Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát trò chuyện với diễn viên chính phim 'Hồng Hà nữ sĩ' mà bà là Giám đốc sản xuất. 

 
- Chọn đề tài về nhân vật lịch sử có thật rất khó để làm hay và cũng dễ bị dư luận soi mói, tại sao bà lại chọn hướng đi khó khăn này?

Thật ra tôi không chọn đề tài lịch sử này mà chính đề tài này chọn tôi. Tôi là người Hưng Yên nên hay về Phố Hiến chơi với các bạn văn thân thiết.

Một hôm, người bạn làm Giám đốc Đài Truyền hình Hưng Yên bảo tôi rằng quê mình có nữ sĩ Đoàn Thị Điểm - danh nhân văn hóa hay thế, nổi tiếng thế chị đưa lên phim đi. Thoạt đầu tôi cũng lo ngại - không phải việc ngồi viết vất vả mà là viết xong kinh phí đâu để làm. Anh Giám đốc cũng là người tốt nghiệp khoa Văn - Sử Đại học Tổng hợp đã chỉ cho tôi một số đầu sách và tác phẩm bà Đoàn Thị Điểm viết.

Thấy đề tài và việc làm này có ý nghĩa, tôi lao vào tìm sử liệu. Càng đọc tôi càng thích thú và khâm phục một phụ nữ sống trước mình 3 thế kỷ mà giỏi, tài hoa thế, công - dung - ngôn - hạnh vẹn toàn. 

Sau một thời gian miệt mài say mê, tôi dựng xong được đề cương kịch bản cho 10 tập phim truyền hình. Anh bạn đọc rất thích và trình lãnh đạo tỉnh nhưng thật buồn, họ bảo không có tiền. Thế là đề cương phim nằm im.

Hai năm sau, Cục Điện ảnh hô hào các nhà biên kịch có đề cương gửi lên để Cục lựa chọn đặt hàng viết kịch bản. Tôi tiếc công, tiếc của và như có một điều tâm linh gì đó thôi thúc nên bố cục lại đề cương về bà Đoàn Thị Điểm. Khi ấy, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông đang kiêm chức Cục trưởng đọc được và gọi điện đặt tôi viết. Và kịch bản đã ra đời, Hội đồng duyệt quốc gia thông qua và được Bộ VHTT&DL quyết định đặt hàng HONGNGAT FILM sản xuất năm 2022-2023.

- Được biết trong ngày bấm máy 'Hồng Hà nữ sĩ', hậu duệ của bà Đoàn Thị Điểm đã tới chúc mừng đoàn phim. Không rõ bà có tham khảo ý kiến và lấy thông tin từ gia đình bà Đoàn Thị Điểm khi viết kịch bản và xây dựng phim này để bám sát thực tế và nhân vật nhất?

Tôi rất vui khi được họ hàng hậu duệ của gia đình bà và hậu duệ của phu quân bà - TS. Nguyễn Kiều luôn ủng hộ nhiệt tình. Tôi cảm kích khi chị Sơn - người cháu hiện chịu trách nhiệm săn sóc khu mộ - di tích quốc gia của hai ông bà luôn quan tâm gọi điện hỏi han và thông báo các cuộc hội thảo cũng như các cuốn sách mới xuất bản về ông bà.

Khi viết kịch bản, tôi phải giữ sự kiện xảy ra trong đời nữ sĩ mà sử liệu đã ghi lại cộng với sự sáng tạo mà nghệ thuật biên kịch cho phép - miễn sao hợp lý và hay. 

Hình ảnh trong phim 'Hồng Hà nữ sĩ'.

- Nghị định 128/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/2 quy định ở khoản b, điều 6 "Vi phạm quy định về nội dung bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh" với nội dung "Tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về an ninh mạng" sẽ bị phạt lên tới 50 triệu đồng. Bà có ý kiến gì? 

Nghị định này ra đời là để bảo vệ các yếu nhân và công việc quan trọng của các yếu nhân đó. Còn về công việc cũng như đời tư các nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ từ xưa đến nay chả bí mật nào giấu được. Vì chính họ đã thổ lộ trong sáng tác cũng như trong các bài báo. Cấm chăng là cấm nói sai sự thật có tính bôi nhọ thì đúng hơn.

- Làm về các nhân vật có thật nhưng điện ảnh lại cần sự sáng tạo, thăng hoa, nhiều chi tiết có thật có thể được nhà làm phim thay đổi cho hấp dẫn, vậy làm sao dung hòa cả hai yếu này trong phim?

Đó là nghệ thuật riêng của mỗi người cầm bút sáng tác. Viết sao cho hay, cho hấp dẫn lại trung thực với lịch sử là điều không bao giờ dễ dàng. 

- Khi phim hoàn thành, bà có ý định mời hậu duệ của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm tới xem và góp ý? Giả dụ họ yêu cầu phải chỉnh sửa thì mình sẽ tính sao? 

Phim làm xong, buổi chiếu đầu tiên phải mời những người có trách nhiệm và tạo điều kiện cho bộ phim ra đời trước tiên và đương nhiên có cả hậu duệ của hai cụ đến xem nữa. Cần góp ý gì phải góp từ khi đọc kịch bản, phim đã xong khó sửa chữa trừ những lỗi nhỏ. Khi viết, tác giả đã tự là người biên tập lấy rồi, rất biết cái gì nên làm, cái gì nên tránh. Khắc họa nguyên cuộc đời thật của bà đã đẹp và hay lắm rồi - một con người hiếu thảo, tình nghĩa, đầy đức hy sinh lại tài hoa mẫn tiệp. Phim làm về người xưa để soi lại đời nay.

- Làm phim lịch sử về danh nhân có thật, thách thức lớn nhất với những nhà làm phim là gì và điều thú vị nhất là gì? Bà chờ đợi gì ở tác phẩm 'Hồng Hà nữ sĩ' khi phim ra rạp, đến với khán giả?

Hạnh phúc lớn nhất thì có. Thách thức lớn nhất không phải là đề tài lịch sử hay đề tài đương đại mà là kinh phí. Kinh phí của tư nhân hay Nhà nước thì vẫn là tiền, là mồ hôi nước mắt - lấy ở đâu ra? Đồng tiền nào cũng khó nhọc cả. Nếu không có nó, phim vẫn chỉ nằm trên giấy, không ra được màn ảnh. Đơn giản thế thôi. 

Làm phim về các nhân vật lịch sử có thật luôn là thách thức.