Khác với mọi năm, năm nay gia đình anh Nguyễn Hoàng, sống tại Thanh Đa, phải ăn Tết ở Thành phố Hồ Chí Minh, bởi khu nhà anh bị phong tỏa do có người dương tính với Covid-19. Không về ăn Tết được với gia đình ở quê nhà Đà Nẵng, cũng không thể đi được đâu, anh Hoàng quyết định chuyển sang hình thức ăn Tết Online.
Nguyễn Đình Bắc (góc trái trên cùng) gọi video đón Tết online cùng gia đình họ hàng
Tối 30 Tết, anh thực hiện một cuộc gọi video về cho bố mẹ ở quê để cho họ biết tình hình đón Tết của gia đình mình ở Hồ Chí Minh, đồng thời hỏi thăm bố mẹ chuẩn bị đón giao thừa thế nào. Đến giao thừa anh thực hiện cuộc gọi lần nữa để cả nhà cùng đón giao thừa với nhau, tuy cách xa nhưng nhờ công nghệ nó giúp gia đình anh có cảm giác gần hơn.
Sau đó anh tiến hành nhắn tin chúc Tết đối với những người thân cũng như bạn bè của mình qua chiếc smartphone, lên mạng xã hội viết lời chúc Tết lên tường gửi đến tất cả mọi người.
Sáng mùng 1, do là trưởng họ, nên tất cả họ hàng thường tập trung ở gia đình anh ở quê để sum họp đầu năm, là cháu đích tôn anh không thể không xuất hiện, thế là một cuộc gọi video nữa được tiến hành, ở đó anh có thể gặp tất cả mọi người và gửi lời chúc Tết. Sau đó, anh tiến hành gửi lì xì online thông qua các ví điện tử có tích hợp tính năng này đến các cháu của mình và nhận lì xì online từ mọi người cho các con về ví điện tử của mình.
Anh cũng không quên dạo các group quen thuộc trên mạng xã hội để tiến hành hỏi thăm tình hình ăn Tết của các chiến hữu và tạo phòng họp mặt trên đó để làm vài ly online với họ.
Dù cảm thấy có một chút thiếu vắng khi không trực tiếp ăn Tết với gia đình, nhưng nhờ công nghệ anh Hoàng cho biết, ăn Tết Online như thế này cũng chấp nhận được, bởi như thế nó tạo ra sự an toàn cho mọi người trong hoàn cảnh dịch Covid-19 đang lây lan như hiện tại.
Một chương trình đón Tết Online mùa Covid-19
Hải Âu, một nhân viên ngân hàng tại Tp.HCM năm nay cũng không về quê ăn Tết được và xác định Tết này ở nhà không đi đâu vì dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Cô đã vạch ra cho mình một kế hoạch ăn Tết Online rất thú vị, đó là mùng 1 sẽ dạo chơi trên trung tâm thương mại Shopee, mùng 2 ghé xem phim ở rạp Netflix, mùng 3 đi quẩy trên Tiktok và mùng 4 dạo nhẹ đường hoa thông qua Facebook.
Tương tự, Hoàng Nam, một nhân viên làm trong lĩnh vực online tại Tp.HCM cũng lần đầu tiên đón Tết xa gia đình khi là F2 của một ca dương tính Covid-19, buộc phải ở lại thành phố. Sau khi tiến hành gọi video về hỏi thăm tình hình ăn Tết của gia đình, mùng 1 Nam lướt một vòng trên mạng xã hội để thưởng thức không khí Tết từ những người thân cũng như bạn bè của mình đưa lên. Tiếp đó tiến hành nhậu online với các bạn bè cùng chung cảnh ngộ ăn Tết xa nhà như mình. Mở ví điện tử ra lì xì online đến các cháu ở nhà và cuối cùng vào xem diễn biến mấy đồng tiền ảo mà anh đang đầu tư. Nam cho biết, mặc dù ăn Tết một mình hơi buồn, nhưng nhờ công nghệ nên nó cũng giúp vơi đi được phần nào.
Khác với mọi người ở trên, Nguyễn Đình Bắc, phải ăn Tết rất xa gia đình, khi anh đi xuất khẩu lao động và kẹt lại ở Đài Loan. Vì dịch Covid-19 nên anh không thể về Việt Nam đón Xuân cùng bố mẹ và vợ con. Ngồi lai rai với những người cùng cảnh ngộ như mình ở xứ người, thứ làm cho Bắc thấy gần gia đình trong không khí Tết chính là những cuộc gọi video thông qua các nền tảng mạng xã hội từ những người thân. Một cái Tết xa quê hương nhưng vì tình hình dịch nên không thể nào khác được.
Dịch Covid-19 khiến cho Tết năm 2021 có rất nhiều gia đình không thể đoàn tụ với nhau một cách đông đủ. Nhưng nhờ các nền tảng công nghệ từ mạng xã hội đến các ví điện tử… đã khiến họ vơi đi một phần nào nỗi buồn khi vẫn có không khí Tết online với gia đình và bạn bè. Đón năm mới tất cả mọi người đều có một mong muốn là sớm đẩy lùi được dịch bệnh để xã hội sớm trở lại bình thường.
Lê Mỹ
Người dân Sài Gòn chuyển sang sắm Tết online
Từ mâm cỗ cúng đến quần áo và vật dụng trong nhà, nhiều người dân ở TP.HCM đều ngồi tại nhà đặt hàng qua mạng.