã khuyên Luxshare đầu tư mạnh vào các nhà cung cấp khung vỏ cho iPhone và MacBook. Luxshare đã đàm phán với Catcher Technology, nhà cung cấp vỏ kim loại lớn thứ hai thế giới, trong hơn 1 năm qua và sắp tiến tới những bước thỏa thuận tiếp theo.
Nếu thỏa thuận thành công, Luxshare có thể sản xuất khung vỏ kim loại chất lượng cao, kết hợp với hiểu biết về lắp ráp smartphone để đạt trình độ sở hữu gần như toàn bộ chuỗi cung ứng linh kiện điện tử. Đây có thể coi là bước cuối cùng giúp Luxshare nhận được hợp đồng sản xuất iPhone từ Apple, cạnh tranh với Foxconn.
"Đối với Apple, việc hỗ trợ Luxshare tăng trưởng mang lại lợi ích cho cả hai. Việc này không chỉ giúp Luxshare nâng cao chất lượng và giảm giá thành, mà còn giúp Apple thâm nhập sâu hơn vào thị trường sản xuất của đất nước 1,3 tỷ dân", một vị quản lý trong ngành cung ứng nói với Nikkei.
Với những thông tin nói trên, có thể thấy còn nhiều năm nữa Luxshare mới trở thành một đối tác sản xuất iPhone quan trọng của Apple. Cũng chưa thể khẳng định công ty này sẽ chuyển dây chuyền sản xuất iPhone sang Việt Nam. Công ty TNHH Luxshare-ICT Việt Nam, công ty con thuộc Tập đoàn Luxshare-ICT Precision đang có ba nhà máy tại Việt Nam đặt tại các khu công nghiệp trong khu vực Bắc Giang, Bắc Ninh và Nghệ An.
Theo Zing
Dấu hiệu Apple sắp mở nhà máy iPhone ở Việt Nam
Với việc Apple tuyển dụng một loạt vị trí tại Việt Nam, một số chuyên gia trong ngành cho rằng hãng muốn mở rộng các sản phẩm sản xuất trong nước.