Doanh thu giảm 40-60%

Theo đó,  Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho hay, đơn hàng năm 2023 của khách hàng là các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam giảm sút rất nhiều, cao nhất là gần như cắt toàn bộ, thấp nhất cũng ở mức 15-20%. Trung bình doanh thu công ty hội viên VASI suy giảm khoảng 40-60% đối với khách hàng cũ tại nội địa. Đơn hàng xuất khẩu cũng giảm nhiều, tùy lĩnh vực và chủng loại, nhưng tốc độ thấp hơn, trung bình là khoảng 20-50%. 

W-1cnctech-thang-long-3.jpg
Doanh nghiệp CNHT còn nhiều khó khăn (ảnh: Băng Dương)

Tình hình năm 2024 cũng chưa có nhiều khả quan. Đa số khách hàng đã thông báo kế hoạch là vẫn tiếp tục giảm hoặc phục hồi nhẹ. Các ngành hàng công nghiệp tiêu dùng như xe máy, ô tô, điện tử có dấu hiệu suy giảm cao nhất. 

Tuy hầu hết các khách hàng cũ đều giảm đơn hàng, có rất nhiều khách hàng mới, đặc biệt là từ Hoa Kỳ đang nỗ lực tìm kiếm nhà cung cấp tại Việt Nam. Do đó, các công ty hội viên VASI nào có được khách hàng mới thì doanh số vẫn gia tăng nhanh, có công ty còn đầu tư nhà máy mới.

Cần có giải pháp giảm chi phí, giá thành

Trước bức tranh tóm tắt như vậy, VASI đề xuất Bộ Công Thương và Chính phủ một số giải pháp hỗ trợ cho sản xuất CNHT.

Thứ nhất, do tác động của chuyển dịch địa chính trị kể trên, cơ hội để tham gia vào chuỗi cung ứng cho khách hàng toàn cầu, đặc biệt là khách hàng Bắc Mỹ, hiện nay rất lớn. Doanh nghiệp CNHT Việt Nam đã lớn mạnh hơn, cần phát triển mạnh hơn thị trường xuất khẩu, không thể phụ thuộc nhiều vào dung lượng thị trường nội địa như hiện tại. Do vậy, VASI kiến nghị Cục xúc tiến thương mại hỗ trợ Hiệp hội ngành hàng như VASI có các chương trình hiệu quả để xúc tiến các thị trường này.

2-cnctech-thang-long-7.jpg
DN cần được hỗ trợ giảm chi phí (ảnh: Băng Dương)

Thứ hai, hiện nay các sản phẩm CNHT hầu hết là chi tiết rời rạc, khó đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu. VASI đã hình thành nhóm dự án bao gồm doanh nghiệp từ các ban khác nhau (cơ khí, nhựa, điện, điện tử) để phát triển các cụm linh kiện, nhưng chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Vì vậy, VASI kiến nghị Cục Công nghiệp, trong Chương trình phát triển công nghiêp hỗ trợ, ưu tiên cho nội dung này, để Việt Nam có thể sản xuất được các cụm linh kiện hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu của khách hàng toàn cầu. 

Thứ ba, đối với các lĩnh vực mới, Hiệp hội đề nghị chính sách cần được dự báo trước, có định hướng rõ rệt và tạo thuận lợi cho sản xuất trong nước, không để bị động như các ngành công nghiệp tiêu dùng trước đây (xe máy, ô tô, điện tử gia dụng, điện thoại…).  Các chính sách liên quan đến định hướng và ưu tiên phát triển, kể cả yêu cầu về tỉ lệ nội địa hóa, cho các ngành mới nổi cần sớm ban hành, như: turbin cho điện gió, các tấm quang năng cho điện mặt trời, công nghiệp bán dẫn, ô tô điện, hàng không vũ trụ. Từ đó, các doanh nghiệp CNHT có căn cứ để chuẩn bị nguồn lực và định hướng đầu tư sản xuất dài hạn. 

Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp CNHT vượt qua khó khăn của suy thoái kinh tế toàn cầu, tận dụng hiệu quả cơ hội thị trường hiện nay, và đủ sức cạnh tranh với các đối thủ láng giềng ngay tại nội địa, VASI kiến nghị Chính phủ có các giải pháp thiết thực, hiệu quả, để có thể giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp sản xuất, như hỗ trợ giảm lãi suất vay từ ngân hàng thương mại; hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất phù hợp với quy mô nhỏ của doanh nghiệp CNHT (dưới 1000 m2) và giảm giá thuê đất; có giải pháp dài hạn và bền vững về đảm bảo ổn định nguồn nguyên vật liệu đầu vào cho các ngành sản xuất chế tạo. 

Đồng thời, Luật Công nghiệp cần được soạn thảo và ban hành sớm nhất, làm cơ sở cho các chính sách quyết liệt và hiệu quả, tạo dung lượng thị trường đủ lớn cho các ngành công nghiệp chế tạo, cũng như việc chủ động nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào, đảm bảo tính tự chủ và phát triển bền vững cho nền công nghiệp quốc gia.

Băng Dương