Phim lộ bí mật đời tư: phạt 50 triệu

Theo Nghị định 128/2022/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2 tới, khoản b, điều 6 "Vi phạm quy định về nội dung bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh" quy định: Tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác..., trừ trường hợp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về an ninh mạng sẽ bị phạt tới 50 triệu đồng.

Chi tiết Khánh Ly cho rằng không có thật trong phim 'Em và Trịnh'. 

Trước đó, dư luận ồn ào quanh Em và Trịnh - bộ phim tiểu sử làm về nhân vật có thật là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Dù nhạc sĩ đã mất nhưng nhiều nhân vật được nhắc đến trong phim vẫn còn sống. Ca sĩ Khánh Ly phản ứng về tình tiết bà đút sữa chua cho Trịnh Công Sơn khi còn trẻ, lúc hai người gặp trong quán cafe và cho rằng hành động, lời nói của mình không buông tuồng như trong phim.

Trả lời truyền thông, Khánh Ly nói bà không dám dùng những từ ngữ suồng sã với ông như “anh thó của ông Văn Cao à” (một câu thoại trong phim). Khánh Ly miêu tả mối quan hệ giữa bà và Trịnh Công Sơn đầy kính trọng và không giống như trên phim tái hiện.

Đỉnh điểm, gia đình bà Michiko Yoshii - nàng thơ một thời của Trịnh Công Sơn đã lên tiếng phản đối nhà sản xuất Em và Trịnh vì hành vi phổ biến đời sống riêng tư của bà đến công chúng khi chưa xin phép. Phía bà Michiko yêu cầu nhà sản xuất xin lỗi công khai. 

Nguyên mẫu nhân vật Michiko phản ứng với phim 'Em và Trịnh'. 

Trường hợp bị nhân vật liên quan phản ứng như Em và Trịnh khá phổ biến trên thế giới, nhất là với những nền điện ảnh lớn thường xuyên khai thác các nhân vật có thật như chính trị gia, thành viên hoàng gia, người nổi tiếng. Phim Once Upon a Time in Hollywood sản xuất năm 2019 từng thắng 2 giải Oscar cũng vấp phải sự phản đối của người thân nhân vật Lý Tiểu Long. Gia đình huyền thoại võ thuật trên màn ảnh cho rằng hình tượng của cố võ sĩ trong phim được Hollywood xây dựng quá ngạo mạn. 

Ngày 31/7, Linda Lee Cadwell - vợ Lý Tiểu Long trả lời Los Angeles Times lúc phim ra mắt. Bà khẳng định: "Tôi nghĩ nhân vật giống phiên bản biếm họa của ông ấy. Nó hoàn toàn khác ông ấy ngoài đời". Điều đó cho thấy làm phim về các nhân vật có thật không dễ dàng và khó xác định thế nào là đúng - sai.

 Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành trong ngày khai máy phim 'Hồng Hà nữ sĩ' ngày 7/1 làm về nhân vật lịch sử có thật là bà Đoàn Thị Điểm. 

Thế nào là vi phạm đời tư?

Trả lời VietNamNet về vấn đề "tiết lộ bí mật đời tư trên phim", Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nói phải xác định hành vi vi phạm đời tư nhìn ở góc độ thế nào cho phù hợp. "Vì thực tế hoạt động sáng tác phim ảnh có nhiều phim, kịch bản, nội dung đề cập đến phần đời tư nào đó của cá nhân ngoài xã hội.

Nghị định 128 quy định về điều đó, không chỉ quy định với điện ảnh mà với các lĩnh vực khác đều được đề cập ở bộ luật Dân sự, đó là quyền bảo vệ bí mật đời tư. Còn nội dung đưa vào Nghị định 128 vừa rồi là xử phạt ở mức 50 triệu đồng, theo tôi là tăng so với Nghị định 38 trước đó rồi. Chế tài và mức đưa ra có tính chất cảnh tỉnh và cảnh báo. Tìm hiểu khung chế tài so với luật khác và quy định khác liên quan đến vấn đề này thì thấy mức 50 triệu là phù hợp vì nó phải tương quan với các quy định khác. 

Thế nào là vi phạm đời tư? Câu hỏi này chúng ta phải nhìn nhận hết sức cân nhắc vì bản thân điện ảnh là tác phẩm nghệ thuật hư cấu nên người làm phim sử dụng thông tin và vấn đề liên quan đến đời tư ở mức nào gọi là vi phạm, đến mức nào chấp nhận được?".

Người đứng đầu ngành điện ảnh cũng nói thêm, tư liệu về đời tư là chất liệu ban đầu, vấn đề là khai thác đến đâu và nếu chạm đến đời tư, nên có thỏa thuận xin phép với nhân vật. Ông cho biết Hội đồng duyệt phim quốc gia cũng đã đưa ra cách xử lý tình huống cho những phim liên quan đến nhân vật có thật ngoài đời. Hội đồng khuyên nhà sản xuất có dòng chữ đầu phim thông báo rằng câu chuyện và nhân vật trong phim là hư cấu, mọi sự trùng hợp với thực tế là ngẫu nhiên. 

Minh Hằng vào vai Ba Trà trong 'Chị chị, em em 2'. 

Trước câu hỏi của VietNamNet: "Sau khi Nghị định 128 ra đời, Hội đồng duyệt phim có phải cân nhắc nhiều hơn khi duyệt phim liên quan đến nhân vật có thật? Hội đồng có phải tìm hiểu kỹ hơn xem chi tiết trong phim có vi phạm đời tư hay không để ngăn chặn từ trước lúc ra rạp mà xử phạt?", ông Vi Kiến Thành đã có chia sẻ thẳng thắn.

Ông nói: "Khi duyệt phim nào có liên quan đến nhân vật có thật ngoài đời thì Hội đồng phải tìm hiểu trước khi vào xem. Hội đồng cũng sẽ trao đổi với nhà sản xuất xem họ đã xin phép nguyên mẫu ngoài đời chưa".

Ông Vi Kiến Thành cho hay mới đây khi duyệt phim Chị chị, em em 2 sắp ra rạp có đề cập tới nhân vật Ba Trà là kỹ nữ miền Nam xưa, Hội đồng yêu cầu nhà làm phim phải có dòng thông báo rằng mọi sự trùng hợp đều là ngẫu nhiên vì phim là tác phẩm hư cấu. 

'Thanh Sói' lấy cảm hứng từ nhiều nhân vật có thật trong giang hồ. 

Có thể thấy với những quy định mới trong Nghị định 128 sắp có hiệu lực, các nhà làm phim có đề cập đến nhân vật có thật sẽ phải cẩn trọng hơn trong quá trình sáng tác. Họ không chỉ nghiên cứu kỹ về nhân vật mà còn phải có sự chấp thuận của nhân vật (nếu còn sống) hoặc gia đình nhân vật đó để tránh rắc rối khi phim công chiếu.

Ngoài ra, nếu tên nhân vật đã được thay đổi, các nhà làm phim nên có dòng thông báo trước khi chiếu việc các nhân vật chỉ là hư cấu, mọi sự trùng hợp đều là ngẫu nhiên. Cách làm này đã được áp dụng rộng rãi ở rất nhiều phim Hàn Quốc chiếu rạp và gần đây cũng đã xuất hiện trong phim Thanh Sói của Ngô Thanh Vân