Cụ thể hóa phong trào “Bộ đội biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Mươn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, bảo vệ vững chắc vùng biên cương Tổ quốc, gắn bó máu thịt với đồng bào các dân tộc, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân tham gia củng cố quốc phòng, an ninh vùng biên giới.

Đồn Biên phòng Mường Mươn phụ trách, quản lý 3 xã biên giới là Mường Mươn, Na Sang và Ma Thì Hồ. Với sự góp sức, hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ biên phòng, những năm qua, 3 xã biên giới có sự chuyển biến tích cực; các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc được triển khai thực hiện có hiệu quả, cơ sở hạ tầng được đầu tư, xây dựng nông thôn mới nhiều khởi sắc.

W-20240412_152757.jpg
Lực lượng Bộ đội Biên phòng cùng các địa phương vùng biên xây dựng nông thôn mới. 

Đảng ủy, Ban Chỉ huy đơn vị đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền 3 xã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh.

Trong đó, Đồn Biên phòng Mường Mươn phối hợp với công an, quân sự, UBND 3 xã biên giới triển khai xây dựng, sửa chữa 447 nhà theo tiêu chí 3 cứng cho hộ nghèo trên địa bàn, 189 nhà đại đoàn kết theo Đề án 09 của UBND tỉnh Điện Biên vận động các tổ chức, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân có nhiều hoạt động thiện nguyện giúp đỡ các nhà trường, các gia đình khó khăt, hộ nghèo trên địa bàn biên giới. 

Phối hợp với 3 xã biên giới tập trung tuyên truyền trong nhân dân về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác cây công nghiệp, nông nghiệp; phối hợp xây dựng các mô hình điển hình giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ con giống, vật nuôi cho các gia đình khó khăn, vươn lên thoát nghèo.

Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Điện Biên, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mường Chà, Hội Phụ nữ xã Mường Mươn tổ chức truyền thông về ý nghĩa thành lập mô hình “Phát triển sinh kế, xây dựng gia đình hạnh phúc”; Mô hình điểm “Tổ truyền thông cộng đồng”, truyền thông về kiến thức trồng trọt, chăn nuôi sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm tại bản Púng Giắt 1, 2, bản Huổi Ho và tặng 120 suất quà cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. 

mường mươn 3.jpg
Đồn Biên phòng Mường Mươn phối hợp với Đại đội Biên phòng 116, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phong Sa Lỳ (Lào) tuần tra biên giới.

Hiện đời sống nhân dân trên địa bàn Đồn Biên phòng Mường Mươn đứng chân đã có bước cải thiện đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo giảm theo các năm, cơ cấu vật nuôi, câu trồng chuyển dịch đúng hướng, kinh tế trang trại bước đầu hình thành phát triển, nhiều hộ gia đình có mức thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm.

Việc xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư luôn được các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị quan tâm đầu tư. Bộ mặt nông thôn dần có sự khởi sắc, cơ bản 78% các bản đều có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; tỷ lệ thôn (bản) đạt tiêu chuẩn làng văn hóa, hộ gia đình văn hóa ngày một tăng. 

Từng bước nâng cao chất lượng hệ thống trường học, trạm xá, thông tin truyền thông… đáp ứng nhu cầu cho nhân dân ở khu vực biên giới; công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân; xây dựng các mô hình kinh tế, xây dựng mái ấm cho người nghèo.

Tổ chức tốt các chương trình “Nâng bước em đến trường, con nuôi Đồn Biên phòng”; tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao… góp phần nâng cao nhận thức, đời sống vật chất, tinh thần nhân dân; củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân các dân tộc biên giới đối với Đảng, Nhà nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.  

Nhiều mô hình, phong trào, sáng kiến giúp dân đang triển khai và có kết quả cao như: Mô hình trồng dứa theo hướng nông nghiệp sạch, ứng dụng khoa học công nghệ ở bản Na Sang, bản Nậm Pó ở xã Na Sang từ năm 2006 đến nay. Hiện sản phẩm dứa Na Sang được công nhận là sản phẩm OCOP của xã Na Sang (Mường Chà). Mô hình bưởi da xanh ở bản Mường Mươn 1, 2 bắt đầu trồng từ năm 2017 với diện tích 15,2ha. Hiện nay bưởi phát triển tốt, cho thu hoạch từ 10 đến 15 triệu/hộ. Mô hình trồng ngô chiêm xuân ở bản Phúng Giắt 1, 2 bắt đầu trồng thí điểm từ 2018 với diện tích hàng năm là 7ha, sản lượng 23 tạ/ha/vụ, thu nhập từ 20 đến 25 triệu đồng/năm/hộ. 

Anh Nguyễn Văn Tiến, cán bộ Đồn Biên phòng Mường Mươn tăng cường về cơ sở làm Phó bí thư Đảng ủy xã Mường Mươn chia sẻ: "Để làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới, với vai trò là cán bộ biên phòng tăng cường phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, tôi đã tham mưu với Đảng ủy xây dựng Nghị quyết lãnh đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Đặc biệt là chuyển đổi đất trồng một vụ luân canh sang trồng bí xanh, mang lại thu nhập cao cho nhân dân, phát triển rất tốt.

Hiện nay, phần lớn bà con ở 5 bản vùng thấp đã chuyển đổi sang trồng bí xanh. Với 5 bản vùng cao, trồng lúa nương, tôi cũng tham mưu Đảng ủy, chính quyền nhân dân chuyển đổi đất nương trồng lúa xấu sang trồng cây sắn. Qua thời gian đánh giá, cây sắn mang lại thu nhập tốt cho bà con. Bên cạnh đó, với chăn nuôi, xã định hướng, thực hiện mô hình nuôi hươu sao theo hướng sinh học với sự hướng dẫn kỹ thuật của Phòng Nông nghiệp huyện. Mô hình này hiện đang cho kết quả khả quan với 26 hộ tham gia nuôi". 

Thời gian tới, Đồn Biên phòng Mường Mươn sẽ tiếp tục tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương 3 xã biên giới xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân lựa chọn các mô hình và nhân rộng mô hình đã thí điểm có hiệu quả như cây ngô chiêm xuân; cây dứa và vận động nhân dân trồng lạc ở bản Hin 1, xã Na Sang, xã Mường Mươn; trồng khoai tây, bí xanh theo chuỗi liên kết doanh nghiệp, chính quyền và nhân dân tại địa bàn xã Ma Thì Hồ. 

Quỳnh Nga